22/12/2018 20:37 GMT+7

Những thắc mắc thường gặp về giấc ngủ của trẻ

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)

Mỗi đứa trẻ có một nhu cầu, thói quen cũng như những vấn đề khác nhau liên quan đến giấc ngủ.

Những thắc mắc thường gặp về giấc ngủ của trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: mayoclinic.org

Mỗi đứa trẻ có một nhu cầu, thói quen cũng như những vấn đề khác nhau liên quan đến giấc ngủ. Dưới đây là các câu hỏi thường gặp về giấc ngủ của bé

Đứa con 3 tuổi của tôi thường bị giật trong khi bé buồn ngủ. Điều này có bình thường không?

Trả lời: Biểu hiện này là bình thường. Đó có thể là những cú giật của tay và chân xảy ra khi trẻ bắt đầu vào giấc ngủ. Khoảng hơn 70% trẻ em và người lớn có dấu hiệu này. Mệt mỏi, căng thẳng hoặc thiếu ngủ đều là nguyên nhân khiến giấc ngủ của bé bị ảnh hưởng. Vì thế hãy chú ý đến thói quen khi ngủ của bé.

Con tôi đã 8 tuổi mà vẫn cần phải đánh thức dậy mỗi sáng. Điều này có bình thường không?

Trả lời: Điều này có thể là bình thường, tuy nhiên, khi ở độ tuổi lên 8, thông thường trẻ có thể tự thức dậy. Đây cũng có thể là dấu hiệu con của bạn có vấn đề về giấc ngủ. Hãy để tâm xem liệu con bạn có ngủ đủ giấc không, đặc biệt là đối với trẻ đang độ tuổi đi học.

Con tôi thường ngáy và há miệng khi ngủ. Tôi có cần lo lắng về điều này không?

Trả lời: Ngáy có thể là biểu hiện bé bị cảm lạnh hoặc tắc mũi. Nếu hiện tượng này diễn ra hằng đêm thậm chí ngay cả khi bé khỏe mạnh thì đây có thể là dấu hiệu của chứng khó thở khi ngủ. Ở những trẻ mắc chứng này đường hô hấp trên bị tắc khiến trẻ khó thở khi ngủ. Đưa bé đi khám bác sĩ nếu có các biểu hiện như ngáy, ngừng thở khi ngủ, khó thở, thở bằng miệng, nằm sấp, trằn trọc về đêm, đổ nhiều mồ hôi về đêm, mệt mỏi và không tập trung.

Khi nào một đứa trẻ thôi không ngủ ngày nữa? Một giấc ngủ ngày nên kéo dài bao lâu?

Trả lời: Khoảng 25% các trẻ sẽ không còn ngủ ngày khi được 3 tuổi. 50% các em chấm dứt giấc ngủ ngày ở khoảng 3-4 tuổi. Ở độ tuổi lên 5, hầu hết các bé đều không ngủ ngày nếu các em đã ngủ đủ giấc buổi tối. Giấc ngủ ngắn có thể diễn ra từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ.

Nếu bạn là người khó ngủ thì nên rút ngắn giấc ngủ ngày của con, chẳng hạn giấc ngủ sau bữa ăn trưa. Nếu bé không ngủ trưa như bạn mong muốn thì hãy để bé nghỉ ngơi tại phòng hay đọc sách.

Bé nhà tôi thường xuyên gắt gỏng mỗi khi thức giấc, điều này có ý nghĩa gì?

Trả lời: Nếu bé nhà bạn gắt gỏng mỗi khi con thức dậy, có thể là bởi vì con ngủ chưa đủ hoặc ngủ không sâu giấc. Nếu bạn lo lắng những cơn gắt của bé bắt nguồn từ lý do thiếu ngủ hay rối loạn giấc ngủ thì hãy đưa con đến gặp bác sĩ.

Làm sao khiến cho đứa con tuổi thiếu niên của tôi đi ngủ sớm trước nửa đêm?

Trả lời: Sau đây là một số gợi ý có thể giúp con bạn đi ngủ sớm hơn:

- Khuyến khích con đi ngủ và dậy vào cùng 1 thời điểm trong ngày. Điều này giúp đồng hồ sinh học của cơ thể hoạt động nhịp nhàng. Ví dụ, vào các ngày cuối tuần con có thể ngủ muộn hơn bình thường 1 tiếng, nhưng nên tránh muộn hơn vì điều đó khiến con không còn cảm giác mệt và cần phải ngủ vào buổi tối.

- Hãy dành khoảng 40 phút cho trạng thái thả lỏng, thư giãn trước khi lên giường. Những hoạt động có thể kể đến như tắm bằng nước ấm, uống sữa ấm, viết nhật ký, đọc truyện sách, nghe các bản nhạc nhẹ nhàng.

- Ngắt tất cả các thiết bị điện tử trong phòng ngủ ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ. Tất cả các kích thích bao gồm: loa, điện thoại di động, màn hình vi tính và ti vi. Ở giai đoạn dậy thì trẻ bắt đầu tiết ra hoóc môn melatonin vào giờ muộn hơn về đêm so với trẻ nhỏ. Chính điều này đã ảnh hưởng đến nhịp ngày đêm của trẻ, khiến trẻ đi ngủ muộn hơn và dậy muộn hơn vào sáng hôm sau. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các trẻ vị thành niên ngủ sâu và hoạt động tốt hơn vào ban ngày nếu bố mẹ thiết lập giờ ngủ cho trẻ vào buổi tối.

Tôi cần làm gì trong ngày để giúp con ngủ tốt hơn?

Trả lời: Những bí quyết trong ngày giúp con bạn ngủ tốt hơn vào ban đêm:

- Cho con ăn bữa sáng khoa học để giúp con kích hoạt đồng hồ sinh học.

- Khuyến khích con tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt, đặc biệt là vào buổi sáng. Việc này giúp cơ thể sản xuất ra melatonin vào đúng thời điểm trong chu kỳ giấc ngủ sinh học của trẻ.

- Khuyến khích con tích cực hoạt động và tập thể dục. Hoạt động thể chất giúp trẻ ngủ sâu và lâu hơn.

- Không để con sử dụng các loại đồ uống giàu năng lượng có chứa caffeine như nước tăng lực, cà phê, trà, sô-cô-la, cô-la đặc biệt vào thời điểm chiều muộn và tối.

- Cần bảo đảm rằng con bạn có một bữa tối đủ chất tại một thời điểm hợp lý. Cảm giác quá đói hay quá no trước khi đi ngủ cũng là nguyên nhân khiến các con ngủ không ngon giấc.

- Cần đảm bảo rằng trong khẩu phần ăn của con có đủ chất sắt. Thực phẩm chứa sắt bao gồm các loại thịt màu đỏ, rau xanh, đậu lăng,...

Làm sao để khiến con đi ngủ sớm hơn?

Trả lời: Để giúp đứa trẻ ngủ ngon sớm hơn, mẹ có thể dịch chuyển thời gian lên giường ngủ của bé sớm hơn 15 phút mỗi ngày so với thông lệ . Hầu hết các bé sẽ chìm vào giấc ngủ trong vòng 20 phút sau khi tắt điện. Nếu bé vẫn chưa thể ngủ sau khi đã tắt đèn 20-30 phút,có thể mẹ sẽ cần giữ nguyên giờ đi ngủ trong vài tuần trước khi đẩy khung giờ lên sớm hơn. Cố gắng đánh thức con dậy cùng một thời điểm vào các buổi sáng kể cả cuối tuần. Dậy đúng giờ có thể giúp trẻ đi ngủ đúng giờ.

Làm sao để đứa con 6 tuổi của tôi chịu ngủ riêng?

Trả lời: Sau đây là một vài gợi ý giúp con bạn sẵn sàng ngủ một mình:

- Thiết lập thời gian biểu đều đặn: Đi tắm, đọc truyện, đi ngủ.

- Kiểm tra không gian trong phòng bé đã đủ yên tĩnh và tối chưa.

- Khuyến khích các thói quen tốt của con ví dụ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tập thể dục.

- Khen ngợi con khi bé có thái độ hợp tác.

- Áp dụng phương pháp "Camping out": Đây là một cách hiệu quả để đối phó với tình trạng tỉnh giấc hay ngủ không yên giấc ở các trẻ nhỏ, đặc biệt khi các bé cảm thấy lo lắng hoặc sợ.

Các bước trong phương pháp Camping out:

+ Kê giường hoặc ghế sát bên cạnh giường/cũi của bé;

+ Nằm hoặc ngồi sát bên con, vỗ về và ru bé vào giấc ngủ;

+ Khi bé đã say giấc, nhẹ nhàng rời khỏi phòng;

+ Khi bé đã quen với phương pháp này (thường là sau 3 đêm), mẹ có thể ngồi hoặc nằm cạnh bé cho đến khi bé ngủ. Đừng chạm vào người bé;

+ Khi bé đã quen với phương pháp này (thường là sau 3 đêm nữa) hãy di chuyển ghế hay giường của bạn ra xa nơi bé nằm một đoạn (khoảng 30-40 cm). Ở yên tại ghế hay giường cho tới khi bé ngủ.

+ Từ từ dịch chuyển ghế hay giường của bạn về phía cửa ra vào và ra khỏi phòng ngủ của con. Việc tập luyện này có thể kéo dài 1-3 tuần.

Nếu cha mẹ muốn thay đổi thói quen giấc ngủ của trẻ, cần giải thích để con hiểu và hợp tác với kế hoạch của bố mẹ.

Làm sao để xua tan nỗi ám ảnh và lo lắng của con mỗi khi ngủ?

Trả lời: Ban ngày, bạn có thể kể cho bé những câu truyện ngắn về những em bé với nỗi sợ hãi khi đi ngủ. Chia sẻ với con về nỗi niềm của bé và động viên con kể lại hoặc ghi lại cảm xúc của mình. Những kỹ năng thư giãn hoặc các bài tập thư giãn cơ cũng có thể giúp con bình ổn tinh thần hơn.

Tôi phải làm gì khi con có biểu hiện đập đầu và đu đưa người để tự ru ngủ mỗi khi ngủ?

Trả lời: Các biểu hiện thường gặp ở trẻ như đập đầu và đu đưa người thường không nguy hiểm và sẽ biến mất khi trẻ lớn hơn. Khoảng 5% các bé ở độ tuổi lên 5 có những biểu hiện này để tự dỗ mình vào giấc ngủ.

Cố gắng lờ đi các biểu hiện này, tìm cách hạn chế tiếng ồn ào và giữ an toàn cho trẻ. Ví dụ, mẹ có thể chuyển giường ra khỏi tường, kiểm tra và siết lại các đinh ốc thành giường.

Đứa con 3 tuổi của tôi luôn đòi uống sữa lúc nửa đêm. Tôi phải làm sao để xóa bỏ thói quen này?

Trả lời: Nếu một em bé độ tuổi này đòi ăn vào ban đêm thì nguyên nhân có thể do bé đã quen phải bú bình mới ngủ được. Khi không thể ngủ lại vào nửa đêm, bé sẽ đòi bú bình.

Sau đây là một số bí quyết giúp trẻ ngừng đòi ăn đêm và học cách tự ngủ ngon.

Chọn thời điểm: Nếu như con vừa trải qua khoảng thời gian biến động hoặc mệt mỏi căng thẳng thì mẹ không nên thực hiện vội.

- Làm công tác tư tưởng trước cho con về việc sẽ bỏ bú bình buổi tối;

- Trang bị cho con những bảo bối để thay thế như chăn hoặc bé gấu bông;

- Khi bé nhà bạn cố gắng cai bú bình, hãy tổ chức bữa tiệc nhỏ như phần thưởng dành cho sự cố gắng của bé;

- Cuối cùng, cố gắng không để bé tái diễn thói quen vừa bỏ bởi vì cho dù mẹ có chuẩn bị tâm lý cho bé tốt đến đâu, mẹ cũng nên lường trước một số khó khăn và thái độ chống đối của trẻ.

Làm gì khi bé 5 tuổi thường mộng du?

Trả lời: Điều đầu tiên mẹ cần làm là kiểm tra xem con ngủ có đủ giấc không. Lên giường sớm hơn với lịch trình đều đặn có thể giảm tình trạng mộng du. Khoảng 7-15% trẻ em mắc hiện tượng này. Điều này không có gì bất thường khiến cha mẹ phải lo lắng. Trẻ cũng có thể nói khi ngủ. Điều này cũng không có gì đáng lo ngại.Hầu hết các bé sẽ không còn hiện tượng này khi đến tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, có thể đưa con đến gặp bác sĩ nếu cha mẹ cảm thấy lo lắng.

Bé nhà tôi thường thức giấc trong trạng thái mệt mỏi, quấy khóc, không thể dỗ được. Tôi phải làm gì?

Trả lời: Nếu bé nhà bạn không đáp ứng với các hình thức vỗ về, thư giãn nhưng vẫn khỏe mạnh, có thể con vừa trải qua một giấc mơ khủng khiếp. Lúc này mẹ cần bình tĩnh, tránh chạm vào trẻ trừ khi bé có nguy cơ làm tổn thương chính mình. Đánh thức con dậy chỉ khiến cho tình trạng này kéo dài hơn. Những cơn ác mộng thực chất không gây hại cho con bạn và bé cũng sẽ không còn nhớ gì vào buổi sáng hôm sau.

Thể trạng quá mệt mỏi và lo lắng cũng là nguyên nhân khiến những cơn ác mộng ghé thăm thường xuyên hơn. Vì thế, các bậc cha mẹ cần để ý thói quen ngủ của bé. Nếu bạn cảm thấy thực sự lo lắng, hoặc nếu các cơn ác mộng có vẻ kéo dài và bạo lực, hãy tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia.

Tôi cần làm gì mỗi khi con gặp những cơn ác mộng?

Trả lời: Nếu bé nhà bạn tỉnh dậy sau cơn ác mộng, giải thích cho con đó chỉ là một giấc mơ và nói để con hiểu mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp và an toàn. Một nụ hôn và những cử chỉ âu yếm vỗ về có thể giúp tinh thần con bình ổn trở lại. Bước sang tuổi lên 7, con có thể tự xoay xở mà không cần đến sự dỗ dành của cha mẹ.

Nên đưa trẻ đi khám nếu bé gặp ác mộng đồng thời cũng tỏ ra rất lo lắng vào ban ngày. Phụ huynh cũng nên đưa con đến bác sĩ nếu việc mơ thấy ác mộng là kết quả những sang chấn tâm lý trẻ trải qua./.

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên