Ông Nguyễn Thận cùng luật sư Trần Vũ Hải (thứ hai từ trái qua) gặp những người liên quan để bàn hướng kêu oan cho Huỳnh Văn Nén - Ảnh tư liệu |
Nhưng ông Nguyễn Thận cũng nói rõ: “Tôi có rất nhiều người bên cạnh đã hỗ trợ không mệt mỏi, tất cả đều làm miễn phí, chỉ đơn giản là để bảo vệ sự thật!”.
“Họ chưa bao giờ bỏ Nguyễn Thận một mình!”
Ông Thận nói rằng để đi đến ngày các cơ quan tố tụng xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén là sự theo đuổi miệt mài của nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí, trong đó có những người mà ông Thận nói rằng: “Họ chưa bao giờ bỏ Nguyễn Thận một mình. Có kết quả này là có sự góp sức của hàng chục nhà báo, với hàng ngàn bài báo được xuất bản”.
Nhưng có hai người mà ông Thận nói rằng họ đã sát cánh cùng ông từ những ngày đầu là nhà báo Trần Mỹ và nhà báo - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Anh Sao Biển là người cung cấp bản án và các tài liệu ban đầu cho tôi, và đó là một nhà báo đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong hành trình giải oan cả hai vụ án” - ông Thận nói.
Sau 11 năm, trải qua hai cơn tai biến, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vẫn nhớ cái ngày ông Thận tìm tới, khi đó ông làm ở báo Pháp Luật TP.HCM. Dáng người gầy gò, không rụt rè nhưng có phần dè chừng, ông Thận dò ý kỹ càng trước khi đưa ra hồ sơ.
Nhạc sĩ Sao Biển hiểu được tâm lý của một người đi kêu oan trong một vụ việc xảy ra trên địa bàn mình khi đang là chủ tịch xã. Khi đủ độ tin cậy, ông Thận mới đưa hồ sơ, không có lời nhờ cậy, chỉ nói đơn giản nhưng đầy niềm tin: “Anh quan tâm giúp, chắc chắn Nén oan”.
Đọc lướt qua hai hồ sơ vụ án vườn điều (1993) và bà Lê Thị Bông (1998), nhà báo Vũ Đức Sao Biển cảm thấy ông Thận nói đúng. Ông nhận lời tìm hiểu và đưa vụ án lên mặt báo nhưng về mặt pháp lý, ông Thận cần luật sư giúp đỡ. Và ông giới thiệu ông Thận đến gặp luật sư Phạm Kim Anh.
Ngay ngày hôm sau, nhạc sĩ Sao Biển đã lên đường tìm hiểu vụ việc. Ông vào Trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) gặp Nguyễn Phúc Thành để xác tín về lá thư tố cáo những người bạn giang hồ của anh ta. Các cán bộ trại giam rất nhiệt tình hỗ trợ nhà báo này gặp Nguyễn Phúc Thành.
“Có cảm giác họ hiểu mức độ nghiêm trọng của một vụ án liên quan đến một dòng tộc” - ông Sao Biển kể. Nguyễn Phúc Thành không có ý nghi ngại, nhìn ông rồi bảo: “Cháu kể chú nghe chuyện cháu thấy, nó không khác gì cái đơn cháu đã viết, chú cứu giùm ông Nén. Cháu một lời vậy thôi, không đổi ý”.
Rồi trong phiên tòa phúc thẩm lần 1, ông Nén khai trước tòa rằng ngày bà Dương Thị Mỹ bị giết thì Nén làm thuê ở nhà ông Chín Chè (ở căn cứ 4, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) và ngủ lại đó.
Ông Sao Biển tức tốc đi xác minh thông tin này tại nhà ông Chín Chè. Ông Sao Biển vẫn nhớ rõ là ông Chín Chè rất đề phòng người lạ.
Tuy nhiên, khi nghe trình bày rằng muốn làm rõ vụ việc để góp phần giải oan cho ông Nén, khuôn mặt ông Chín Chè tươi hơn.
“Nó uống vài ly rượu rồi ngủ ở đây, nó nghèo kiết xác, đi bộ tới đây làm thuê chứ có phải xe máy đâu mà đi mười mấy cây số về chỗ Tân Minh giết người rồi quay lại nhà tôi ngủ” - ông kể với nhà báo Sao Biển.
Những ngày bám theo vụ án, ông Sao Biển đã vào gặp bà Nguyễn Thị Nhung (bị tình nghi chủ mưu giết bà Dương Thị Mỹ) trong Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Bà Nhung yếu ớt cầm tay ông thều thào: “Minh oan cho tôi, nhà báo. Tôi oan mà”.
Nói rồi bà đưa đôi bàn tay có những đầu ngón tay bầm giập. “Họ dùng giày giẫm lên, tôi phản cung thì kiểm sát viên bảo điều tra viên đánh” - bà Nhung khóc. Ba ngày sau ông Sao Biển hay tin bà mất.
Cũng trong những lần đi xác minh các tình tiết trong hai vụ án vườn điều và Lê Thị Bông, ông gặp chánh án Tòa án tỉnh Bình Thuận khi đó là Võ Duy Quang. Ông Quang hỏi ý nhạc sĩ Sao Biển về cả hai vụ án. Ông đáp gọn: “Với cảm nhận của một nhà báo, tôi dám nói rằng đây là án oan”.
Nhớ lại những trang hồ sơ, nhà báo Vũ Đức Sao Biển chỉ biết cười buồn: “Những trang hồ sơ vô lý và ngô nghê như vậy mà sao họ cũng dựng lên được để rồi khép tội một người không có tội”.
Luật sư: Tất cả đều miễn phí!
“Chính ông Sao Biển đã dắt tôi đến gặp luật sư Phạm Kim Anh, cô ấy là người tạo ra những bước ngoặt của vụ án vườn điều” - ông Thận nói.
Theo lời ông Thận, khi ông đến gặp luật sư Phạm Kim Anh thì mẹ cô đang bị bệnh rất nặng, nhưng có lẽ cảm động trước việc một chủ tịch xã đi kêu oan cho người dân tại xã nên sau khi nghe trình bày đầy đủ hai vụ án cô đã nhận lời bào chữa miễn phí cho các bị cáo vụ án vườn điều.
Khi đó, luật sư Kim Anh nói với ông Thận rằng phải giải quyết xong vụ vườn điều thì mới làm được vụ giết bà Lê Thị Bông.
Và bằng những lập luận của mình, tại phiên tòa phúc thẩm lần 1, Huỳnh Văn Nén đã khai ra thời điểm xảy ra vụ giết bà Dương Thị Mỹ (vườn điều) thì Nén đang có mặt ở nhà ông Chín Chè để làm thuê. Phiên tòa phải tạm hoãn để xác minh lời khai của Huỳnh Văn Nén.
Đến phiên phúc thẩm mở lại (5-4-2002) vụ vườn điều, bằng những lập luận của luật sư tại phiên tòa, HĐXX đã buộc phải tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ lại cho Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra lại.
“Đây là thắng lợi mang tính quyết định, là bước ngoặt cho vụ án vườn điều, nhưng sau đó luật sư Kim Anh có việc riêng nên không tham gia phiên xử tiếp được nữa. Tôi phải đi tìm các luật sư khác”.
Khi ấy, ông Thận lên mạng tìm kiếm thông tin và biết được địa chỉ của luật sư Trần Vũ Hải và luật sư Phạm Hồng Hải, luật sư Bùi Đức Trường. Ông Thận đề nghị các luật sư này tham gia vụ án và nhận được sự đồng ý.
Và bằng sự góp sức tích cực của các luật sư trong các phiên tòa, vụ án được đình chỉ bằng quyết định của Cơ quan điều tra Bộ Công an vào ngày 26-12-2005. Sau đó tám người trong gia đình vợ Huỳnh Văn Nén được xác định là oan sai.
Nói về việc “gặp” ông Nguyễn Thận để tham gia cả hai vụ án, luật sư Trần Vũ Hải kể rằng: “Khi đó ông Thận trình bày về hai vụ án và khẳng định Nén oan trong vụ giết bà Bông.
Tuy nhiên, bản án của Nén lại là bản án chung thẩm, có hiệu lực pháp luật nên chúng tôi tập trung gỡ vụ án vườn điều. Có hàng loạt điểm mâu thuẫn về vụ án được các luật sư chỉ ra.
Rồi vụ án vườn điều được đình chỉ, tôi vẫn giữ lời hứa với ông Thận là sẽ trợ giúp pháp lý miễn phí cho Nén, nhằm kiến nghị với cơ quan điều tra, viện kiểm sát về việc Nén bị oan và xem xét khởi tố nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng tội bức cung, dùng nhục hình”.
Và sau năm 2013, ngoài luật sư Trần Vũ Hải còn có nhiều luật sư khác tham gia trợ giúp miễn phí cho Huỳnh Văn Nén như: Bùi Quang Nghiêm, Phạm Hồng Hải, Phạm Công Út, Lê Minh Nhân, Nguyễn Quynh... Họ cùng làm kiến nghị, phân tích pháp lý để yêu cầu trả tự do cho Huỳnh Văn Nén.
Tất cả họ đều làm miễn phí!
Ngoài nhà báo Vũ Đức Sao Biển, Trần Mỹ thì còn hàng chục nhà báo khác đã kiên trì theo đuổi vụ việc với hàng trăm tin bài được đăng trên các báo: nhà báo Đình Quân, Trung Phương, Cao Thuyên, Lê Hiền, Lương Duy Cường, Lê Bá Lư, Hồ Việt Khuê, cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa, Mạc Hồng Kỳ, Nguyễn Phương Nam, Nguyễn Chính... Trong đó, vào thời điểm năm 2013, khi ông Nguyễn Thận ra Hà Nội nộp đơn kêu oan cho Huỳnh Văn Nén, nhà báo Lương Duy Cường (báo Người Lao Động) đã viết sáu bài liên tiếp về vụ Huỳnh Văn Nén. Khi đó Quốc hội đang họp và các bài báo này đã được gửi đến các đại biểu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận