Tất nhiên, việc ngủ không đủ giấc là nguyên nhân cơ bản nhưng nó không phải là thứ duy nhất “ngốn” đi nguồn năng lượng dồi dào của bạn. Chính những điều tưởng chừng rất nhỏ bé, những thói quen tưởng chừng vô hại lại âm thầm tiêu tốn đi của bạn rất nhiều năng lượng.
Những phân tích dưới đây sẽ giúp bạn thấy rõ những lý do khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và giúp bạn tự điều chỉnh để có một cơ thể khỏe mạnh và một tinh thần tươi mới.
Bỏ qua tập thể dục khi đang mệt mỏi
Khi đang mệt mỏi, bạn sẽ có nhiều lý do để “lờ đi” việc tập thể dục với lý do cần nghỉ ngơi để cơ thể được hồi phục. Mọi việc nghe chừng “thật có sức thuyết phục” bởi đang mệt tập thể dục sẽ khiến bạn mệt hơn.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu của Đại học Georgia (Hoa Kỳ) cho thấy, một người nếu duy trì luyện tập thể dục đều đặn ít nhất 3 lần 1 tuần (mỗi lần ít nhất là 20 phút) thì sẽ luôn cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực hơn so với những người không duy trì được việc luyện tập thể dục đều đặn. Chính những bài tập thường xuyên không chỉ giúp tăng sức mạnh, độ dẻo dai, giúp cho hệ thống tim mạch của bạn “chạy” hiệu quả hơn mà còn giúp cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng đến các mô của bạn.
Vì vậy, lần sau nếu bị “cám dỗ” nằm ườn trên giường khi mệt mỏi, hãy cố gắng ra khỏi giường, đi dạo một vòng nhẹ nhàng - chắc chắc bạn sẽ không phải hối tiếc.
Không uống đủ nước
Nước là nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể, bởi vậy việc uống không đủ nước sẽ gây ra tình trạng thiếu nước cho cơ thể. Thiếu nước sẽ làm cho các enzyme hoạt động chậm lại, khiến cơ thể mệt mỏi và uể oải.
Không những thế, khi cơ thể thiếu nước, máu sẽ trở nên đặc hơn khiến việc tuần hoàn máu khó khăn hơn, dẫn đến nguy cơ bị tăng huyết áp.
Cơ thể thường xuyên thiếu nước, da và các cơ quan sẽ bị lão hóa sớm. Khi cơ thể cảm thấy khát, nghĩa là cơ thể bạn đã thực sự thiếu nước. Uống nước có thể giúp tăng tốc quá trình trao đổi chất và năng lượng.
Cơ thể hấp thụ không đủ chất sắt
Thiếu sắt có thể khiến bạn cảm thấy chậm chạp, dễ bị kích thích, yếu mỏi và không tập trung. Thiếu sắt làm cho bạn mệt mỏi vì ít ô-xy đi đến các cơ bắp và các tế bào. Bởi vậy để có một cơ thể luôn khỏe mạnh, không hay bị mệt mỏi, bạn cần thường xuyên bổ sung và tăng hàm lượng sắt trong cơ thể giúp làm giảm nguy cơ thiếu máu.
Hãy sử dụng những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, đậu đỏ, đậu phụ, trứng (bao gồm cả lòng đỏ), các loại rau lá xanh đậm, các loại hạt, bơ, lạc… cùng với việc sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin C sẽ giúp cải thiện sự hấp thụ sắt khi ăn cùng nhau.
Thiếu sắt có thể do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, vì vậy nếu bạn đang gặp phải những triệu chứng của thiếu sắt, bạn nên ghé thăm bác sĩ của mình.
Bạn là một người “cầu toàn”
Để có một vị trí xứng đáng, chắc chắn bạn sẽ phải không ngừng phấn đấu, đôi khi làm việc gấp nhiều lần người khác. Tuy nhiên, mặt trái của việc “tận lực” với công việc chính là lúc nào bạn cũng cảm thấy áp lực và cơ thể luôn trong trạng thái mỏi mệt.
Hãy đặt ra cho mình những mục tiêu nhưng đồng thời cũng nên vạch ra những khó khăn, những giới hạn và điểm dừng của khối lượng công việc mà bạn đang làm. Thực tế rất khó chấp nhận hay bằng lòng với những công việc bạn đã trải qua nếu bạn là mẫu người “cầu toàn”. Tuy nhiên, hãy biết điểm giới hạn công việc của mình và để cho cơ thể của bạn có thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục sau những giờ làm việc căng thẳng.
Bỏ bữa ăn sáng
Các thực phẩm bạn ăn giúp bạn tăng thêm nhiên liệu cho cơ thể, và khi bạn ngủ, cơ thể bạn tiếp tục sử dụng những gì bạn đã dùng trong bữa ăn tối hôm trước để giúp bơm máu và thúc đẩy ô-xy.
Vì vậy, khi bạn thức dậy vào buổi sáng, bạn cần phải tiếp nhiên liệu với bữa ăn sáng. Nếu bỏ qua bữa sáng, bạn sẽ cảm thấy sự chậm chạp của cơ thể. Hãy cố gắng có được một bữa sáng đủ chất bao gồm ngũ cốc, protein nạc và chất béo lành mạnh.
Bạn có một “văn phòng lộn xộn”
Một chiếc bàn làm việc lộn xộn sẽ làm cạn hết tinh thần làm việc của bạn bằng cách hạn chế khả năng tập trung và hạn chế khả năng của não bộ trong việc xử lý thông tin.
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Princeton (Hoa Kỳ), vào cuối mỗi ngày, hãy đảm bảo tài liệu và các vật dụng cá nhân của bạn đã được sắp xếp gọn gàng trên bàn làm việc, bởi nó sẽ giúp cho bạn có được sự khởi đầu tích cực vào sáng hôm sau. Nếu văn phòng của bạn đã trở nên “thật sự bừa bộn” hãy bắt tay vào dọn dẹp, sắp xếp lại.
Làm việc trong các kỳ nghỉ
Các chuyên gia cho rằng, việc kiểm tra email khi bạn đang cần được thư giãn đã vô tình đặt bạn vào một nguy cơ của “sự kiệt sức”. Hãy cho phép cơ thể của mình thật sự được nghỉ ngơi bằng cách “lánh xa” công việc, cho phép tâm trí và cơ thể của bạn được “trẻ hóa” và trở về văn phòng với những nguồn năng lượng dồi dào hơn.
Khi bạn thật sự nghỉ ngơi, bạn sẽ có nhiều sáng tạo, có năng suất và hiệu quả khi bạn quay trở lại với công việc.
Uống đồ uống chứa cồn trước khi đi ngủ
Một ly rượu nghe giống như một giai điệu nhẹ nhàng trước khi đi ngủ, tuy nhiên nó có thể dễ dàng gây phản tác dụng. Ban đầu, rượu làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, tạo ra một tác dụng an thần. Nhưng sau đó, rượu tạo ra một “hiệu ứng hồi phục” khi nó chuyển hóa, tạo ra một sự đột biến bất ngờ trong hệ thống adrenaline. Đây chính là lý do tại sao có nhiều khả năng bạn thường bị “đánh thức” dậy giữa đêm sau khi bạn đã uống rượu trước khi đi ngủ. Hãy “chối từ” tất cả các loại rượu từ 3 đến 4 giờ trước khi đi ngủ.
Dùng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ
Ánh sáng chói của một máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc ánh sáng màn hình của máy tính có thể làm ảnh hưởng nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể do ức chế melatonin, một hormone giúp điều hòa giấc ngủ.
Việc nhạy cảm với ánh sáng kỹ thuật số của mỗi người là khác nhau, nhưng nói chung nên tránh tất cả các thiết bị công nghệ từ 1 đến 2 giờ trước khi đi ngủ. Hãy để tất cả các thiết bị điện tử ra khỏi tầm mắt hoặc giữ cho nó cách khuôn mặt của bạn ít nhất 30cm để giảm nguy cơ “nhiễu giấc ngủ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận