04/07/2009 00:03 GMT+7

Những ngày chợ Vòm đóng cửa

TRẦN VINH - ĐỨC SÁU(Matxcơva)
TRẦN VINH - ĐỨC SÁU(Matxcơva)

TT - Chạy chợ xứ người đâu chỉ cần mẫn là sống xênh xang. Nhiều người Việt ở Nga lúc này đang tìm cách thích ứng với những ngày nghỉ bất đắc dĩ mà lòng không khỏi âu lo.

mqFmOmvn.jpgPhóng to
Một số người Việt tranh thủ đi rừng nghỉ ngơi - Ảnh: T.Q.V.

Làm quần quật suốt ngày, quanh năm gần như không có ngày nghỉ, chị Nga Linh, thợ làm đầu có tiếng ở chợ Vòm (Matxcơva, Nga), một lần buột ra câu nói gở: “Ước gì chợ đóng cửa cả tuần để ngủ cho đã mắt!”. Bây giờ khi điều ước đó trở thành hiện thực thì chị lại rầu rĩ, bỏ ăn, ngày nào cũng ra chợ đứng từ xa nhìn qua hàng rào rồi lầm lũi trở về căn phòng thuê bừa bộn...

Những ngày dài

Chợ Vòm đóng cửa ngày đầu tiên, hầu hết mọi người đều cảm thấy bình thường. Thỉnh thoảng cũng có ngày chợ phải nghỉ theo lệnh trên, không hề báo trước, ra chợ thấy cổng khóa, cảnh sát đứng canh thì về, sáng hôm sau lại ra. Chỉ tội những người sống ngay trong khu vực chợ Vòm, họ phải vội vã rời khỏi nơi cư trú, có người không kịp mang theo vài bộ quần áo.

Chợ Vòm đóng cửa ngày thứ hai. Phần đông cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Chân tay như thừa thãi vì quen lao động rồi. Thời gian như trôi chậm lại. Ngủ sưng cả mắt.

Chợ Vòm đóng cửa ngày thứ ba. Ít người còn giữ được bình tĩnh. Chưa bao giờ chợ nghỉ lâu như thế. Hơn nữa, chẳng có nguồn tin đáng tin cậy nào về thời điểm chợ mở cửa trở lại. Có người bi quan: Liệu còn có ngày đó nữa không?

Người Việt làm ăn ở chợ Vòm khá nhiều, vài ngàn người. Họ thuộc hai týp người, như thể được “nặn” ra từ những chất liệu khác nhau. Phản ứng về việc chợ Vòm “nghỉ vô thời hạn” trái ngược nhau.

wjdiTrrj.jpgPhóng to

Số khác ngồi nhà rầu rĩ -Ảnh: T.Q.V.

Người “điếc”...

Anh Hồng Tân (quê Thanh Hóa) tự nhận mình “đeo máy điếc từ lâu”. Sang Liên Xô từ hơn 20 năm trước, khi tuổi tròn 18, với hai bàn tay trắng. Nay anh đã có vợ, ba con, một cơ ngơi hoành tráng ở TP.HCM và vốn liếng không nhỏ ở Matxcơva. Chứng kiến nhiều cảnh thăng trầm trên thương trường Nga, anh Tân gần như “không sợ súng”. Hỏi: “Mấy ngày qua anh làm gì?”. Anh đáp ngay: “Đánh tá lả, hát karaoke đến khản giọng”. Không lo lắng ư? Lo làm gì, có thay đổi được gì đâu. Giàu nghèo có số. Mấy ai mang triệu “đô” sang Nga buôn đâu. Làm ăn ở Nga thì mất mát ở Nga, có gì mà sợ. Anh cười ha hả, nhưng tinh ý có thể nhận ra chút gì đó chua chát trong cái giọng điệu phớt đời đó.

Kiểu tranh thủ nghỉ chợ để giải trí như anh Tân không ít. Một số tiểu chủ Việt ở chợ Vòm tranh thủ ngày nắng đẹp rủ nhau vào rừng cắm trại, nướng thịt cừu, bày cuộc nhậu. Số khác đi thăm thú bạn bè, đưa vợ con đi du lịch, đến siêu thị mua sắm, làm những việc ngày thường không có thời gian ngó tới.

Vợ chồng chị Lan nghỉ hè suốt tháng 7, về VN thăm gia đình. Nhiều người cũng quyết định như vậy nên vé máy bay về Hà Nội khó mua hơn. Còn chị Hương nhờ chợ Vòm nghỉ mà đã biết thế nào là quảng trường Đỏ sau năm năm ở Matxcơva. Anh Lộc sang Nga bảy năm rồi, ở cách trung tâm thủ đô không xa, bây giờ lần đầu tiên được đặt chân lên đồi Chim Sẻ (trước gọi là đồi Lênin). Chị Nhân tập lái xe vì chồng chị mới tậu được “con” Lada đời 9.9. Ai cũng tìm ra việc gì đó để làm, để khỏi lo nghĩ, tính toán.

Người “sợ súng”

Khu chợ Cherkyzovsky, người VN quen gọi là chợ Vòm, đã bị đóng cửa từ ngày 29-6 vì lý do mà chính quyền địa phương ở Matxcơva giải thích là để làm tổng vệ sinh. Ông Nikolai Evtikhiev, quận trưởng quận Đông của Matxcơva, cho biết đã quyết định tạm thời đóng cửa khu chợ lớn nhất thủ đô để “khắc phục những vi phạm về an toàn vệ sinh dịch tễ”.

Nhưng phần lớn người Việt ở Matxcơva nghỉ ngơi thụ động. Ngủ chán rồi mở đầu đĩa nghe nhạc não tình, xem phim chưởng Hong Kong.

Anh Văn Toàn (quê Hòa Bình) thẫn thờ: “Tôi vừa đóng thuế hơn 120.000 rúp (khoảng 4.000 USD) hôm trước thì hôm sau chợ đóng cửa. Còn lại một ít tiền cũng không dám mang về căn hộ vì không an toàn. Thành ra cả nhà 10 miệng ăn mà chỉ trông vào 3.000 rúp từ tiền bán vội ở chợ thực phẩm mấy bộ quần áo mẫu hôm trước mang về giặt vì bị bẩn. Tiền không có, còn tâm trạng nào mà vui chơi, giải trí”.

Chị Ngọc Anh (quê Hải Dương), chủ xưởng may, như ngồi trên đống lửa. Hạn nộp tiền thuê mặt bằng, tiền thuế đến gần mà hàng không bán được, còn hàng đã bán tuần trước thì các chủ “công” (container) kiên quyết không thanh toán. Họ viện cớ chợ nghỉ lấy đâu ra tiền để trả, bạn hàng ở thành phố xa không về... Chợ Vòm là đầu mối của mọi đầu mối, chợ không mở cửa tức là mắt xích quan trọng của vòng tròn kinh doanh của người Việt bị chặt đứt.

Chị Hồng Phương (cùng quê với chị Anh) cũng than vắn thở dài. Chị sống bằng việc cho thuê “công”. Giá thuê trong tháng 6 đã tụt mạnh do làm ăn khó khăn, nay chợ lại nghỉ chưa biết ngắn hay dài, một tuần hay hai tuần, một tháng thì sau này giá còn xuống đến đâu, còn ai cần thuê nữa hay không.

Thợ may khổ hơn cả. Năm bảy chục người lèn trong một xưởng may nhỏ, bí bách, không có cơ hội ra ngoài hít thở không khí, nhìn thấy mặt trời. Chợ còn hoạt động, có hàng đặt, thợ lấy việc làm vui, hi vọng tháng sau có tiền gửi về nước. Chợ nghỉ, xưởng ngừng may, thợ rỗi rãi chân tay mà thiếu phương tiện giải trí, buồn càng thêm buồn.

Thế mà Hãng tin Nga Interfax lại bồi thêm một tin không lấy gì làm vui: chợ Vòm có thể còn “tẩy rửa” thêm 10 - 15 ngày nữa...

TRẦN VINH - ĐỨC SÁU(Matxcơva)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên