14/10/2018 10:53 GMT+7

Những ngôi làng 'siêu đẻ'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Nhà có sáu, bảy, thậm chí cả chục người con là bình thường ở xã Trà Quân (huyện Tây Trà), vùng đất thuộc nhóm xa và tách biệt nhất của tỉnh Quảng Ngãi.

Những ngôi làng siêu đẻ - Ảnh 1.

Nhà quá nhiều con, ông Dé ghi tên lên chiếc chảo tiếp sóng để khỏi phải “khai” danh sách khi có cán bộ dân số ghé nhà - Ảnh: TRẦN MAI

Khổ nhất là người càng đẻ nhiều càng tránh gặp cán bộ y tế, không tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe. Vì thế nhà nghèo, đẻ nhiều, trẻ suy dinh dưỡng cao.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy

54 tuổi, ông Hồ Văn Dé (thôn Trà Ong, xã Trà Quân) có đến 10 người con.Tên các thành viên trong nhà rất dễ nhận ra khi trước sân. Danh sách từng người của gia đình được ghi trong lòng chiếc chảo tiếp sóng tivi. Lý giải việc này, ông Dé bảo đã ngán ngẩm khi phải đọc tên, ngày tháng năm sinh của con mỗi khi có người ghé nhà. Thế là ông Dé nhờ người ghi giúp tên con trong lòng chảo, ai có hỏi thì ông chỉ thẳng vào đó cho nhanh.

Ông Dé đang giữ "kỷ lục" ở Trà Quân về số lượng con, nhưng quanh núi này những gia đình có sáu, bảy, hay tám người con nhiều lắm. "Kỷ lục" của ông Dé có thể bị đuổi kịp bất cứ lúc nào.

Con đàn, con đống

Làng Trà Ong nằm ngang lưng đồi, nắng phủ sấp ngửa dưới tán rừng. Khói bếp ấp úng nửa muốn bay về trời, nửa dùng dằng ở lại tán cây. Cái nghèo ở đây rất dễ nhận ra, khi những đứa trẻ quần áo cũ nhàu, lấm lem chạy khắp làng. Có đứa trần truồng nghịch đất dưới cái lạnh se se.

Trên con đường làng gồ ghề sau những trận mưa, chín đứa trẻ đang tụ lại chơi đánh gù. Chúng là con của ba cặp vợ chồng trong làng. Bản tính rụt rè vì ít tiếp xúc với người lạ khiến đám trẻ tỏ vẻ đề phòng. Nhưng khi hỏi nhà có bao nhiêu anh em thì chúng giơ ngón tay ra hiệu. Có đứa giơ gần hết 10 ngón tay.

Dù là buổi trưa nhưng thời tiết rất lạnh, sương núi vờn khắp các triền đồi, có một người đàn bà đi trước, phía sau là lũ trẻ lon ton chạy theo. Bà tên Hồ Thị Huệ, nhìn mặt cứ ngỡ như ngoài lục tuần dù chỉ mới 40 tuổi. Tất cả năm đứa trẻ lẽo đẽo theo chân đều là con của bà. "Tôi có bảy người con lận" - bà Huệ nói.

Dẫn được năm đứa con về nhà, thêm hai đứa đang đứng trước ngõ nữa là thành một đội nhộn nhịp, bà Huệ giới thiệu từng đứa con. Nhưng bà vừa nói xong, chúng tôi nhìn lại đám nhỏ thì lẫn lộn, chẳng nhớ được bởi đứa bé nhất mới lên 5, đứa lớn 13 tuổi nhưng nhìn chẳng lớn hơn nhau là mấy. Có lẽ những thiếu thốn khiến thể trạng đàn con bà Huệ sàn sàn như nhau.

Căn nhà ẩm thấp, nhìn khắp nhà chẳng có gì giá trị nhưng rất lộn xộn vì đông con, lúc nào căn nhà cũng như bãi chiến trường bởi tụi nhỏ đang vào tuổi "quậy". Ấn tượng nhất là hai chiếc giường to là chỗ ngủ cho bảy đứa nhỏ choán hơn nửa diện tích nhà. Bà Huệ phải kê thêm một chiếc giường nữa ở dưới bếp để hai vợ chồng ngủ.

Nồi nước được bắc lên bếp sôi lục sục, trào nước ra khi mớ măng rừng được đổ vào. Vừa canh lửa, bà Huệ vừa gọt vỏ chuối và làm một chén muối ớt. "Trưa nay ăn vậy thôi, không có tiền mua thịt cá đâu" - bà Huệ nói.

Lấy chồng từ thuở thiếu thời, sau nhiều lần sinh nở bất thành, năm 25 tuổi bà Huệ hạ sinh lần đầu. Vậy mà 10 năm sau đó, bà Huệ đã có đàn con bảy đứa. "Sao đẻ nhiều vậy?" - tôi hỏi. Bà Huệ phân trần: "Chồng ưng bụng, mình có thai rồi... đẻ thôi. Mà ở đây nhiều lắm, có người còn nhiều con hơn nhà tôi nữa".

Rời nhà bà Huệ, trí não còn nghĩ về những đứa con của bà thì tôi đã đến nhà ông Dé. Tiếng ho của một đứa trẻ trong cơn đau vọng ra thật não nề. Bà Hồ Thị Phương (54 tuổi), vợ ông Dé, ốm yếu, già như một bà lão, bước ra chào khách rồi bỏ vào trong. Từ ngày sinh đứa con thứ 10, bệnh tật tìm đến bà nhiều hơn.

Ngồi bệt xuống sàn, lưng tựa vào vách, để mặc hơi thở đổ ra như muốn ngút hơi, một lúc sau bà Phương lí nhí: "Đẻ 10 đứa nhưng hai đứa chết rồi. Chẳng biết nó đói hay bệnh mà chết nữa". Đưa tay ôm lấy đứa con út 6 tuổi đang bệnh, bà Phương nói thêm: "Nó bạ đâu ngủ đó nên bệnh vầy, mà không có tiền nên không đi chữa".

Những ngôi làng siêu đẻ - Ảnh 3.

Nhà nào ở Trà Quân cũng nhiều con nít như thế này - Ảnh: TRẦN MAI

Dở khóc, dở cười

Gia đình ông Dé, bà Huệ cứ mặc định trong đầu khi nghe tiếng xe máy là cán bộ dân số xã đến thăm, giúp đỡ và vận động, tuyên truyền. Bà Phương đinh ninh tôi là cán bộ nên phân bua khi tôi hỏi sao không tránh thai: "Chồng tôi đi rẫy, xong việc về nhà là uống rượu rồi hứng lên, tôi cản không nổi nên có con. Tôi có đặt vòng tránh thai nhưng nhột quá không chịu được phải tháo ra, bao cao su thì lần nào cũng bị ổng xé rách, đeo cũng như không".

Có lẽ vì lối nghĩ ấy mà xã Trà Quân có ba thôn là Trà Ong, Trà Bao và Trà Xuông với 444 hộ thì quá một nửa sinh từ 6-10 con. Số hộ sinh hai con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đẻ nhiều nhưng quan tâm đến con trẻ thì ít, như vợ chồng ông Hồ Văn Tiên và bà Hồ Thị Tranh có đến chín người con, quân số đông, nhiều lúc đến giờ ngủ thiếu vài đứa trên giường, ông bà cũng chẳng đi tìm.

Trên giường có 10 hay 11 đứa thì bà cũng kệ. "Nó không về chắc chơi ở nhà hàng xóm rồi ngủ lại, cũng như con hàng xóm qua ngủ nhà tôi vậy. Có mất đâu mà sợ" - bà Tranh nói.

Xã Trà Quân tách biệt, bản làng ngang ngực núi. Những đứa trẻ ốm nhom, bụng to bự vì suy dinh dưỡng vẫn chạy khắp làng. Mỗi mùa giáp hạt, chính quyền phải trợ gạo liên tục. Ông Hồ Văn Sơn có đến tám người con, nhưng hiếm hoi lắm mới đủ quân số trong bữa ăn. Phần lớn thời gian tụi nhỏ đi chơi rồi bạ đâu ăn đó. Có lần đứa con đầu cả tháng không về nhà, ông Sơn đi tìm quanh làng nhưng không thấy, ông lên trường tìm thì thấy con mình đang ăn cơm cùng giáo viên. Hóa ra ở với giáo viên có cơm ăn ngon hơn ở nhà nên thằng bé chẳng muốn về.

Người đẻ thì dửng dưng, còn người đi tuyên truyền chống đẻ thì lo sốt vó. Huyện Tây Trà cũng nhìn nhận tình trạng sinh "con đàn" ở Trà Quân cần phải "ách" lại nếu muốn xóa đói, giảm nghèo. Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Tây Trà tổ chức lồng ghép nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân, các biện pháp tránh thai đến từng mái nhà heo hút.

"Khổ nhất là người càng đẻ nhiều càng tránh gặp cán bộ y tế, không tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe. Vì thế nhà nghèo, đẻ nhiều, trẻ suy dinh dưỡng cao" - bà Nguyễn Thị Bích Thủy, phó giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Tây Trà, chia sẻ về cái vòng luẩn quẩn đẻ - nghèo - suy dinh dưỡng.

Tôi rời Trà Quân trong buổi chiều lạnh lẽo, đám trẻ con vẫn tụ tập từng tốp lớn ở các khu đất trống chơi đủ thứ trò. Chúng ngây thơ trước thực tại. Những người đàn ông tụ lại thành nhóm uống rượu. Đàn bà địu trên lưng các gùi củi, bó rau rừng và không thiếu người mang bầu nặng nhọc bước đi...

Tăng dễ, giảm khó

Bà Hồ Thị Hải, cán bộ chuyên trách dân số xã Trà Quân, cho biết: "Những năm trước, trên 60% hộ dân trong xã có 6-10 con. Hai năm qua, tỉ lệ sinh con thứ ba giảm chỉ còn 24% nhờ tích cực tuyên truyền vận động. Mình mà lơ là, chẳng mấy chốc "quỹ" dân số tăng đột biến trở lại. Giảm đẻ rất khó, còn tăng đẻ thì dễ lắm".

Làng 'siêu đẻ' Làng "siêu đẻ"

TT - Làng Cồn Sẻ nằm trên một doi đất giữa dòng sông Gianh, thuộc xã Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Về làng, cảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người là quá nhiều con nít. Người ta nói vui rằng Cồn Sẻ là làng... siêu đẻ.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên