Dù có được gặp ông hay không, ai bước vào khu nhà tiếp khách với tầng tầng lớp lớp những tranh, ảnh, những liễn, trướng, những lời chúc, lời thơ rút ruột của bao nhiêu thế hệ nhân dân, cũng thấy như được đắm mình trong tinh thần “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn” của Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trọng điểm Lùm Bùm, đường 128, Tây Trường Sơn năm 1973 - Ảnh: Mạnh Thường sưu tầm |
Phóng to |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường Trường Sơn năm 1973 - Ảnh: Vương Khánh Hồng |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng thành tích của các nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn - Ảnh: Mạnh Thường sưu tầm |
Xuân này, Đại tướng đã đi xa, nhưng cánh cổng nhà 30 Hoàng Diệu vẫn mở rộng đón khách. Xuân này, nhân dân cả nước có thêm một địa chỉ để đến thăm Đại tướng ở bờ biển Vũng Chùa (Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lồng lộng gió. Những câu chuyện về Đại tướng lại được nhắc đến tha thiết hơn bao giờ…
Và nhất là những câu chuyện gắn liền với mùa xuân, ngày Tết.
Giấc ngủ muộn “ăn Tết”
“Ngày Tết đến bất chợt với hoa ban nở trắng bên sườn núi và dọc những khe suối bên sở chỉ huy. Nam bộ, Liên khu 5 xa xôi gửi điện chúc mừng các chiến sĩ Điện Biên Phủ sớm giành toàn thắng. Trong hàng vạn lá thư từ hậu phương gửi ra mặt trận có những lá thư từ Matxcơva, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng. Đêm giao thừa tôi vẫn dõi theo những khẩu pháo cuối cùng trên đường trở về vị trí tập kết” VÕ NGUYÊN GIÁP (trích “Quyết định khó khăn nhất”, viết cho báo Nhân Dân dịp kỷ niệm 35 năm chiến thắng Điện Biên Phủ) |
Giữa bộn bề những sổ sách ghi chép lại giai đoạn chiến tranh chống Mỹ của Đại tướng đang dang dở, ông Hoàng Minh Phương, trợ lý của Đại tướng giai đoạn 1950-1978, chỉ một câu trong những tập hồi ký Võ Nguyên Giáp đã được hoàn thành, gật đầu tâm đắc: “Hạnh phúc lớn nhất đối với người cầm quân là được ở bên bộ đội, ngay tại mặt trận, Đại tướng đã nói như thế và đã sống như thế”. Từng sát cánh cùng nhau trên khắp các chiến trường, khắp các nẻo đường, ông có thể kể chuyện cả ngày về Đại tướng với tất cả niềm yêu thương và tự hào.
“Tết Giáp Ngọ năm ấy, cách nay đúng một vòng can chi, lục thập hoa giáp…”, ông Phương nhắc về cái Tết trên chiến trường Điện Biên Phủ cách nay tròn 60 năm. “Những ngày ấy chúng tôi chẳng ai nhớ đến Tết, chỉ cảm nhận được qua hơi gió lạnh buốt và sương mù mờ đục”- ông kể. Chiến trường đang lúc nước sôi lửa bỏng, các khẩu pháo đã được kéo vào vị trí, quân tướng đều được chuẩn bị tinh thần dốc toàn lực tấn công. Hàng chục ngày ròng rã Đại tướng Võ Nguyên Giáp không ngủ. Ông tính toán. Ông thao thức. Bao nhiêu sinh mệnh chiến sĩ đang nằm trong những chiến lược, chiến thuật.
Sáng 26-1-1954, đầu quấn một mớ lá ngải cứu để dịu cơn đau nhức, Đại tướng triệu tập cuộc họp trong lán chỉ huy ở Nà Tấu ngay trước giờ tấn công đã định. Không có ý kiến ủng hộ Đại tướng nào được nói ra vì với mọi người tất cả đều là “sự đã rồi”, nhưng ông đã quyết định: “Phải bảo đảm thắng 100% mới đánh”. Hai cuộc họp cân não kéo dài suốt ngày kết thúc với mệnh lệnh: Hoãn tấn công; Kéo pháo ngược ra, chuẩn bị lại các điểm đặt; Thay đổi phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”… Cuộc họp kết thúc, mọi người mới nhớ: đã đến ngày 23 Tết, ngày ông Táo về trời.
“Những ngày đêm tiếp theo lại tiếp tục là những ngày quên ăn quên ngủ. Đại tướng theo dõi tin tức từng khẩu pháo đang được kéo ra. Đường kéo pháo ra còn khó khăn gian khổ hơn cả đường kéo vào, và quan trọng nhất là phải giữ được bí mật, an toàn. Thay đổi phương châm tiến công, kéo dài chiến dịch, mở rộng chiến trường, Đại tướng và Bộ chỉ huy lại ngồi vào tính toán việc đẩy mạnh tổ chức gùi thồ tiếp tế lương thực để bộ đội có sức chiến đấu” - ông Phương kể tiếp.
Ngày 31-1, sở chỉ huy chiến dịch chuyển từ Nà Tấu vào Mường Phăng, sâu trong rặng núi cao nằm ở phía đông cánh đồng Mường Thanh, giữa cánh rừng già. Cái lán nứa vừa dựng xong, chiếc bàn, cái ghế dài, chiếc giường đều bằng những thanh tre, nứa, vầu bổ đôi ghép lại. Không nghỉ ngơi, vị tổng tư lệnh lại tiếp tục ngồi bên điện thoại theo dõi đường đi của những đại đoàn, những đơn vị cuối cùng đang rút và những khẩu pháo cuối cùng.
Câu chuyện Tô Vĩnh Diện hi sinh khi cứu pháo đến vào ngày 28 Tết (tức 1-2-1954), Đại tướng nghe báo cáo mà rơi nước mắt. Ông Hoàng Minh Phương kể Đại tướng lại một đêm nữa không ngủ. Đêm hôm sau, những khẩu pháo cuối cùng được đưa về điểm tập kết an toàn, gần sáng ông mới được thở phào nhẹ nhõm. Chưa đặt mình xuống thì ông chợt nhớ ra: đêm nay là giao thừa (nhằm 29 Tết). Ông lại ngồi dậy gọi cho các chỉ huy: “Có nhớ cho anh em ăn Tết không?”... Giấc ngủ sâu đầu tiên sau nửa tháng thức trắng đến với Đại tướng sau một nụ cười khi ông biết mỗi chiến sĩ đã được “ăn Tết” bằng một chén chè và một điếu thuốc lá.
Giấc ngủ ấy là phần “ăn Tết” của Đại tướng.
“Những ngày sau đó, càng đi sâu vào chiến dịch chúng tôi mới càng thấm thía rằng quyết định của Đại tướng trong cái Tết ấy đã cho chúng tôi cơ hội được sống mà ăn Tết đến sau này” - ông Phương nhắc, không biết đã là lần thứ bao nhiêu trong đời. Trong hồi ký của Đại tướng cũng ghi lại những lời dốc lòng mà mãi đến ngày kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các sĩ quan của ông mới có cơ hội nói: Chính ủy đại đoàn công pháo 351 Phạm Ngọc Mậu: “Nghe lệnh kéo pháo ra, đúng là: được lời như cởi tấm lòng”; Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn: “Nếu không có lệnh chuyển phương châm ngày đó, phần lớn chúng tôi đã không còn đến ngày hôm nay để tham gia kháng chiến chống Mỹ”; Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ: “Nếu lần đó nhất quyết theo “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, cuộc kháng chiến chống Pháp có lẽ phải lùi đến 10 năm sau mới thắng lợi”.
Ông Hoàng Minh Phương: “Làm một người giúp việc cho Đại tướng hơn 30 năm, từ ngày còn là chàng thanh niên 20 tuổi nhiều sai sót, vấp váp, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông nặng lời với thuộc cấp” - Ảnh: Tự Trung |
Ông Phan Khắc Hy: “Bộ đội Trường Sơn ai cũng nhớ đêm pháo hoa ở Bộ tư lệnh 559 năm ấy…” - Ảnh: Tự Trung |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu bản đồ tuyến vận tải chiến lược của bộ đội Trường Sơn - Ảnh: Mạnh Thường sưu tầm |
Đêm pháo hoa và giọt nước mắt
Trong những tranh ảnh liễn trướng ngập đầy ở nhà Đại tướng, có một bức thêu nổi bật chữ vàng trên nền đỏ với những lời giản dị: “Bác về cõi vĩnh hằng, chúng cháu khóc triền miên…”, ký tên: “Toàn thể gia quyến Thiếu tướng Phan Khắc Hy - phó tư lệnh binh đoàn Trường Sơn”. Khi nhắc đến “anh Văn”, ông Phan Khắc Hy không khóc. Ông mỉm cười thật ấm áp: “Tôi là người Quảng Bình, với Đại tướng, ngoài tình đồng đội, quân tướng, còn có tình đồng hương, anh em…”. Và ông kể cho chúng tôi nghe về mùa xuân năm 1973 ở Quảng Bình.
Hiệp định Paris vừa được ký kết. Ngày thống nhất vẫn chưa đến nhưng hòa bình thì đã rõ hình rõ dạng trong mơ ước của bao nhiêu người. Tháng 3-1973, binh đoàn 559 (tức binh đoàn Trường Sơn) tổ chức đại hội mừng công sau 14 năm vượt qua những gian nan, khổ nhọc, hiểm nguy không dễ tưởng tượng để khai mở con đường xuyên rừng vượt núi nối liền Bắc - Nam, phục vụ công cuộc thống nhất đất nước. Bộ tư lệnh 559 đóng tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình những ngày ấy đông kín khách. Nào đại biểu của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đại biểu Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, các sư đoàn, đại đoàn, binh đoàn…
Và vị khách đặc biệt nhất chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Anh em 559 ai cũng phấn khởi, tự hào khi được đón ông, và để nhân lên sự phấn khởi ấy, Đại tướng mang cho chúng tôi một món quà: lệnh cho phép bắn pháo hoa mừng thắng lợi” - ông Phan Khắc Hy kể.
Bao nhiêu năm chiến tranh, trên đường Trường Sơn, trên bầu trời Quảng Bình chỉ có máy bay gầm rú, bom rơi, đạn nổ, pháo rền, trên đất Quảng Bình chỉ có chết chóc, nát tan, mất mát. Đêm xuân 7-3-1973 ấy, lần đầu tiên những bông pháo hoa lộng lẫy bung nở trên bầu trời, soi mình xuống dòng Long Đại (chảy qua xã Hiền Ninh trước khi nhập vào sông Nhật Lệ). Người Quảng Bình đứng ken kín hai bên bờ sông, khu vực của đoàn 559 đông đặc bộ đội, tất cả đều ngước lên bầu trời trong xanh giữa mùa xuân với những nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc. Với đa số họ, đây là lần đầu được biết thế nào là pháo hoa. Với những người lính gốc Hà Nội, những đêm pháo hoa trong phút giao thừa ở hồ Gươm tưởng như chỉ còn trong giấc mơ nay đã được tái hiện bằng sự thật.
“Chỉ mười lăm phút pháo hoa tầm thấp nhưng với chúng tôi đó là phần thưởng tuyệt vời nhất sau bao năm khói lửa, hi sinh. Những bông hoa rực rỡ ấy là hứa hẹn của ngày khải hoàn, của hòa bình, của thống nhất. Đoàn văn công đến từ Hà Nội với những giọng ca hàng đầu như ca sĩ Lê Dung lại tiếp thêm cho anh em chúng tôi nguồn động lực vô tận để đi vào những trận cuối cùng, thẳng đến hòa bình” - giọng ông Phan Khắc Hy hôm nay vẫn còn sự hào hứng của 40 năm về trước.
Trong hồi ký Đường xuyên Trường Sơn, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tư lệnh binh đoàn Trường Sơn, nhắc về sự kiện ấy: “Đại hội mừng công khai mạc ngày 7-3, quy mô chưa từng có, khí thế rầm rộ chưa từng có, quang cảnh tưng bừng, lại có cả pháo hoa lần đầu được chứng kiến với không ít người. Đây là lần thứ ba Đại tướng thay mặt Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân ủy trung ương đến dự hội nghị mừng công của bộ đội Trường Sơn”.
Sau hội nghị, sau họp bàn những công việc tiếp theo với Bộ tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên xe tiếp tục đi thị sát chiến trường, đến thăm các tiểu đoàn công binh, các đội thanh niên xung phong làm đường, các đơn vị pháo cao xạ...
Bao nhiêu năm sau, tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn còn xúc động khi nhắc lại: “Tôi không thể nào quên. Trên đỉnh đèo Phu La Nhích, anh Văn chọn một điểm cao và dùng ống nhòm quan sát. Tôi thấy anh lặng người khá lâu trước cảnh tượng khu rừng nguyên sinh bạt ngàn bị đạn, bom, chất độc khai quang đào quật, hủy diệt, chỉ còn lác đác mấy thân cây cháy rụi. Hố bom chồng chất hố bom. Anh nói chuyện với bộ đội, thanh niên xung phong mà nghẹn ngào xúc động. Nhiều cô thanh niên xung phong khóc rưng rức. Rồi anh Văn không quên sang mấy nấm mộ liệt sĩ chôn kề đó thắp hương. Anh khóc…”. Trong hồi ký, ông viết lại cảm xúc lúc đó: “Những giọt nước mắt dành cho phút hội ngộ với những người đang sống và chiến đấu, những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ nằm lại trọng điểm này của vị tổng tư lệnh giữa chiều xuân Trường Sơn thật sự thấm đẫm tình người, lắng sâu trong tâm khảm…”.
Tôi bình đẳng với những người lính
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Tôi bình đẳng với những người lính của mình”, còn những người lính của ông thì biết rõ điều đó. Ông Lê Chí Dũng, một cựu chiến binh sư đoàn 338, ghi chép lại cặn kẽ lần đầu tiên được gặp Đại tướng. Đó là những ngày giáp Tết Nhâm Tý 1972, đơn vị gồm toàn lính mới nhập ngũ của ông đang cấp tập rèn luyện để chuẩn bị lên đường vào Nam. Đa số đều là sinh viên các trường đại học, có cả thầy giáo, cả nghiên cứu sinh mới về từ nước ngoài. Một đêm bỗng có lệnh xuất quân. Hành quân đến gần sáng, hai bên đường không còn là phố phường Hà Nội mà đã là những dãy núi đá vôi Ninh Bình, chợt có tiếng xe Uoát đi vào giữa hàng quân. Mọi người xôn xao vì tin bất ngờ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chúc Tết.
Từ trên xe, Đại tướng nhảy xuống đi bộ giữa hàng quân, tay giơ lên vẫy chào. Những tiếng hoan hô vang rền. Chợt ông dừng lại trước một chiến sĩ rất trẻ, mang quân hàm binh nhì: “Đồng chí đi bộ đội bao lâu rồi?”. “Báo cáo Đại tướng, gần một tháng ạ”. “Đã học chào chưa?”, và bất ngờ, Đại tướng rập gót giày, đứng nghiêm, giơ tay chào. Anh binh nhì rập giày đáp lễ, hai mắt bừng lên tình cảm yêu thương, ngưỡng mộ khó tả. Cả đoàn quân lặng đi, rồi vỗ tay hoan hô vang dội. Ông Lê Chí Dũng viết: “Vào trận mạng sống rất mong manh, nhưng hành động của Đại tướng đã cho chúng tôi, ngoài nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc, còn cái tình “phụ tử chi binh”. Sức mạnh của những người lính trẻ chúng tôi được tăng thêm rất nhiều kể từ buổi được gặp chủ tướng của mình ngày ấy”.
Những người lính là những người ra vào thường xuyên nhất ở nhà 30 Hoàng Diệu, khi Đại tướng còn và cả khi ông đã đi xa. Có người lính già đến chỉ để ôm siết Đại tướng và nói: “Báo cáo anh, em đã hoàn thành nhiệm vụ”. Có chị cựu thanh niên xung phong sau khi xin phép được vào nhà thì không xin gặp Đại tướng nữa, chỉ đứng một góc phòng ngắm và khóc. Những ngày cuối năm, chúng tôi gặp một người lính già dẫn theo con, cháu đi từ Diễn Châu, Nghệ An ra, xin vào “thắp nén hương cho anh Văn để các cháu được viếng ông”. Hỏi, ông cho biết tên là Trần Hữu Thiên, nguyên là chiến sĩ trong đội cảnh vệ bảo vệ Đại tướng từ những năm 1960. “Phục, thương Đại tướng là điều tất nhiên, không có gì phải nói nữa. Làm nhiệm vụ ngay trong nhà, tôi phục cả gia đình, nhất là chị Hà…”. Ông Thiên kể những ngày quân tướng một nhà, tối tối Đại tướng đi dạo thường ghé qua hỏi thăm anh em cảnh vệ, thỉnh thoảng ngày Tết gia đình lại mời vào ăn cùng một bữa cơm, về hưu rồi ghé lên thăm, “chị Hà” lại gửi món quà cho cháu...
Cùng ở Cục Bảo vệ quân đội với ông Thiên, ông Nguyễn Tiến Trổ (ở Quế Võ, Bắc Ninh) đã có 20 năm làm vệ sĩ cho Đại tướng. Đi cùng đoàn gia đình để tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng, ông Trổ tâm sự: “Kể làm sao cho hết những kỷ niệm với anh Văn. Đọng lại trong chúng tôi là một vị Đại tướng hết sức bình dị, trân trọng những người dưới quyền, chưa bao giờ nặng lời lớn tiếng với ai kể cả khi chúng tôi có lỗi. Tôi làm bí thư chi bộ nhà riêng, lần nào họp Đại tướng cũng xuống dự từ sớm, phát biểu rất nghiêm túc với tư cách một đảng viên, không hề quan quyền, xa cách. Tôi nhớ những ngày khó khăn, tiêu chuẩn riêng của Đại tướng có một cốc sữa chua, bảo vệ đạp xe đi lĩnh mỗi chiều. Đại tướng làm việc bất kể ngày đêm, tiêu chuẩn thực phẩm thì hạn chế, có lúc chúng tôi phải suy nghĩ bạc đầu để tìm cách bảo đảm dinh dưỡng cho bữa ăn của ông…”. Nói đến đây, giọng ông Trổ như nghẹn lại.
Những câu chuyện như thế về một người như thế, làm sao không nghẹn lời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận