09/12/2023 16:19 GMT+7

Những số 7 của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy

'Tao tên Bảy, học bổ túc 7 ngày xong 7 lớp. Lái máy bay MIG-17, bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Được phong tặng danh hiệu Anh hùng năm 1967, đẻ con trai đầu năm 1967. Năm 2017 đáp máy bay qua Huê Kỳ giao lưu phi công Việt-Mỹ'.

Hình ảnh phi công Nguyễn Văn Bảy thời trẻ và lúc già được in trong sách - Ảnh chụp lại: LINH ĐOAN

Hình ảnh phi công Nguyễn Văn Bảy thời trẻ và lúc già được in trong sách - Ảnh chụp lại: LINH ĐOAN

Đó là lời ông Bảy nói với tác giả cuốn sách Sống để kể lại những anh hùng.

Chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy, phi công huyền thoại lái máy bay MIG-17 bắn rơi 7 chiếc máy bay Mỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chắc có lẽ nhiều người biết.

Thế nhưng chuyện ông tổng kết duyên nợ với số 7 của mình thì vừa được hé lộ.

Quyển Sống để kể lại những anh hùng của tác giả Nguyễn Quang Chánh vừa được giới thiệu ngày 9-12 tại hội trường Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM.

Quyển sách dày khoảng 400 trang có gần 30 câu chuyện kể về những anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã đi vào huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngoài phi công Nguyễn Văn Bảy còn có câu chuyện về ông Tư Cang, ông Bảy Ước, điệp viên Phạm Xuân Ẩn, nhà tình báo Lê Hữu Thúy…

Anh hùng trong cả lòng dân

Tác giả Nguyễn Quang Chánh là nguyên cán bộ của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM. Ông đã in những quyển sách như Những anh hùng sống mãi trong lòng dân, Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng.

Quyển sách Sống để kể lại những anh hùng - Ảnh: LINH ĐOAN

Quyển sách Sống để kể lại những anh hùng - Ảnh: LINH ĐOAN

Để hoàn thành quyển sách này, tác giả nhận được sự động viên tinh thần to lớn từ những nhân vật của mình, từ Ban Liên lạc cựu chiến binh Phòng Tình báo Miền (B2).

Đại tá, nhà văn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang) là cố vấn nội dung của quyển sách.

Tác giả Nguyễn Quang Chánh xúc động chia sẻ về những anh hùng mà ông đã gặp - Ảnh: LINH ĐOAN

Tác giả Nguyễn Quang Chánh xúc động chia sẻ về những anh hùng mà ông đã gặp - Ảnh: LINH ĐOAN

Phát biểu tại buổi ra mắt sách, tác giả Nguyễn Quang Chánh chia sẻ ông rất thích đi theo và lắng nghe câu chuyện của những con người anh dũng trong cuộc chiến nhưng hết sức khiêm nhường, lặng lẽ trong đời thường.

Ông cho rằng nếu không kể ra thì sẽ ít người biết. Và ông thấy cần phải viết sách để kể những câu chuyện đẹp đẽ đó.

Để những hy sinh của họ được ghi nhận và lan tỏa tinh thần dũng cảm chiến đấu vì đất nước, vì nhân dân của thế hệ đi trước đến với người trẻ hôm nay.

"Tôi mong muốn từ những câu chuyện kể của mình sẽ là tư liệu để nhiều người sẽ kể tiếp, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia kể về những anh hùng trong chiến đấu và cũng là những anh hùng trong đời thường, trong lòng dân" - ông Nguyễn Quang Chánh xúc động nói.

Số 7 định mệnh của phi công Nguyễn Văn Bảy

Kể về các nhân vật của mình, tác giả Nguyễn Quang Chánh nhắc nhiều về phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy.

Thậm chí ông dành khoảng 40 trang viết riêng về người phi công ưu tú của đất Đồng Tháp.

Sau cuộc chiến, phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy trở về với ruộng đồng, làm người nông dân chính hiệu, chia sẻ giúp đỡ bà con xóm làng ở đất Lai Vung, Đồng Tháp - Ảnh chụp từ sách: LINH ĐOAN

Sau cuộc chiến, phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy trở về với ruộng đồng, làm người nông dân chính hiệu, chia sẻ giúp đỡ bà con xóm làng ở đất Lai Vung, Đồng Tháp - Ảnh chụp từ sách: LINH ĐOAN

Đó là người sanh ra từ ruộng đồng rồi tập kết ra Bắc. Mới học hết lớp ba nên ông phải học bổ túc văn hóa cấp tốc. Và số 7 của ông Bảy bắt đầu từ đó.

Ông đã từng nói với tác giả: "Tao tên Bảy, học bổ túc 7 ngày xong 7 lớp. Lái máy bay MIG-17, bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Được phong tặng danh hiệu Anh hùng năm 1967, đẻ con trai đầu năm 1967. Năm 2017 đáp máy bay qua Huê Kỳ giao lưu phi công Việt-Mỹ".

Tổng kết của ông Bảy nghe nhẹ hều. Nhưng sự gan dạ, mưu trí của ông trong hành trình điều khiển chiếc MIG-17 cổ lỗ sĩ đối đầu với máy bay tối tân của đối phương đều khiến ai nấy phải thán phục.

Ông biết hạn chế thiết bị của mình nên chọn lối tấn công trên không theo kiểu du kích, áp sát, bắn nhanh, chuẩn xác rồi… rút lẹ.

Thành tích của ông không chỉ quân dân trong nước nhìn nhận, mà các quân nhân nước ngoài tham chiến ngày ấy vẫn nhớ và tìm về gặp ông sau hòa bình.

Khi về hưu, ông Bảy trở thành nông dân chánh hiệu. Không màng danh lợi, không sân si, bon chen. Lương hưu của mình ông dành dụm hỗ trợ việc đưa lưới điện, nước sạch về cho bà con xóm nghèo.

Và như thế hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ cứ thế tỏa sáng một cách bình dị, dù trong chiến tranh gian khổ hay đất nước thời bình…

Những huyền thoại của phi công anh hùng mọi thời đại Nguyễn Văn BảyNhững huyền thoại của phi công anh hùng mọi thời đại Nguyễn Văn Bảy

TTO - Đến viếng đại tá phi công ngày 24-5, anh hùng Nguyễn Văn Bảy có những phi công đã tóc bạc da mồi ngậm ngùi tiễn đồng đội, những sĩ quan không quân trẻ kính ngưỡng với đàn anh, những học sinh mới chỉ được nghe thầy giáo kể huyền thoại ông Bảy...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên