Chương trình nghệ thuật của Nhạc viện TP.HCM chào mừng khai mạc hội thảo - Ảnh: Lam Điền |
Hội thảo do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức tại TP.HCM (ngày 3 và 4-10-2015)
Câu thơ nằm trong bài thơ Nghĩ lại về Pautovsky, trong đó nhà thơ nói rằng cuộc đời không êm đẹp như trang sách: “Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể/ Bể mặn mòi xa xót biết bao nhiêu”, nhưng vẻ đẹp cuộc đời nhờ trang sách gieo vào tâm hồn sẽ vẫn giúp người đọc biết làm người chống chọi lại những đắng cay bão tố cuộc đời.
“Ta đã lớn và Pautovsky đã chết/ Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện Tuyết/ Dẫu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em”.
Trong mạch liên tưởng này tôi lại nhớ tới ý của một nhà nghiên cứu văn học người Nga rằng kẻ nào đã đọc một trang văn của L. Tolstoy, M. Dostoevsky sẽ rất khó cầm dao giết người, bởi khi hắn muốn làm ác thì nội dung nhân văn từ trang viết của các đại văn hào đã níu tay hắn lại, thắp lên trong hắn đốm lửa người, ngăn lại bản năng thú.
Vâng, văn học nghệ thuật là phục vụ cho con người, làm cho con người thành NGƯỜI. Đề cao vai trò và sức mạnh của văn học nghệ thuật đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người là đúng đắn, và việc này càng trở nên cấp thiết trong hoàn cảnh hiện nay.
Khi mà trong xã hội đang xảy ra những hành động mất nhân tính đến mức đáng báo động. Khi sự tha hóa bản tính người, sự băng hoại những giá trị đạo đức nền tảng của cộng đồng người đang có chiều hướng gia tăng.
Trước nguy cơ khủng hoảng nhân cách và hủy hoại nhân tính đó, mọi người và mỗi người phải có trách nhiệm ngăn chặn cái ác và cái xấu, phải ra tay và chung tay chấn hưng phong hóa, phục hưng gia phong, bồi đắp nhân cách cho mình và cho người.
Trong công việc khó khăn, phức tạp và dài lâu này, những sáng tạo tinh thần của các văn nghệ sĩ có ý nghĩa to lớn vì chúng tác động trực tiếp đến con người qua con đường cảm xúc, tình cảm.
Một nhà thơ từng viết: “Trở về với mẹ ta thôi/ Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ” (Đồng Đức Bốn). Một nhà thơ khác lại viết: “Thôi ta về với mẹ ta/ Không làm chi nữa cũng là làm con”...
Một khi những câu thơ khắc khoải như thế, những bản nhạc, bức tranh, bộ phim, pho tượng lay lòng người đến vậy, thì có thể hi vọng thức tỉnh được tính người luôn có ở mỗi người.
Như một nhà phê bình văn học đã nhìn nhận “nhà văn như Thị Nở” vì hơi ấm bát cháo hành tỏa ra từ từng con chữ, từng trang viết sẽ lay thức được cả những kẻ tưởng cố cùng liều thân như Chí Phèo muốn trở lại làm người lương thiện.
Vâng, “văn học là nhân học” (M. Gorki), rộng ra văn chương nghệ thuật là nhân học. Bản thân các văn nghệ sĩ cũng là những con người. Họ đau đớn xót xa phẫn nộ yêu thương trong mỗi tác phẩm sáng tạo của mình vì con người, vì đồng loại, vì một xã hội nhân văn.
Trong con người đó, trong xã hội đó có chính họ. Những sáng tạo của họ để phát huy được ảnh hưởng của mình đến người đọc thì trước hết chúng phải được phát huy.
Tôi tâm đắc với điều băn khoăn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị: “Tôi nghe những ý kiến sáng giờ đều tích cực, nhưng làm sao để những ý kiến, ý tưởng này đi vào đời sống? Nhưng các tham luận này có đến tay những người có trách nhiệm không, rồi đến tay thì có đọc không, hay bỏ vào tủ khóa lại?” (Tuổi Trẻ, ngày 5-10-2015).
Như vậy, hội nghị nhấn mạnh vai trò của văn học nghệ thuật đối với sự phát triển nhân cách con người mới chỉ là điều kiện cần. Còn phải có điều kiện đủ là các kênh phổ biến và tiếp nhận tác phẩm văn học nghệ thuật, là sự đối thoại, tương tác của các cấp lãnh đạo và văn nghệ sĩ.
Một mặt, về phía mình, văn nghệ sĩ phải luôn ý thức trách nhiệm công dân của mình đối với đất nước, xã hội, phải luôn nâng cao chất lượng nghệ thuật trong mỗi tác phẩm của mình để có hiệu ứng mạnh nhất, cao nhất đến người đọc theo hướng chân - thiện - mỹ.
Mặt khác, về phía chính quyền, các cấp lãnh đạo quản lý phải có những biện pháp, kế hoạch nâng cao vị thế của văn nghệ sĩ để họ làm được tốt nhất thiên chức của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận