28/04/2013 08:33 GMT+7

Những người cứu V-League

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Đó chính là những thành viên của hội cổ động viên (CĐV) Sông Lam Nghệ An.

TT - Đó chính là những thành viên của hội cổ động viên (CĐV) Sông Lam Nghệ An.

Dù 17g các trận đấu ở sân Vinh mới bắt đầu, nhưng 14g sắc áo vàng của CĐV Sông Lam đã bắt đầu nhuộm vàng xung quanh sân Vinh.

Những người tiếp lửa sân Vinh

Ở trận SLNA - XMXT Sài Gòn trên sân Vinh ngày 14-4, Nguyễn Thành Chương (28 tuổi, ủy viên ban chấp hành hội CĐV Sông Lam) cho biết: “Phải ra sân sớm để tạo dựng được không khí cổ động cho trận đấu”. Chỉ tay vào khoảng 200 CĐV bên ngoài sân, Chương giới thiệu: “Những CĐV đi xe máy là cán bộ, viên chức; đi xe đạp là sinh viên”.

Nói xong, Chương đưa hai tay lên cao vỗ và cất lên ba tiếng hô to: “Anh em ơi...”. Tiếp sau một điệu nhạc bóng đá “hò lê, hò lê...” từ Chương, tất cả CĐV dựng xe và bắt tay vào việc treo, dựng băngrôn, khẩu hiệu, cờ quanh sân. Lúc này, CĐV nữ (phần lớn là sinh viên) cắt chữ dán băngrôn. Các CĐV nam treo cờ, khẩu hiệu. Khoảng 16g, những chiếc xe đò từ các huyện chở khán giả đổ xuống sân. Lúc này, một số CĐV nam kết hợp với lực lượng bảo vệ sân hướng dẫn khán giả vào sân.

Theo chân CĐV nữ Quỳnh Hương (sinh viên Cao đẳng Kinh tế Nghệ An) bê một chồng áo CĐV đi về phía khán giả vừa rời xe đò, Hương cho biết: “Áo này do hội bỏ tiền ra mua và bán không lấy lời cho khán giả”. Vừa trao áo cho CĐV, Hương hào hứng nói: “Dịch vụ này nhằm phủ vàng sân Vinh và sắp tới sẽ phủ vàng cả sân khách”.

Khi các cầu thủ chuẩn bị ra sân, sân Vinh đã phủ kín khán giả. Riêng trung tâm khán đài B nhuộm vàng bởi 200 người của hội CĐV Sông Lam. Khi hoạt náo viên của hội bắt đầu vào cuộc, khán đài âm vang tiếng trống cùng tiếng kèn đệm nhạc cho những bài hát về xứ Nghệ. Một CĐV giương thẳng cán cờ chạy dọc chân khán đài B tạo những làn sóng người nối tiếp nhau đứng dậy quanh sân. Tất cả điều này tạo nên một cảm giác thật đặc biệt.

Mở hướng đi từ “hội nghị thành Vinh”

Trả lời câu hỏi: Trước đây sân Vinh thường lèo tèo khán giả và điều gì đã giúp họ đến sân đông thế này? Hồ Văn Kiên - phó chủ tịch hội CĐV - giải thích: “Dù ra đời cách đây 11 năm nhưng trước đây, do chưa có kinh nghiệm cổ động chuyên nghiệp nên ít khán giả đến sân. Đầu mùa giải này, CLB SLNA mời hội CĐV từ bốn khu vực Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Vinh về họp bàn kế hoạch “truyền lửa” cho cầu thủ SLNA trên sân nhà lẫn sân khách”.

Theo anh Kiên, để có đông khán giả đến sân, các tuyên truyền viên mà nòng cốt là sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, cán bộ, công nhân viên các khu công nghiệp phải đi dán, phát tờ rơi. CĐV tại các huyện cũng làm nhiệm vụ này không kể trời nắng hay mưa. Tại trung tâm TP Vinh, hội CĐV tìm các chủ doanh nghiệp ghiền bóng đá để mượn ôtô đi “diễu hành”. Khi SLNA thi đấu trên sân khách, cách cổ động này được hội CĐV thực hiện tại các huyện thị của địa phương để kêu gọi khán giả địa phương đi cổ vũ cho đội nhà.

Anh Kiên nói thêm: “Tại nhiều địa phương, nhiều khán giả cho biết có SLNA thi đấu, sân chúng tôi mới đông như thế này”. Không chỉ giúp sân Vinh, trong trận SLNA gặp chủ nhà Hà Nội T&T chiều 7-4, sau 20 năm khán giả mới có mặt đông nghịt trên sân Hàng Đẫy. Đó là nhờ sự có mặt của khoảng 15.000 khán giả Nghệ - Tĩnh trên sân. Mới đây, 6.000 CĐV Sông Lam cũng có mặt trên sân Long An trong trận thắng chủ nhà ĐTLA.

“Cổ động chuyên nghiệp là cổ động cho từng pha bóng hay của cả đội nhà lẫn đội khách. Từ Đà Nẵng trở ra chúng tôi không bỏ sót sân nào và CLB cho hội CĐV mượn xe của đội trẻ để đi cổ vũ đội nhà cũng như tiếp thị cho trận đấu. Với các sân ở xa, các CĐV chọn quán cà phê ở Vinh làm nơi hội tụ để cổ vũ cho đội nhà qua tivi” - anh Kiên nói.

VŨ TOÀN

Trân trọng với tâm huyết của các cổ động viên

14g ngày 27-4, hàng ngàn khán giả đã kéo về sân Vinh có sức chứa hơn 22.000 chỗ ngồi mua vé xem trận SLNA - V.Ninh Bình diễn ra chiều 28-4.

Quầy bán vé trước cửa hai khán đài A và B đều đông nghịt. Chỉ khác, quầy bán vé khán đài A chỉ mở trong 30 phút là hết vé khiến rất đông khán giả khu vực này chen lấn buộc ban tổ chức phải nhờ cảnh sát 113 giữ trật tự. Còn trước cửa khán đài B, khán giả đội nắng xếp một hàng dài. Giá vé chợ đen tăng hơn 10 lần giá gốc. Cụ thể, vé gốc khán đài A từ 50.000 đồng được bán chợ đen 600.000 đồng/vé. Vé khán đài B từ 20.000 đồng tăng 200.000 đồng/vé. Trong lúc đó, tiếng loa phóng thanh của hội CĐV vang vang hướng dẫn khán giả kiên trì xếp hàng mua vé.

Vã mồ hôi “thoát” ra từ khu vực bán vé, ông Hồ Văn Chiêm - giám đốc điều hành CLB SLNA - nói với Tuổi Trẻ: “Các năm trước “chảo lửa” Vinh bị tắt ngấm, đầu mùa giải năm nay mới bừng sôi trở lại. Thành công này có phần tiếp sức không nhỏ của hội CĐV SLNA. Sắp tới hội sẽ đổi tên thành CLB CĐV SLNA bởi hiện nay CĐV của SLNA đã khơi dậy và quy tụ được tình cảm khán giả xứ Nghệ trong cả nước”.

Trong khi đó, HLV Hữu Thắng nói: “Mỗi đường bóng của các cầu thủ SLNA trên sân đều chứa đựng sự trân trọng với tâm huyết của các CĐV - những người đã làm sống dậy “chảo lửa” thành Vinh”.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên