Tháp chuông ở Chùa đậu (Hà Nội) - Ảnh: NICOLAS CORNET
Chúng gợi lại một quá khứ chung về cội nguồn, về những niềm tin đoan chắc, những cuộc đời đi trước giờ được tôn vinh, cuộc tìm kiếm cõi bình yên cho một số người, và sự đốn ngộ cho một số người khác.
Đó là một ngày mưa lớn ở tỉnh Bắc Ninh. Tôi vừa tới chùa Bút Tháp cho phiên chụp ảnh cuối cùng. Nước tuôn xối xả từ những mái cong của tòa chính điện, quả là một trận đại hồng thủy.
Tôi tới đây lần nữa để chụp ảnh những bức tượng thanh mảnh đại diện cho những đấng linh thiêng cổ xưa trong căn phòng với bệ thờ Phật. Chụp xong, tôi cẩn trọng xem lại những chân dung tượng Phật lạ lùng được sơn đen bóng, những bức tượng khiến nơi này thiêng liêng như thế.
Cuối cùng, nhìn qua những tượng phía trước bộ “tam bảo”, mắt tôi bị thu hút bởi một hình tượng nhỏ bé giản dị. Mắt tượng khép lại, khuôn mặt sơn màu vàng kim đã cũ lấp lánh trong ánh sáng nhạt nhòa. Đó là một hình tượng Bồ Tát, nửa đàn ông, nửa đàn bà, hình ảnh của Quán Thế Âm như khi truyền từ Bắc Ấn Độ tới Việt Nam và Nhật Bản.
Những đường nét dịu dàng, chiếc mũi thật đặc trưng, những đường viền quanh đôi môi tạo cho khuôn mặt vẻ duyên dáng và oai phong, gợi lên một diện mạo thật Việt Nam. Quá ấn tượng, ngay lúc ấy tôi linh cảm rằng đây sẽ là hình ảnh lựa chọn cho trang bìa cuốn sách sắp ra đời.
Ảnh: NICOLAS CORNET
Lang thang để sáng tạo
Thật không dễ tìm ra góc nhìn khác cho cuốn sách mới (*) sau khi đã in bốn cuốn về Việt Nam và một cuốn về Hà Nội. Với một người mê lịch sử châu Á và lịch sử nghệ thuật như tôi, được hiện thực hóa cuốn sách này là món quà trời ban.
Tôi tự đặt cho mình mục tiêu thực hiện hành trình đẹp đẽ đi qua những nơi thiêng liêng nhất và những chốn cổ tích lâu đời nhất Việt Nam, một tập hợp tinh tế những ngôi chùa, đền, và nơi thờ phụng của đất nước được người Việt rất mực tôn kính.
Nhiếp ảnh cho phép chúng ta xác định thời gian với một ký ức về những nơi chốn, công trình, để ghi dấu chúng lại ở một thời điểm cụ thể, nhờ đó gìn giữ chúng, dù chỉ trên những trang sách giản dị, bất chấp những chuyển biến qua bao nhiêu thời đại.
Tôi từng tưởng tượng trải qua hành trình thiêng liêng này cùng những nhà nghiên cứu, nhưng dự định đấy quá phức tạp và đắt đỏ với những phương tiện khiêm nhường của tôi. Vì thế tôi đã quyết định thực hiện mỗi chuyến đi tới một nơi theo lịch của mình.
Ảnh: NICOLAS CORNET
Miền Bắc - Những sắc nâu, sắc đỏ và sắc vàng
Từ Yên Tử tới Tây Phương, ở những khúc quanh của các con sông miền Bắc, những ngôi chùa mọc lên trên các mô đất, giấu mình dưới một tảng đá lớn hay ở đoạn uốn lượn của một dòng sông. Trên nền đất, những lối vào nhiều khi ẩn tàng, thật hẹp.
Những bệ thờ xếp thành hàng nằm dưới những mái ngói dài che cho cả tòa nhà. Ở nhiều ngôi chùa miền Bắc, tông màu áp đảo là màu nâu ấm áp của các hàng cột gỗ, của những nét chạm trổ tinh xảo làm nên đặc điểm quan trọng cho cái cột chính của ngôi chùa.
Những thiết kế chùa khác nhau bố trí mặt bằng các gian nhà theo chữ tượng hình Hán Việt, chỗ thì chữ Công (工), nơi thì chữ Quốc (国). Những lối đi nhỏ giúp đi quanh chùa. Việc đi lại trong chùa thì khác. Khép nép một cách đáng ngạc nhiên, những ngôi chùa có vẻ như hướng vào bản thân, tạo cho phật tử ấn tượng như một người ở trong bụng cá voi.
Trong cái bụng âm u đó, những bức tượng màu đỏ là các vị thần hộ pháp lộ vẻ giận dữ, các tượng màu vàng là những khuôn mặt Phật thu hút ánh nhìn của chúng ta giống như ngọn hải đăng phát ra tia sáng đầy màu sắc dẫn đường cho chúng ta trong bóng tối.
Ở chùa Thầy, những căn phòng nối nhau thành các bậc liên tiếp, tượng trưng cho một kiểu thăng thiên, hướng tới chính điện.
Tò mò về tất cả mọi thứ, tôi dành rất nhiều thời gian chuẩn bị cho những chuyến đi, bỏ ra nhiều tuần lễ để đọc và suy ngẫm về cuốn sách. Rồi cũng tới lúc mà tôi tìm thấy địa hạt của mình, cái điểm mà tôi thích trong suốt quá trình tìm tòi.
Trong những khoảnh khắc đấy, tôi cảm thấy vô cùng đắc ý khi được tiếp cận gần gũi hơn với đời sống thường nhật. Từ vị trí quan sát bên ngoài, tôi tự động theo chân những phật tử bước vào nơi thiêng liêng của họ, tham dự các nghi lễ và những buổi tụng kinh của họ.
Ảnh: NICOLAS CORNET
Huế - những nhà sư và ngôi chùa trong bóng cây xanh
Ở chùa Từ Hiếu, giống như các chùa khác ở miền Trung, thiết kế những ngôi chùa hòa hợp với cảnh quan. Cây cối từ ngoài chạy vào các sân trong chùa bỗng trở thành những khu vườn kỳ diệu được chăm lo tỉ mỉ.
Tôi tận hưởng những khoảnh khắc trầm lắng đó trong mùi hoa nhài và mùi quýt. Tôi chụp ảnh, và viết bài. Tôi tận hưởng những khoảnh khắc yên bình khi chính mình đang trải qua những thời khắc khó khăn trong gia đình, vào lúc không còn người mẹ thân yêu trong cuộc đời.
Xung quanh tôi, hiện lên những người phụng sự Đức Phật trong áo nâu sồng và cà sa màu vàng đi ngang một bức ảnh sư thầy Thích Nhất Hạnh đã cũ.
Tiếng sột soạt từ quần áo họ tan biến dần vào hư không. Ở chùa Diệu Đế, tôi được mời dùng cơm chay cùng những sư, sãi và chú tiểu mà nhà chùa nhận nuôi, tôi cũng làm thành viên của một “gia đình hoàn cảnh”.
Trong quá trình nghiên cứu tài liệu, tôi được xem lại một phần lịch sử Việt Nam. Lịch sử của những người phật tử mạnh mẽ, vào những năm 1960, đã dấn thân vào các hoạt động xã hội và chính trị. Để bảo vệ quyền tự do được thờ phụng, các nhà sư đã thực hiện những cuộc biểu tình trong im lặng trên đường phố Sài Gòn cho tới biến cố tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức.
Ảnh: NICOLAS CORNET
Những con đường phương Nam
Ở miền Nam đất nước, tôi quyết định đưa vào cuốn sách những nơi nổi tiếng, và không chỉ những nơi thờ Phật: miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, trên núi Bà Đen, và các ngôi chùa Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những ngôi chùa ở Sóc Trăng luôn làm tôi kinh ngạc.
Tôi nhớ những hàng cột được các nghệ nhân người Hoa sơn phết và trang trí ở chùa Khleang, đấy là một trong những ngôi chùa Khmer đẹp nhất mà tôi từng ghé thăm. Những vị sư hiếu khách đã cho phép tôi chụp ảnh, ngồi lại ở chánh điện và tận hưởng sự bình yên thiền định của nơi đấy.
Ở Sài Gòn, trong rất nhiều ngôi chùa, nơi tôi ở lại lâu nhất là chùa Giác Lâm. Tôi từng đến thăm nơi này hồi cuối những năm 1980, giống như về nông thôn, chúng tôi mượn được một chiếc xe hơi Volga màu đen, đường vào đầy ổ gà, xung quanh là những cánh đồng lúa. Khi còn thuộc Gia Định, chùa Giác Lâm một thời là chùa lớn nhất miền Nam.
Lúc đó chùa được xây theo lối kiến trúc “bánh ít”. Bên trong, trên những bệ cửa, gỗ được sơn màu đỏ và vàng, chạm khắc thật đẹp, kể lại những chương trong cuộc đời Đức Phật. Ngày nay ngôi chùa cũ này được bảo tồn cẩn thận.
Ở gần bên, những tòa nhà mới được xây lên để tổ chức các lễ tiết lớn và làm nơi ở cho các nhà sư. Như thế, chùa Giác Lâm có thể là hình mẫu cho việc cùng tồn tại giữa việc bảo tồn các di sản xưa bên cạnh xây dựng các tòa nhà mới.
Khi thực hiện một cuốn sách vừa hình ảnh vừa văn bản, mỗi khoảnh khắc trôi qua tôi đều dồn tâm sức vào đấy để hoàn thiện tác phẩm trọn vẹn nhất. Từ việc thu thập thông tin đến lựa chọn các bức hình để kết nối câu chuyện.
Rồi ở những nơi nào có thể, tôi đưa vào những bức ảnh có tính cá nhân hơn, khơi gợi hơn. Ở đây là một mảnh vườn mới cắt tỉa, ở kia là một cái cây trơ trọi, tấm bồ đoàn và những đồ đạc của người tụng kinh trên một tấm phản, cánh cửa chánh điện, nơi khói hương đọng lại như nhắc nhở chúng ta hồi tưởng về những ngày xa xưa.
Đối mặt với khoảnh khắc vô thường, vì những nơi chốn đó lên tiếng với chúng ta, vì những lời thầm thì ở đấy đã giúp ích cho cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ muốn rằng tất cả vẫn còn đó cho các thế hệ tương lai. Chúng ta không phải là những người chiếm giữ, chúng ta chỉ là những người gìn giữ và truyền lại mà thôi.
(*) Cuốn sách ảnh Chùa Việt Nam (Vietnam Pagodas) của Nicolas Cornet ra mắt tại Việt Nam tháng 11-2018.
Ảnh: NICOLAS CORNET
Phần thưởng từ di sản
Đã chu du khắp Việt Nam ba thập kỷ, tôi quan sát được những đổi thay do sự phát triển kinh tế mạnh mẽ mang lại với cảnh quan, các đô thị và vùng nông thôn.
Nhạy cảm với các di sản văn hóa và kiến trúc của đất nước này, một cách tự nhiên, tôi quan tâm tới số phận của các ngôi chùa và tầm quan trọng của chúng với người Việt Nam. Kiến trúc đền chùa truyền thống của Việt Nam về cơ bản là gỗ, tạo ra những ngôi nhà ấm áp và thoáng đãng nhờ vật liệu thiên nhiên này, nhưng đổi lại, vật liệu đó dễ tổn thương trước thời tiết ẩm và côn trùng gây hại.
Từ hơn một thế kỷ nay, những nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp, bao gồm Viện Viễn Đông Bác Cổ, đã áp dụng những phương pháp sửa chữa và phục dựng tôn trọng các kỹ thuật cổ truyền và cố gắng gìn giữ linh hồn cho các nơi chốn ấy. Những kỹ thuật đắt đỏ này là cái giá phải trả cho việc giữ lại được vẻ đẹp và các giá trị văn hóa.
Dần dần, chúng ta đều nhận ra rằng những đền chùa đó thuộc về một di sản văn hóa quốc gia. Đây có lẽ là con đường bảo tồn ngắn nhất dựa trên cộng đồng khoa học, theo những quy định chuẩn quốc tế.
Chúng ta hãy cùng tin rằng, người Việt Nam và những người nước ngoài yêu mến Việt Nam sẽ thành công trong việc truyền lại cho con cháu chúng ta những kỳ quan của quá khứ trong điều kiện tốt nhất, là điều khiến chúng ta hạnh phúc và là bằng chứng cho sự giàu có về văn hóa và cho bản sắc của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận