Cho tiếng cười trẻ thơ vang mãiXoa dịu nỗi đau cho bệnh nhi
Phóng to |
Hai tuần một lần, nhóm Happier lại tổ chức các cuộc gặp để giúp phụ huynh thoải mái hơn sau những ngày căng thẳng chăm sóc con - Ảnh: Hà Bình |
Dưới sân, ba nữ sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Tạ Mai Anh và Đoàn Thị Trâm xách túi bánh kẹo, “đạo cụ” đi lên chuyên khoa phỏng ở tầng 2. Ba bạn là thành viên nhóm công tác xã hội bệnh viện Happier (Hạnh phúc hơn) hợp tác giữa Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Trường ĐH Mở TP.HCM, hai tuần một lần có mặt tại đây.
Đầu giờ chiều, nhóm có buổi gặp thân nhân các bé bị phỏng đang điều trị. Đến giờ, những người mẹ, người dì, cậu, bà... của các bé ngồi quây tròn bên chiếc bàn lớn đặt giữa phòng. “...Hi vọng sau buổi sinh hoạt hôm nay, các anh chị, cô chú sẽ thoải mái hơn sau những ngày căng thẳng chăm sóc con em mình” - Ngọc Ánh mở đầu. Vẫn nghe cô sinh viên nói nhưng có vẻ ai cũng nhấp nha nhấp nhổm, bụng như lửa đốt khi con mình nằm viện.
“Bây giờ các anh chị, cô chú lần lượt giới thiệu tên của mình, quê ở đâu, tình trạng bệnh của con em mình cho mọi người cùng biết...” - Ngọc Ánh tiếp tục. “Tui tên Sỹ, quê miền Tây, là cậu vào chăm sóc cháu. Nhà anh chị tui bị cháy nên cháu bị phỏng toàn thân”. Kế bên, một người mẹ vẻ mặt khắc khổ kể con chị “nghịch té vô nồi nước lèo” rồi khóc nức nở. Người mẹ ngồi kế bên - cũng có con bị phỏng - quàng tay qua vai chị sẻ chia nỗi lòng của những người mẹ. Không khí nặng nề bao trùm. Ai đó thở dài.
Chờ mọi người giới thiệu xong, Mai Anh ghi tên người đó và dán vào trước ngực từng người. Tiếp theo, Ngọc Ánh mời mọi người xem một đoạn phóng sự nhóm chuẩn bị sẵn trên máy chiếu về nguy cơ trẻ em bị phỏng. “Anh chị nghĩ gì khi xem đoạn phim này?” - Ngọc Ánh hỏi. Chị Huệ giơ tay: “Trẻ dưới 6 tuổi chiếm 60% trong số trẻ bị phỏng do chưa có ý thức bảo vệ mình. Có những cái mình không ngờ đến như bỏ phích nước, ổ điện dưới đất lại gây phỏng cho con mình. Tui sẽ chú ý để phòng tránh cho con”.
“Để không khí sôi động hơn, chúng ta sẽ chơi một trò chơi” - cô sinh viên tiếp tục. Chẳng còn tâm trạng để chơi nhưng mọi người vẫn làm theo hướng dẫn và chia thành hai đội, mỗi đội đặt cho mình một cái tên. “Rầu rĩ” - đội chị Phương bật ra cái tên khiến mọi người không nhịn được cười. Đáp trả lại, đội chị Uyên - người mẹ mới ngoài 20 tuổi - cũng đặt tên đội là... “Râu Ria” làm những tràng cười vang lên thoải mái.
Câu hỏi đầu tiên chiếu trên màn hình theo kiểu trò chơi “Ai là triệu phú”, liên quan đến kiến thức y khoa. Hai đội suy nghĩ, bàn tán sôi nổi và chọn đáp án. Rồi những câu hỏi làm gì khi con bị phỏng, trẻ sốt cao nên làm gì, các mức độ của phỏng... cũng được đưa ra cho phụ huynh trả lời. Cứ thế, những tiếng cười sảng khoái tiếp tục vang lên ở phòng họp khoa phỏng. Sau một giờ sinh hoạt, mọi người gắn bó với nhau hơn, “đỡ căng thẳng, biết thêm kiến thức để chăm sóc con...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận