Ngoài các màn trình diễn pháo hoa đặc sắc, mỗi quốc gia sẽ có những sự kiện đặc biệt mang đậm nét văn hóa địa phương để chào mừng năm mới.
Hong Kong bắn pháo hoa lấy cảm hứng từ thiên nhiên
Xem lại màn bắn pháo hoa mãn nhãn đón năm mới 2024 tại Hong Kong (Trung Quốc)
Đêm 31-12-2024, thành phố Hong Kong (Trung Quốc) sẽ diễn ra sự kiện trình diễn pháo hoa và đếm ngược đón chào năm mới 2025 với chủ đề "Bản giao hưởng của hạnh phúc" tại cảng Victoria.
Sự kiện này đã trở thành một truyền thống diễn ra hàng năm của xứ Hương Cảng, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến để tận hưởng không khí lễ hội cuối năm và hân hoan chào mừng năm mới sắp đến.
Với đường kính bắn pháo hoa lên đến 1,3km và kéo dài trong 12 phút, khán giả có thể chiêm ngưỡng màn trình diễn pháo hoa và đếm ngược từ vô số vị trí tham quan hai bên cảng Victoria. Pháo hoa sẽ được bắn lên đồng loạt từ 5 điểm sà lan và 16 điểm cầu phao, đồng thời sẽ có pháo hoa tầm cao từ nóc nhà của các tòa nhà lân cận để tạo nên một bữa tiệc thị giác và âm thanh trọn vẹn.
Màn trình diễn pháo hoa do ông Liu Lin, trưởng dự án và giám đốc điều hành pháo hoa, biên đạo. Ông cũng là đạo diễn của buổi trình diễn pháo hoa tại Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Màn trình diễn pháo hoa "Bản giao hưởng của hạnh phúc" dự kiến mang lại cho du khách một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc cùng ánh nắng ngập tràn và trăm hoa đua nở.
Ngoài màn trình diễn pháo hoa hoành tráng vào lúc nửa đêm, khán giả cũng sẽ được chiêm ngưỡng bốn đợt bắn pháo hoa "Sao băng" cách nhau 15 phút bắt đầu từ 23h ngày 31-12. Đây là loạt pháo hoa để tất cả mọi người cùng nhau ước nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới như tình yêu, sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.
Ngoài ra, như thường lệ, nhiều quốc gia khác như Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản… cũng sẽ có sự kiện bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, hứa hẹn mang đến cho du khách những giây phút chào mừng năm mới thật hoành tráng và mãn nhãn.
Xem lại màn trình diễn pháo hoa đỉnh cao đón năm mới 2024 tại London, Anh - Video: BBC
Nhiều phong tục đón năm mới tại các quốc gia
Theo trang Flight Gift, vào đêm giao thừa, các nền văn hóa và cộng đồng khác nhau sẽ tạo nên nét đặc trưng riêng cho thời khắc này.
Ở Nhật Bản, đêm giao thừa được gọi là "Omisoka" - thời gian để suy ngẫm và thanh tẩy. Người dân đến chùa và đền thờ để rung chuông lớn 108 lần, tượng trưng cho 108 tội lỗi của con người theo quan niệm Phật giáo. Họ cũng ăn "toshikoshi soba" (mì trường thọ), với hy vọng mang lại may mắn và trường thọ trong năm mới.
Người Tây Ban Nha có truyền thống độc đáo là ăn 12 quả nho vào đúng nửa đêm, mỗi quả tượng trưng cho một tiếng chuông đồng hồ. Nếu ăn hết 12 quả kịp lúc, bạn sẽ có một năm mới đầy may mắn và thịnh vượng.
Còn tại Brazil, nhiều người mặc trang phục trắng trong đêm 31-12 để tượng trưng cho hòa bình và sự tinh khiết. Lúc nửa đêm, đám đông tụ họp trên các bãi biển để dâng hoa, nến và những chiếc thuyền nhỏ đầy đồ cúng lên nữ thần biển Yemanja. Đây là một cách đẹp đẽ và tâm linh để chào đón năm mới.
Ở Scotland, người đầu tiên bước vào nhà sau thời khắc giao thừa được gọi là "first footer". Theo truyền thống, người này nên mang theo những món quà biểu tượng như đồng xu, bánh mì, muối và rượu whisky để mang lại may mắn cho gia đình trong năm mới - một nét khá tương đồng với tục xông nhà đầu năm của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán.
Người Hy Lạp có một truyền thống vui nhộn là đập trái lựu trên ngưỡng cửa nhà khi họ bước vào nhà vào đêm 31-12. Việc hạt lựu bắn ra được tin rằng sẽ mang lại may mắn và thịnh vượng trong năm mới.
Ở Philippines, các hình tròn được coi là biểu tượng của sự may mắn, tượng trưng cho tiền xu và sự giàu có. Các gia đình thường bày trái cây trên bàn ăn và nhiều người mặc trang phục chấm bi để cầu may.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận