01/01/2019 14:55 GMT+7

Những sự kiện khoa học đáng chờ đợi năm 2019

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Những người yêu mến khoa học trên thế giới sẽ có một năm 2019 bận rộn theo dõi nhật thực, nguyệt thực, các chuyến phóng tàu lên Mặt trăng...

Những sự kiện khoa học đáng chờ đợi năm 2019 - Ảnh 1.

Một đợt nguyệt thực (còn gọi là "trăng máu") - Ảnh: SCIENCE

Nhật thực - nguyệt thực "dày đặc"

2019 là năm "kín lịch" của các hiện tượng thiên văn như nhật thực hay nguyệt thực.

Ngày 6-1, nhật thực bán phần sẽ "mở hàng" năm mới. Khu vực có thể quan sát được bao gồm Đông Á, phía bắc Thái Bình Dương và một phần Đông Nam Á.

Không lâu sau, nguyệt thực toàn phần diễn ra tại khu vực châu Mỹ, châu Âu và phần lớn châu Phi vào ngày 21-1 và kéo dài trong hơn 3 tiếng.

Ngoài ra, nhật thực toàn phần và bán phần còn diễn ra vào ngày 2-7 và ngày 26-12, trong khi đó nguyệt thực xuất hiện thêm một lần vào ngày 16-7.

Định nghĩa mới về kilogram có hiệu lực

Những sự kiện khoa học đáng chờ đợi năm 2019 - Ảnh 2.

Khối kilogram chuẩn đang được lưu trữ tại Paris - Ảnh: REUTERS

Tháng 11-2018, trong hội nghị toàn thể về cân đo (BIMP), giới khoa học đã quyết định thay đổi định nghĩa của đại lượng thông dụng nhất trong cuộc sống là kilogram.

Theo đó, kilogram được thống nhất định nghĩa dựa vào hằng số Planck thay vì theo khối lượng của khối kilogram tiêu chuẩn hiện đang lưu trữ tại Paris.

Vào ngày đo lường quốc tế 20-5, định nghĩa mới này chính thức có hiệu lực.

Vậy là 7 đơn vị cơ bản đã được định nghĩa chính xác nhất có thể: ampe (A) dựa vào điện tích cơ bản (e), kelvin (K) dựa vào hằng số Boltzmann (k), mol dựa vào hằng số Avogadro, ngoài ra mét (m) và candela (cd) dựa vào các hằng số vật lý từ lâu.

Chuyến bay có người đầu tiên của SpaceX

Những sự kiện khoa học đáng chờ đợi năm 2019 - Ảnh 3.

Công ty hàng không vũ trụ tư nhân SpaceX dự kiến sẽ có chuyến bay chở người lần đầu tiên - Ảnh: SPACEX

NASA cho biết vào tháng 6-2019, một đội phi hành gia của họ lần đầu tiên sẽ lên trạm ISS bằng tên lửa của công ty SpaceX.

Đây cũng là chuyến hành trình đưa người lên vũ trụ từ đất Mỹ lần đầu tiên sau khi chương trình tàu con thoi dừng lại vào năm 2011.

Từ đó đến nay, những chuyến vào không gian của NASA đều phải mượn nhờ vào tàu Soyuz (Nga) và thực hiện bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Với SpaceX, sự kiện tháng 6-2019 cũng là một cột mốc đáng nhớ với công ty hàng không vũ trụ tư nhân lớn nhất thế giới hiện tại.

Tham vọng về những chuyến du lịch không gian của tỉ phú Elon Musk - nhà sáng lập SpaceX - sẽ không còn xa.

Kính thiên văn CHEOPS "xuất trận"

Những sự kiện khoa học đáng chờ đợi năm 2019 - Ảnh 4.

Các nhà khoa học trong giai đoạn chuẩn bị cho CHEOPS - Ảnh: CHEOPS MISSION

Trong năm 2018, kính thiên văn Kepler của NASA chính thức nghỉ hưu sau 9 năm hoạt động và phát hiện hơn 2.600 vật thể ngoài vũ trụ.

Hiện tại NASA đang hoàn thành những bước chuẩn bị cuối cùng cho kính thiên văn "hiện đại nhất lịch sử" tên là James Webb, dự kiến sẽ vào không gian vào năm 2020.

Trước đó, tháng 10-2018, kính thiên văn CHEOPS do trung tâm vũ trụ châu Âu và trung tâm vũ trụ Thụy Sĩ hợp tác sản xuất sẽ được đưa vào không gian.

CHEOPS đã được lựa chọn và nghiên cứu từ tháng 10-2012. Dự kiến hoạt động trong 3,5 năm, CHEOPS nhận nhiệm vụ quan sát các ngoại hành tinh ngoài Hệ mặt trời, giúp các nhà khoa học có thể phân tích được cấu trúc và thành phần của chúng.

Sao Thủy "quá cảnh" Mặt trời

Những sự kiện khoa học đáng chờ đợi năm 2019 - Ảnh 5.

Chấm nhỏ trên nền đỏ chính là sao Thủy đang "quá cảnh" qua Mặt trời - Ảnh: SCIENCE

Đây là một hiện tượng hiếm xảy ra, khi đó Mặt trời, sao Thủy và Trái đất sẽ thẳng hàng với nhau. Người dân ở vùng sáng Trái đất khi đó sẽ nhìn thấy một chấm đen nhỏ trên Mặt trời - bóng của sao Thủy.

Các nhà khoa học cho biết trong một thế kỷ, hiện tượng này có thể xảy ra từ 13 đến 14 lần, trong đó lần kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày 11-11-2019.

Những nơi có thể quan sát hiện tượng này bao gồm châu Phi, Đại Tây Dương, Trung Mỹ, Nam Mỹ và đông nam Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam không thể quan sát khoảnh khắc "quá cảnh" này.

"Nhộn nhịp" lên Mặt trăng

Những sự kiện khoa học đáng chờ đợi năm 2019 - Ảnh 6.

Chang'e-4 dự kiến sẽ là tàu thăm dò đầu tiên khám phá vùng tối Mặt trăng - Ảnh: GETTY IMAGES

Năm 2019, Trung Quốc, Ấn Độ và Israel đều có những nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ không người lái đến quan sát Mặt trăng, trong khi NASA tiếp tục nghiên cứu cho chuyến đưa người lên vệ tinh tự nhiên này vào năm 2028.

Vào đầu tháng 12 vừa qua, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Chang'e-4, bao gồm phương tiện tiếp đất và xe thám hiểm bằng tên lửa Long March-3B lên vũ trụ.

Dự kiến vào đầu tháng 1-2019, tàu sẽ đáp xuống khu vực gần cực nam Mặt trăng, trở thành sứ mệnh khám phá phần tối Mặt trăng đầu tiên trên thế giới.

Trong khi đó, ngày 31-1, Ấn Độ sẽ phóng tàu Chandrayaan-2 dự kiến sẽ bay quanh và đáp xuống Mặt trăng tìm hiểu về địa chấn, không khí và nhiệt độ trong lòng đất.

Cuối cùng vào tháng 3, một tàu thăm dò khác sẽ lên Mặt trăng dưới sự hợp tác giữa Israel và Google. Chỉ nặng khoảng 600kg (đã tính cả nhiên liệu), đây sẽ là tàu thăm dò nhẹ nhất từng lên Mặt trăng.

Trao quả cầu vàng cho 10 tài năng trẻ khoa học công nghệ Trao quả cầu vàng cho 10 tài năng trẻ khoa học công nghệ

TTO - Tối 28-12, 10 gương mặt đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã được vinh danh và trao giải thưởng Quả cầu vàng năm 2018.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên