![]() |
Cơ sở Trường ĐH Luật TP.HCM trên đường Nguyễn Tất Thành đang được xây dựng hàng chục tỉ đồng nhưng không lấy ý kiến của cán bộ giảng viên, cũng không đưa ra đảng ủy bàn bạc - Ảnh: Như Hùng |
Liên tục xảy ra sai phạm
Tháng 8-2000, cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện ba thí sinh móc nối với giáo viên chấm thi đánh dấu bài thi để được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp ĐH Luật TP.HCM hệ chính qui. Nhà trường đã ra quyết định hủy kết quả thi hai môn công pháp và tư pháp quốc tế, xóa tên công nhận tốt nghiệp, thu hồi bằng tốt nghiệp đã cấp cho ba sinh viên.
Đồng thời, kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Ngọc Lâm, lúc đó là phó khoa luật quốc tế và kiểm điểm rút kinh nghiệm hai giáo viên chấm thi khác có liên quan.
Năm 2001, bốn giáo viên Nguyễn Thanh Bình, Lê Duy Ninh, Nguyễn Thanh Lê và Phạm Thị Ngọc Thủy không hiểu “ưu ái” thế nào lại tự chấm nâng điểm cho SV thi hết học phần các môn luật tài chính - ngân hàng, chủ nghĩa xã hội khoa học và luật kinh tế. Kết quả là cả bốn thầy cô đều bị kỷ luật cảnh cáo.
Gần đây nhất, tháng 8-2005, ông Nguyễn Văn Luyện - hiệu trưởng trường, đã vô cớ ký quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đối với bà Nguyễn Băng Tú (giảng viên khoa luật dân sự) trong khi bà Tú đang phải nuôi con nhỏ 10 tháng tuổi. Sau khi bị khiếu nại và có kết luận của thanh tra lao động thì ông hiệu trưởng mới thừa nhận sai và hứa thu hồi quyết định, đồng thời giải quyết các chế độ, quyền lợi cho bà Tú...
Nghiêm trọng hơn, vào tháng 5-2002, hai cán bộ của phòng công tác chính trị sinh viên là Lê Nhất Trí và Hoàng Đức Tâm đã bị phát hiện biển thủ tiền học phí hơn 431 triệu đồng. Cả hai sau đó bị tòa án tuyên phạt mỗi người tám năm tù giam về hành vi tham ô tài sản. Điều đáng nói là việc thu học phí không thuộc trách nhiệm của Phòng công tác chính trị SV, nhưng lại được hiệu trưởng Nguyễn Văn Luyện ký quyết định cho phép thực hiện nhiệm vụ này. Từ đó dẫn đến việc Trí và Tâm đã lạm dụng nhiệm vụ được giao để biển thủ tiền học phí của SV.
Không xử lý hành chính
Thường trực Thành ủy TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Ủy ban kiểm tra Thành ủy phối hợp với Ban tổ chức Thành ủy, Đảng ủy khối ĐH - CĐ - THCN khẩn trương kiểm tra làm rõ nội dung các đơn thư khiếu tố, đề xuất hướng xử lý các cá nhân có sai phạm để củng cố và ổn định tình hình nội bộ tại Trường ĐH Luật TP. Tháng 3-1991, khi đang giữ chức vụ phó hiệu trưởng Trường ĐH Pháp lý Hà Nội, phân hiệu trưởng Phân hiệu ĐH Pháp lý tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Luyện đã từng bị bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định kỷ luật cảnh cáo. Lý do: mua ôtô nhập lậu qua biên giới VN - Campuchia cho phân hiệu ĐH Pháp lý tại TP.HCM, yêu cầu bên bán làm giấy biếu xe để trốn thuế nhà nước. |
Tuy nhiên, cơ quan điều tra thấy chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự nên yêu cầu xử lý về hành chính. Nhưng ngay cả kiến nghị xử lý hành chính, theo chúng tôi nắm được thì nhà trường cũng đã... phớt lờ! Điều đó cũng thật dễ hiểu khi một số vụ việc vi phạm khác từng xảy ra trước đây đều không được ban lãnh đạo trường ĐH Luật xử lý trách nhiệm đến nơi đến chốn, thậm chí... không xử lý!
Cụ thể, tháng 2-2001, ông Lê Đức Thọ - trưởng phòng quản trị thiết bị - đã thuê người đi thi hộ cho Lê Văn Quế (cháu ruột của ông) các môn văn, sử, địa trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH Luật hệ chính qui. Vụ việc bị phát hiện, nhà trường ra quyết định hủy bỏ kết quả thi, xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển đối với thí sinh Lê Văn Quế. Còn bản thân người móc nối “chạy” thi hộ là ông Lê Đức Thọ thì vẫn “yên vị” cho đến nay.
Tháng 2-2003, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Thủy móc nối với ông Đào Duy Thanh (trưởng bộ môn khoa học cơ bản) đánh dấu bài thi để được chấm nâng điểm trong kỳ thi tuyển sinh ĐH Luật hệ vừa học vừa làm năm 2003-2004. Cơ quan chức năng xác minh việc đánh dấu bài thi hai môn văn và sử của Thanh Thủy là có thật và đề nghị nhà trường cho tổ chức phúc tra kết quả chấm thi để “có cơ sở xem xét trách nhiệm của những người liên quan”. Ban giám hiệu Trường ĐH Luật xử lý hủy kết quả thi của thí sinh Nguyễn Thị Thanh Thủy, còn việc phúc tra thì lại... quên!
Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh việc nâng sửa điểm thi cho một số trường hợp “người nhà” của cán bộ trong trường tại kỳ thi tuyển sinh tiến sĩ tháng 6-2005. Cùng lúc đó, cơ quan chức năng cũng tiến hành xác minh một phó trưởng phòng sau ĐH được “gửi gắm” để nâng điểm cho các học viên lớp cao học luật khóa 1 và việc một phó bộ môn khoa học cơ bản có hành vi tiêu cực trong việc nâng điểm cho nhiều học viên các lớp tại chức (C1, C2, C3, C4, C5 của TP.HCM và các tỉnh).
Xuyên suốt trong hàng chục vụ việc sai phạm có hệ thống mà chúng tôi vừa phản ánh đều có “bóng dáng” của cấp lãnh đạo cao nhất trường, đó là hiệu trưởng Nguyễn Văn Luyện và bí thư Đảng ủy Nguyễn Thái Phúc. Nhưng trách nhiệm của họ dường như đã không được đề cập khi đưa ra xử lý kỷ luật các vụ việc nêu trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận