13/06/2021 11:31 GMT+7

Những mùa mía chưa qua

HUYỀN MINH
HUYỀN MINH

TTO - Quê ngoại là một vùng chiêm trũng ở miền Bắc. Nhà đông con mà bà lại chẳng may mất sớm. Mẹ là con cả chị đầu, các cậu dì còn nhỏ nên mọi chuyện trong nhà và đồng áng đều một tay mẹ lo liệu và xoay trở.

Những mùa mía chưa qua - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Phải gánh gồng, đảm đương từ khi còn rất trẻ nên hình thành ở trong mẹ, tính chừng mực và cần kiệm. Có ăn hôm nay phải nghĩ tới hôm sau, những hôm sau nữa...

Hồi nhỏ, tôi thấy rất bực mẹ vì điều này. Nhà tôi, cũng có lúc khó khăn nhưng đâu đến nỗi để mẹ nhắc chừng anh chị em chúng tôi từng chút một. Bộ quần áo, cây bút, cục gôm... để đến trường hằng ngày. 

Rồi chút mắm, bơ gạo... trong bếp, mỗi bữa, đều bị mẹ "quản lý" rất chặt chẽ. Mẹ không để cho các con mình phải thiếu thốn, nhưng mẹ cũng không cho phép mọi người trong gia đình được hoang phí. 

Đối với mẹ, hoang phí là có tội và mẹ thường nói: "Liệu cơm mà gắp mắm". Những câu chuyện, những sự việc liên quan đến tính căn bản của mẹ thì rất nhiều và trí nhớ của tôi, dẫu không được tốt lắm nhưng vẫn nhớ rất đầy đủ. Trong tất cả, nhớ nhất bởi ấn tượng nhất và độc đáo nhất, vẫn là chuyện bán mía của mẹ.

Chẳng là, hồi đó nhà tôi có mở một cái quán. Tuy nhỏ nhưng bán không thiếu một thứ gì. Từ ký đường cho đến viên kẹo, bịch xà phòng cho đến cái kim, lít dầu lửa cho đến quả chuối... Mía, lai rai có quanh năm nhưng rộ nhất vẫn khoảng này, khi đã vào hạ. Trời nắng nóng và oi bức, bởi đó, cái món mía bì ướp lạnh của mẹ bán rất đắt.

Mía, thường do chính mẹ đi mua và cứ độ hai, ba ngày mẹ ra tận bến, đón những chuyến xe Gia Lai xuống và lựa những bó thật ngon. Phải từ hai bó mía trở lên, mẹ mới dám gọi xe chở, chứ có mỗi một bó tự mẹ vác lấy. 

Mẹ bảo: "Bán mấy thứ này lãi ít lắm. Không dụng công của mình, có khi thâm nữa là đằng khác". Mía róc ra, mẹ sai tôi gom vỏ đưa lên sân thượng phơi, để nhóm bếp. Còn cái gốc và ngọn mía, mẹ bảo đập giập ra rồi cũng phơi cho thật khô nẻ, để đun nấu dần dần.

Mùa nóng, kéo dài hàng mấy tháng liền nên cái món mía bì ướp đá của mẹ sinh lợi lắm cơ! Có hôm, mẹ bán đến hai bó và sân thượng nhà tôi đầy ngập những vỏ và xác mía. Tôi lên, xuống cầu thang lo cho chất đốt của nhà thôi, cũng đủ nhoài người. Trong lòng cũng có ý hơi hơi... giận mẹ. Giận cho cái tính tham công tiếc việc của mẹ. Giận cho cái tính hà tiện của mẹ.

Mẹ, theo những mùa mía đi qua thêm già thêm yếu mệt. Và, gia đình tôi chẳng hề giống trước đây. Đã có nhiều thay đổi, chẳng hạn như bếp nhà từ nấu củi chuyển sang than rồi dầu lửa và cuối cùng là gas. Khách ăn mía bì ướp lạnh, lúc nào chẳng có nhưng cái thứ chất đốt là vỏ mía phơi khô, hẳn là phải ế ẩm rồi. Chắc cũng bởi thế, nên mẹ mới ngưng hẳn việc bán mía. 

Ngưng được dăm năm rồi cũng dẹp quán luôn. Cái quán bé tẹo của nhà không còn nhưng những bó mía trĩu nặng vai mẹ vào mùa nắng vẫn khiến mắt tôi cay, mỗi khi, nhớ lại ngày xưa. Nhớ đủ thứ. Nhớ hơn những điều giản dị, mộc mạc như là cây mía.

Những bài học, mẹ không hề cố tình dạy cho mà sao tha thiết và thấm thía vô cùng. Những bài học đọng lại mãi trong tâm trí, khiến tôi nhận ra: tôi và các anh chị của mình đã luôn biết chi tiêu chừng mực, kịp dừng lại ở những chuyện chơi bời vô bổ, rất mê say làm việc... chính là từ mẹ. 

Và, phải chăng cũng từ mẹ ở những điều hết sức là vụn vặt và nhỏ nhoi, như vậy, mà nếp nhà của chúng tôi, qua rất nhiều năm tháng thăng trầm, đã luôn được dưỡng nuôi và duy trì, dù mẹ đã ra đi...

Mẹ không còn khiến lòng tôi, đôi khi, thẫn thờ và thắc thỏm. Để rồi cùng với nỗi nhớ mẹ tôi mới hay, là: chưa hề có mùa mía nào đã đi qua, đi qua...

Trái ớt hiểm của đời tôi Trái ớt hiểm của đời tôi

TTO - Hồi yêu nhau, vợ tôi ngó bộ tánh cũng khá đanh. Má tôi kêu dữ nhưng có vậy mới cột được chồng. Anh hai tôi cười cười: 'Mày có thói trăng hoa, mà tao thấy tướng nó coi bộ ghen hung. Ớt này là ớt hiểm nha'.

HUYỀN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: mùa mía