09/08/2008 00:12 GMT+7

Những ngôi nhà yến (Kỳ 2): Dụ chim yến bay về

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Năm 2002, khi đang học năm 2 đại học ngoại thương, Lê Danh Hoàng vừa học vừa làm hướng dẫn viên du lịch. Nhân một hội chợ, Hoàng được giao phụ trách đoàn doanh nhân Indonesia sang VN tham gia, trong đó có gian hàng tiếp thị công nghệ nuôi chim yến của tiến sĩ Elisa Nugroho - chuyên gia hàng đầu về chim yến của Indonesia.

IwRplqVC.jpgPhóng to
Mặt sau khu nhà yến do Eka đầu tư xây dựng ở Long Bình, Gò Công (Tiền Giang)

Chuyến tham gia hội chợ đem đến thất vọng cho tiến sĩ Nugroho: khái niệm nuôi yến còn quá mới mẻ với người VN, số người đến xem gian hàng chim yến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hoàng chợt lóe lên ý nghĩ táo bạo: Sao mình không nắm lấy công nghệ này để phát triển tại VN.

Kỳ 1: Những ngôi nhà "bí ẩn"

Hành trình tìm yến

Năm 2005, trong một lần đi nhìn trời tìm yến ở Phan Rang, Hoàng phát hiện cả bầy chim yến tập trung về rạp hát Thanh Bình. Hỏi thăm người dân quanh vùng, bà con nói yến về đây ở lâu rồi, từ 20 năm trước, lúc đó yến làm tổ trong rạp hát 19-4. Tới năm 2000, rạp hát này sửa chữa, đàn chim chuyển sang làm tổ ở rạp hát Thanh Bình, cách đó chừng 1km. Hoàng tiếp tục khảo sát thì thấy có khả năng gọi yến vào nhà và bắt đầu xây dựng một ngôi nhà yến tại đây.

Hoàng làm đúng theo "bài bản" đã học: xây một căn nhà thô, lắp hộp gỗ dưới trần nhà, tạo các lỗ thông hơi, mở giếng trời, trang bị hệ thống phát "nhạc" yến gọi bầy, hệ thống phun sương, làm ẩm, gắn tổ giả, tạo "mùi yến" thu hút bầy đàn… Rồi sau đó bỏ "nhà hoang" trong sáu tháng trời. Tới tháng thứ bảy vẫn chưa thấy bóng chim, Hoàng hơi hoảng. Tới tháng thứ tám yến vẫn chưa về, trong khi sách nói chỉ cần 3-4 tháng là có. Hoàng sốt ruột cứ cuối tuần là đi xe tốc hành đêm ra thăm nhà yến.

Một buổi sáng tinh mơ, vừa mở cửa ra, Hoàng bỗng nghe thấy tiếng chim vỗ cánh bay phành phạch. Trời ạ, 4-5 cái tổ yến mới hình thành. Ba tháng sau thì chim về ngày càng đông. Hiện nay, khu nhà yến này đã qui tụ gần 200 con về ở.

Tiếp tục hành trình tìm chim yến, Hoàng quyết định đầu tư hẳn ba căn nhà yến tại Gò Công (Tiền Giang). Lần này, duyên đến với Hoàng sớm hơn, chỉ trong ba tháng là có yến về. Hiện nay, chỉ riêng một căn nhà yến bốn tầng đối diện chợ Gò Công đã có gần 2.000 con trú ngụ, mỗi tháng thu hoạch hơn 1kg tổ yến. Năm 2004, Hoàng hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học với đề tài "Phát triển nghề nuôi yến ở VN hướng tới xuất khẩu". Cùng năm này, Hoàng thành lập Trung tâm yến sào Hoàng Yến Việt Nam (Eka Việt Nam, tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM)).

Vậy là "chàng trai yến" Lê Danh Hoàng bước vào cuộc làm ăn lớn hơn: nhân rộng mô hình nhà yến tại huyện Nhà Bè, Q.3 (TP.HCM), khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), Long Khánh (Đồng Nai)…

Chuyên gia lắp đặt nhà yến

so9fJNHV.jpgPhóng to
“Chàng trai yến” Lê Danh Hoàng đang thu hoạch tổ yến

Một cộng sự đắc lực của Hoàng là Trần Quốc Dũng, 27 tuổi, chuyên gia lắp đặt nhà yến. Dũng đưa tôi đi xem một căn nhà yến mà Dũng đang triển khai ở Bình Dương. Chủ nhà là một doanh nghiệp, cũng có máu mê… chim yến. Khu nhà yến này nằm bên cạnh một cánh đồng trống trải. Kế đó, chủ nhà đã cho xây một khu đồi núi nhân tạo cao khoảng 20m.

Dũng kể chủ nhà dự định xây khu đồi núi này để làm cảnh coi chơi thôi, ai ngờ tự dưng yến thấy "mát mẻ” nên tự bay vào. Lúc đầu ông chủ cứ tưởng dơi về làm tổ nên cũng không thèm ngó tới. Sau hai tuần số lượng chim bay về càng nhiều, Dũng tư vấn cho chủ nhà nên đầu tư nhà yến. Vốn có máu làm ăn, ông chủ này liền đồng ý.

Tôi vào bên trong khu nhà yến. Dưới ánh sáng mờ mờ, nhóm thợ đã lắp đặt xong phần hộp gỗ trên trần nhà. Vài người đang gắn các tổ yến nhân tạo. Các lỗ thông hơi đã được gắn "co" như ống nước, trong có màng lưới nhỏ xíu bịt ngang lỗ. Dũng nói các "co" này có tác dụng ngăn ngừa chuột bọ, rắn rết, các loài chim khác bên ngoài xâm nhập, sợ ảnh hưởng sự yên tĩnh của yến. Mé phải căn nhà là giếng trời thông cao chót vót ra ngoài, thành giếng được đắp vật liệu trông giống như hang động ngoài biển khơi.

Mở máy phát tiếng chim, âm thanh chim hót vang lên nghe như vọng về từ một nơi xa xăm. Đứng dưới "hang" nhìn lên nghe tiếng chim ríu rít, tôi có cảm giác đang đứng giữa hang động trên biển cả. Tới một góc nhà, mùi ẩm mốc bay lên. Công tắc điện bật lên, bất ngờ một luồng hơi sương phả ra mát rượi từ trong bóng tối mịt mù. Lúc này, tôi cảm thấy như đang đứng giữa đảo yến ở Nha Trang (Khánh Hòa).

Dũng cho biết tất cả những ngón nghề này Dũng đều học được ở các chuyên gia Indonesia và Malaysia, nơi có nghề nuôi yến nhân tạo phát triển mạnh nhất khu vực. Tuy nhiên, Dũng phải sáng chế thêm nhiều công đoạn: phải cài đặt hẳn phần mềm phát tiếng chim, hệ thống phun sương, máy đo nhiệt độ… bằng "mã” tự động. Cứ cách chừng hai giờ là máy tự vận hành, liên tục từ ngày này qua ngày khác mà chủ nhà không cần phải chạy ra vô đóng mở.

Chính đặc điểm này bảo đảm yên tĩnh cho yến tự bay vào nhà. Song cũng chính yếu tố tự động đó đã gây thắc mắc cho bao người dân trong khu vực: những ngôi nhà này sao bí ẩn quá, quanh năm suốt tháng không có người ở mà cứ nghe tiếng chim kêu tối ngày, lâu lâu lại nghe có tiếng động lục đục, tiếng con gì kêu nghe sè sè, hệt như ngôi nhà ma.

Dũng hiện đang "cai quản" khoảng 50 căn nhà yến ở Bình Dương, Long Khánh, Gò Công, Côn Đảo, Vũng Tàu… Cứ hai tuần phải đi thăm một lần để kiểm tra máy móc có chạy đều không, trục trặc chỗ nào là khắc phục sửa chữa ngay. "Cực mà vui. Cứ thấy một cặp yến về là có cảm giác như đội nhà sút tung lưới một bàn thắng", Dũng bộc bạch.

Theo số liệu của Trung tâm Công nghệ sinh học (Đại học Thủy sản), trong tổ yến (còn gọi là yến sào) có 18 loại acid amin, đặc biệt trong đó có acid syalic và tyrosine có tác dụng phục hồi nhanh chóng các tổn thương khi bị nhiễm xạ hay chất độc hại, kích thích sinh trưởng hồng cầu. Tổ yến có tác dụng làm sạch phổi và các cơ quan hô hấp, giảm bệnh cúm và các triệu chứng dị ứng, chống lão hóa, hồi xuân, tăng tuổi thọ…

Tổ yến là một trong những món ăn quý hiếm trong hàng "bát trân" của người xưa, riêng món yến sào được dùng cho các vương phi, hoàng hậu tẩm bổ, giữ gìn khuôn vàng thước ngọc. Ngày nay, tổ yến được bán với giá 35-50 triệu đồng/kg tùy lớn nhỏ. Chủ nhà yến nào dẫn dụ được yến vô làm tổ coi như có được "vàng trắng" trong nhà.

______________

Số tới, mời bạn đọc đến Nha Trang - “vương quốc yến sào”. Ở đây, yến không chỉ bay về đảo. Có những khách sạn dành hẳn tầng trên cùng để làm “khách sạn” cho yến.

Kỳ tới: Nuôi yến ở “vương quốc”

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên