Dù tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 đạt 3%, thấp nhất từ 2009, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhưng kinh tế năm qua đã không gặp những trở ngại lớn nào.
Tỉ lệ thất nghiệp toàn cầu giảm xuống mức kỷ lục 4,9%. Tại những quốc gia có nhiều người nghèo, tình hình cũng lạc quan hơn khi tăng trưởng ở các quốc gia như Bangladesh đạt 7,8%, Ấn Độ đạt 6,1. Khoảng 10 triệu người thoát nghèo trong năm qua.
Hàng triệu người trên thế giới thoát nghèo trong năm 2019 - Ảnh: REUTERS
Thế giới vẫn cho đi hàng tỉ USD từ thiện trong năm qua. Mỹ vẫn là nước làm từ thiện hào phóng nhất, theo bảng xếp hạng World Giving Index do tổ chức Charities Aid Foundation công bố 10-2019.
Theo đó, người Mỹ quyên góp hơn 427 tỉ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, không chỉ nước giàu mới làm từ thiện hào phóng, trong nhóm 10 quốc gia top đầu vẫn có những nước có thu nhập trung bình thấp như Myanmar, Sri Lanka và Indonesia.
Người Mỹ vẫn là những người làm từ thiện hào phóng nhất - Ảnh: MARKET WATCH
Các nhà khoa học đã công bố liệu pháp mới chữa khỏi cho 90% những người mắc bệnh xơ nang (một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến phổi, tuyến tụy, gan, thận và ruột), cho đến nay là một bệnh khủng khiếp đối với hơn 70.000 người trên thế giới.
Thành tựu này là nhờ sự kiên trì của những người ủng hộ các nhà khoa học không bao giờ bỏ cuộc, ngay cả khi mục tiêu dường như là không thể.
Liệu pháp mang tên Trikafta được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt tháng 10-2019 sau khi thử nghiệm với tỉ lệ thành công cao.
Bệnh xơ nang cho đến nay là một bệnh khủng khiếp đối với hơn 70.000 người trên thế giới - Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY
Một căn bệnh đáng sợ khác là Ebola cũng được kiểm soát nhờ một loại văcxin mới.
Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi tiến trình phát triển loại văcxin này là một thắng lợi cho sức khỏe cộng đồng và là minh chứng cho sự hợp tác chưa từng có giữa các chuyên gia trên toàn thế giới.
Văcxin Ebola là một đột phá của 2019 - Ảnh: AFP
Những phong trào đấu tranh sôi nổi trên toàn thế giới như làn sóng biểu tình chống bạo lực phụ nữ tại Mỹ Latinh hay sự thức tỉnh của cộng đồng thế giới về biến đổi khí hậu với phong trào biểu tình dẫn đầu bởi giới trẻ đòi hành động ở hàng loạt quốc gia.
Các nhà hoạt động trẻ tại Mỹ cũng tiếp tục đòi cải cách luật súng đạn.
Nhà hoạt động Greta Thunberg tham gia cuộc bãi khóa vì biến đổi khí hậu ở Ý ngày 13-12-2019 - Ảnh: REUTERS
Vai trò của phụ nữ ngày càng lớn trong từ chính trị, khoa học cho đến đấu tranh vì môi trường.
Trong khi nhà khoa học Esther Duflo đoạt giải Nobel kinh tế nhờ công trình nghiên cứu về cách tiếp cận thực nghiệm trong việc giảm nghèo toàn cầu, phụ nữ ở Sudan đã góp phần mạnh mẽ vào làn sóng lật đổ tổng thống Omar al-Bashir.
Vào tháng 1-2019, 102 phụ nữ ngồi vào Hạ viện Mỹ, một con số kỷ lục.
Tháng 10-2019, hai nhà du hành Christina Koch và Jessica Meir cùng nhau bước ra ngoài vũ trụ, thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên hoàn toàn chỉ có nữ giới, sự kiện được coi là cột mốc cho đấu tranh bình đẳng giới.
Hai phi hành gia Jessica Meir (trái) và Christina Koch trên Trạm không gian quốc tế - Ảnh: NASA
Đài Loan hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, đưa vùng lãnh thổ này trở thành nơi đầu tiên ở châu Á công nhận hôn nhân không chỉ là sự kết hợp giữa một nam và một nữ.
"Việc thông qua điều 4 trong luật đảm bảo rằng hai người cùng giới tính có thể đăng ký kết hôn từ ngày 24-5 mở ra thành công một trang mới trong lịch sử" - thông cáo của Liên minh ủng hộ các quyền kết hợp dân sự tại Đài Loan viết.
Người ủng hộ hôn nhân đồng giới ăn mừng quyết định ngày 17-5 của cơ quan lập pháp Đài Loan - Ảnh: REUTERS
Năm 1990, cứ 1.000 trẻ em được sinh ra trên khắp thế giới thì có 82 trẻ chết trước khi tròn 5 tuổi. Nhưng tỉ lệ đó đã giảm xuống còn 37 vào năm nay.
Dù đây vẫn còn là tỉ lệ quá cao nhưng tiến bộ vẫn là đáng chú ý. Báo cáo của quỹ từ thiện Gates Foundation cũng cho rằng "sức khỏe và giáo dục đang cải thiện ở khắp mọi nơi trên thế giới".
Tỉ lệ trẻ em tử vong trước 5 tuổi giảm từ 82 xuống còn 37/1000 vào 2019 - Ảnh: REUTERS
Khoa học cũng ghi nhận khám phá nổi bật với hình ảnh đầu tiên về lỗ đen khổng lồ ở thiên hà M87. Hình ảnh một lần nữa trùng khớp với thuyết tương đối rộng của Albert Einstein.
Về lý thuyết, ở trung tâm các thiên hà luôn tồn tại những lỗ đen siêu khổng lồ với trọng lượng lớn hơn mặt trời hàng triệu, thậm chí hàng tỉ lần.
Hình ảnh đầu tiên của hố đen được ghi nhận - Ảnh: UCL
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận