05/04/2016 11:00 GMT+7

Những người chinh phục vách đá

HUY ĐĂNG, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
HUY ĐĂNG, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN

TT - Chênh vênh, lơ lửng trên những vách đá ở độ cao cả chục mét, khung cảnh đầy mạo hiểm đó là niềm đam mê của những người chơi leo núi - môn thể thao đã bắt đầu du nhập vào VN.

Joshua (đang leo) gặp khó với mỏm đá có độ nghiêng quá lớn - Ảnh: H.Đ.
Joshua (đang leo) gặp khó với mỏm đá có độ nghiêng quá lớn - Ảnh: H.Đ.

“Tôi leo núi sáu năm rồi nhưng cũng không có nhiều dịp đi leo trên đá thật thế này. Trước khi sang VN, tôi từng đến Malaysia và Hong Kong. Nơi này thật sự là một thử thách rất tuyệt vời, tôi mong muốn được trở lại vào những lần sau

Gavin Yong

Tuy nhiên ở VN, đặc biệt khu vực miền Nam, không dễ gì tìm ra những địa điểm leo núi lý tưởng. Rất nhiều người đã ngược xuôi khắp VN khám phá những địa điểm thích hợp cho niềm đam mê leo trèo của mình. Và hôm 27-3, người viết đã tham gia một chuyến đi khám phá nói trên.

Leo lên và... rớt xuống

Người tổ chức chuyến đi là Cedric Deguilhem, ông chủ người Pháp của phòng tập leo núi Vertical Academy (quận 2, TP.HCM). Nhiều năm sinh sống ở VN, ông Cedric thường cùng một số bạn bè đi khám phá những địa điểm có thể tổ chức chơi leo núi. Và gần đây ông tìm ra một địa điểm mới: khu vực chân dãy núi Minh Đạm, Long Hải.

Gọi là chân núi vì nhóm không hề leo lên đỉnh ngọn núi như nhiều người thường mường tượng về môn leo núi. Leo núi, hay nói chung là leo trèo, chia làm hai loại: climbing (sử dụng dây, thiết bị) và bouldering (leo trên những tảng đá). So với climbing thường có độ cao đến vài chục mét, bouldering chỉ leo trên những vách đá, tảng đá có độ cao 10m đổ lại nhưng lại không sử dụng thiết bị và hoàn toàn chỉ trông vào đôi bàn tay. Chính vì vậy, việc nghiên cứu địa điểm rất quan trọng trước khi tổ chức một chuyến đi leo bouldering bởi chẳng phải vách đá nào cũng khả dĩ với sức của con người.

Sáng sớm 27-3, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình từ TP.HCM với đội ngũ gồm 12 người: 5 người Singapore, 2 Việt, 2 Pháp, 1 Anh, 1 Bỉ và 1 Philippines. Trừ Ngô Hiền Thục, HLV của Vertical Academy, những người còn lại đều không sinh sống ở TP.HCM nhưng vẫn lặn lội tham gia chuyến đi vì niềm đam mê của mình.

Khi chúng tôi đến được chân núi đã là giữa trưa, trời nắng rất gắt nhưng không ai e ngại gì. Các thành viên bắt đầu soạn “đồ nghề” ra. Thật ra đồ nghề đơn giản chỉ là ba tấm đệm dày (phòng khi té xuống) và vài túi bột phấn để bôi lên tay (khử mồ hôi). Leo lên chân núi ở độ cao chừng 20m, nhóm bắt gặp khu vực vách đá, có nhiều đá tảng granite. Trong mắt tôi, nơi này chẳng có vẻ gì là có thể leo trèo bằng tay không. Nhưng các thành viên trong nhóm mừng như “bắt được vàng” và quyết định hạ trại.

Địa điểm họ chọn lựa đầu tiên là một vách đá thẳng đứng có chiều cao khoảng 9m. Không chỉ vậy, trên vách hầu như chẳng có một chỗ lõm nào để có thể đặt tay. Tất cả những gì có thể bấu víu vào được chỉ là những lớp sần sùi của sườn đá. Gavin Yong (Singapore) - thành viên trong Hiệp hội Leo núi Singapore - là người đi tiên phong. Yong bám hai tay vào sườn vách và bắt đầu len người lên cao. Đến tầm khoảng 2m, Yong trượt tay và rớt xuống.

Đó là lý do cần đem theo những tấm đệm dày hơn 1 tấc. Yong đứng dậy, tỏ vẻ không sao và leo tiếp. Lần này anh xuất sắc hơn, rướn người lên được độ cao tầm 4m và... rớt tiếp.

Thách thức từ những mỏm đá

Dù biết rằng có đệm, nhưng rơi từ độ cao này quả thật đáng sợ trong mắt người xem như tôi. Rich Fergus (người Anh) cười nói: “Chừng này chưa sao đâu, chúng tôi đều quen với việc té ngã và biết cách hạn chế chấn thương. Bản thân tôi từng ngã từ độ cao 11m xuống, lần đó chấn thương ba tháng”. Đúng như Fergus nói, Yong sau khi buông tay đã đạp chân trượt trên vách xuống và giảm bớt được lực rơi. Chưa kể mỗi khi có người leo, những người còn lại đều vây quanh ở dưới để sẵn sàng đỡ đồng đội.

Và rồi ở lần cố gắng thứ ba, Yong cũng thành công. Khoảnh khắc Yong nhoài người bám được hai tay vào tảng đá trên đỉnh, tiếng hô đồng thanh “thành công rồi” vang dội vùng núi đá. Đứng trên đỉnh, Yong cười sung sướng đắc thắng, thành quả xứng đáng với những nỗ lực của anh. Tiếp theo Yong là Felecia Lim, cũng là thành viên Hiệp hội Leo núi Singapore. Chuyến tiên phong của đồng đội là một món quà dành cho Lim, khi giờ đây cô chỉ việc len theo đường leo mà Yong vạch ra.

Sau đó lần lượt các thành viên thử sức, có người thành công, có người thất bại và mọi người sau đó tản ra đi tìm những điểm leo khác. Không có nơi nào khó bằng vách đá ban đầu và mọi người đều dễ dàng chinh phục đến khi Yong phát hiện một tảng đá lớn, hình dạng giống như một mỏm đá. Chỉ cao khoảng 3m nhưng mỏm đá này có độ nghiêng khoảng 45 độ và đây chính là thử thách khó nhất cho những ai từng chơi bouldering.

Như mọi khi, Yong là người đi tiên phong, những người tiếp theo lần lượt thử sức và tất cả đều thất bại với mỗi người 3-4 lượt leo thử. Nếu trên vách đá thẳng đứng, chân vẫn có điểm tựa thì với mỏm đá này, họ phải hoàn toàn trông vào sức lực của đôi cánh tay. Đã vậy, tảng đá này lại trơn hơn, quá khó để bám. Nhưng dù sao mỏm đá này thấp hơn nên việc té ngã cũng... đỡ đau hơn.

Cuối cùng, Yong vẫn là người chiến thắng so với các đồng đội. VĐV người Singapore có một sức rướn mãnh liệt và là người duy nhất trong nhóm chinh phục được mỏm đá khó chịu này. Nhìn hình ảnh Yong tay bấu chặt vào mép mỏm đá, chân lơ lửng trên không, tôi liên tưởng đến các người hùng trong những phim hành động.

Sau Yong, Joshua Suson - anh bạn người Philippines hiện đang làm việc cho một công ty du lịch ở Cát Bà (Hải Phòng) - là người tiến gần nhất đến mục tiêu. Joshua không khéo bằng Yong nhưng không biết nản. Anh là người nỗ lực nhiều nhất, leo đi leo lại không biết mệt và chỉ khi mọi người khuyên dừng tay, Joshua mới chịu bỏ cuộc. Trừ mỏm đá này, Joshua chinh phục mọi mục tiêu còn lại trong chuyến đi.

Đến khoảng giữa trưa, sau gần ba giờ leo và leo, các thành viên trong nhóm dần mỏi mệt. Thời điểm dừng chân đã đến và mọi người đều thỏa mãn với việc khám phá được 6-7 khu vực leo tại nơi đây. Chuyến đi như vậy là kết thúc.

Jean Verly, ông chủ người Pháp của một công ty tổ chức leo núi ở Hà Nội, nhận xét: “Tôi từng đi qua nhiều nơi ở VN, tìm kiếm những địa điểm có thể tổ chức leo núi dã ngoại. Đây thật sự là một địa điểm hiếm hoi ở miền Nam đáp ứng được. Các tảng đá ở đây rất đa dạng, tạo thành nhiều thử thách khác nhau. Long Hải cách TP.HCM không quá xa nên cũng thuận lợi cho khách nước ngoài”. Trước đây, công ty của ông Verly đã tìm ra một số địa điểm tổ chức leo núi như Hữu Lũng, Quốc Oai (cùng ở Hà Nội), Cát Bà (Hải Phòng)...

“Bouldering không phải để kinh doanh”

Dù hay tổ chức những chuyến đi khám phá các địa điểm leo núi nhưng ông Cedric cho biết không hề có ý định khai thác kinh doanh những khu vực này: “Bouldering hoàn toàn là một trò chơi tự phát. Ở châu Âu, chỉ cần nơi nào có đá tảng là có bouldering, mà điều này thì có ở mọi nơi, vùng ngoại ô, công viên hay cả trường học. Chúng tôi đi tìm những nơi này chỉ với mục đích đơn thuần là khám phá thêm những địa điểm giải trí cho người mê leo núi”.

HUY ĐĂNG, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên