03/08/2016 11:49 GMT+7

Những nhà “bào chế” gian xảo

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC

TTO - Nhà bào chế là danh hiệu dành cho người hành nghề dược, chế tạo thuốc để chữa và phòng bệnh cho người. Nhưng khi dùng từ “bào chế” (trong ngoặc kép) lại có chữ gian xảo, tôi muốn nói đến người làm ra thực phẩm “bẩn” mà hậu quả không lường hết được.

Mặc dù được cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu người tiêu dùng ăn phải thịt heo tồn dư thuốc an thần, tuy nhiên trên thực tế vì lợi nhuận, nhiều thương lái vẫn tiêm loại thuốc này vào heo trước khi giết mổ... - Ảnh: HOÀNG LỘC
Mặc dù được cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu người tiêu dùng ăn phải thịt heo tồn dư thuốc an thần, tuy nhiên trên thực tế vì lợi nhuận, nhiều thương lái vẫn tiêm loại thuốc này vào heo trước khi giết mổ... - Ảnh: HOÀNG LỘC

Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng lo lắng trước việc những nhà “bào chế” gian xảo biến thuốc salbutamol, clenbuterol, ractopamin thành chất gọi là “tạo nạc” trong chăn nuôi nhằm thúc con vật nuôi tăng trọng, có nhiều thịt gọi là “siêu nạc” nhưng rất có hại cho sức khỏe của người.

Riêng salbutamol là thuốc trị hen suyễn và COPD cho người nhờ tác dụng giãn phế quản, nếu trộn vào thức ăn chăn nuôi bừa bãi chẳng khác nào đầu độc, không hơn không kém.

Rồi đến vụ việc những nhà “bào chế” gian xảo tiêm thuốc an thần cho heo trước khi vận chuyển đến nơi giết mổ, hoặc trước khi giết mổ đã được phát hiện ở TP.HCM. Loại thuốc an thần được tiêm cho heo trước khi giết mổ là thuốc an thần Prozil, tên biệt dược của acepromazine.

Vào những năm 1950, acepromazine được dùng làm thuốc chống loạn thần trị bệnh tâm thần phân liệt (tức bệnh loạn trí), nhưng nay chỉ là thuốc thú y được bán tràn lan không ai kiểm soát.

Những nhà “bào chế” gian xảo dùng acepromazine an thần cho heo trước khi giết mổ nhằm làm heo không bị kích động, giãy giụa la hét trong quá trình vận chuyển đến lò mổ gây sụt cân làm giảm giá bán heo.

Hơn nữa, thuốc này lại có tác dụng phụ là làm thịt heo hồng tươi và dẻo dai. Acepromazine được dùng an thần cho heo trước khi giết mổ chắc chắn tồn đọng lại trong thịt và người dùng thịt nhiễm thuốc sẽ bị nhiễm độc.

Điều đáng lo ngại hơn là liều lượng acepromazine như thế nào không thể kiểm soát được, dễ đưa đến mối nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Gần đây, chương trình Nói không với thực phẩm bẩn phát sóng trên nhiều kênh truyền hình vào những ngày giữa tháng 7-2016 phản ánh thực trạng những nhà “bào chế” gian xảo sử dụng các “tạp chất” như agar-agar, gelatin hay CMC bơm vào tôm, để tăng trọng lượng, kích cỡ.

Agar-agar chính là rau câu, hòa với nước tạo thành chất gọi là thạch, đây là sản phẩm lấy từ rong biển. Gelatin là hỗn hợp chất đạm và là sản phẩm được chế tạo từ da, xương heo, bò.

Còn CMC là viết tắt của carboxymethyl cellulose, một sản phẩm của cellulose. Các thứ vừa kể khi hòa tan trong nước tạo thành dung dịch nhầy đặc trong suốt, thế là những nhà “bào chế” gian xảo tiêm hoặc ép vào thân con tôm làm nó phồng lên.

Trong ba thứ thì CMC rẻ tiền hơn nên người ta chế tạo hẳn thiết bị bơm thứ này vào tôm gọi là “công nghệ bơm CMC vào tôm, đặc biệt là tôm sú”.

Những nhà “bào chế” gian xảo dùng CMC với mục đích tạo kích cỡ, tăng trọng cho tôm và đương nhiên sẽ dùng loại CMC không tinh khiết nhằm rẻ tiền (CMC dùng làm tá dược phải đạt tiêu chuẩn khắt khe thường khá đắt).

Như vậy, những nhà “bào chế” gian xảo dùng CMC bơm vào tôm là dùng “tạp chất” theo đúng nghĩa, trong đó có cả tạp chất là độc chất thật sự như chì, thủy ngân…

Rồi đây những nhà “bào chế” gian xảo còn gây ra những “quái chiêu” độc hại nào nữa? Thiết nghĩ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần được xem trọng và toàn diện hơn lúc nào hết, bởi thực phẩm “bẩn” hoàn toàn có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mong sao các cơ quan quản lý chức năng thực hiện tích cực và đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của mình để thức ăn không còn mang theo mầm độc.

Từ lâu lắm, người ta báo động khẩn thiết về việc những nhà “bào chế” gian xảo trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm thuốc là kháng sinh cho heo và các thú vật nuôi khác, hoàn toàn không vì mục đích trị bệnh mà chỉ vì muốn thúc cho mau lớn, tăng trọng.

“Đề kháng kháng sinh” (tức là kháng sinh dùng bừa bãi gây hiện tượng kháng sinh mất tác dụng diệt vi khuẩn), một vấn nạn của toàn thế giới hiện nay, xuất phát phần lớn từ việc sử dụng bừa bãi kháng sinh trong chăn nuôi.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên