Nhân viên Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn theo dõi các hoạt động trong đường hầm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các sự cố được phát hiện nhanh hơn, xử lý nhanh chóng và người dân cũng có trong tay các thông tin để biết đường nào kẹt nên tránh, đường nào thoáng nên đi.
Những "mắt thần" quan sát giao thông
Trên màn hình vi tính của một căn phòng ở trung tâm điều khiển hầm vượt sông Sài Gòn là những hình ảnh xe cộ lưu thông nhộn nhịp.
Bỗng nhiên, một góc màn hình nhấp nháy. Đó là tín hiệu báo động có sự cố giao thông.
Lập tức, bên phải màn hình hiện ra một mũi tên chỉ về một chiếc xe máy bị chết máy.
Nhân viên điều chỉnh tốc độ xem lại đoạn video quay chậm. Đó không phải là một vụ va quẹt mà do người đi xe máy không cẩn thận tự té ngã.
Lập tức, nhân viên nhấc điện thoại gọi cho đơn vị quản lý đường hầm.
Chỉ vài phút sau, hình ảnh từ camera ghi nhận, nhân viên đường hầm có mặt hỗ trợ người đi xe máy ra khỏi đường hầm.
Đó là kết quả của Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh TP.HCM vừa được đưa vào hoạt động ngày 18-2-2019, được đầu tư giai đoạn 1 với 230 tỉ đồng.
Không chỉ những vụ quẹt xe, té ngã, chết máy, mà những chiếc xe làm rơi đồ vật, khói bụi quá mức trong đường hầm cũng được camera ghi nhận và màn hình nhấp nháy báo động sự cố để từ đó trung tâm có hướng giải quyết.
Và cũng không phải chỉ "quản" ở khu vực hầm Thủ Thiêm, trung tâm này đã ghi nhận và xử lý dữ liệu từ các tuyến đường trọng điểm khắp TP.
Theo ông Lê Minh Triết - giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, chủ đầu tư, hệ thống 54 màn hình của trung tâm ghi nhận hình ảnh từ 736 camera được lắp đặt trên 78 tuyến đường tại TP.HCM.
Hệ thống đã ghi nhận và xử lý 2.236 tình huống có thể gây ùn tắc giao thông cũng như thông tin các sự cố tai nạn giao thông, trong đó có 976 tin về tai nạn giao thông, 749 tin về dòng xe lưu thông với tốc độ chậm, 507 tin đường ngập nước và sự cố khác...
Từ những thông tin nhận được, đơn vị này sẽ phản hồi đến các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, kéo giảm ùn tắc giao thông trong thời gian qua.
Bảng thông tin giao thông điện tử tại các tuyến đường cũng đã cập nhật những dữ liệu mới nhất với các dòng chữ sắc xanh, đỏ, vàng chỉ dẫn đâu là đường đang thông thoáng, cảnh báo các đoạn có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông để người dân chọn lộ trình đi lại.
Trung tâm đầu tiên trong cả nước này có bốn chức năng chủ yếu như điều khiển đèn tín hiệu, giám sát và cung cấp thông tin giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm. Ngoài ra các thiết bị này cũng cung cấp thông tin dữ liệu, phục vụ việc xử lý các vi phạm, giám sát, đảm bảo an ninh trật tự đô thị, xử lý các sự cố khẩn cấp, phòng chống cháy nổ, ngập lụt, quản lý bến bãi tàu xe...
Theo ông Lê Minh Triết, các nhân viên từ trung tâm quan sát tình hình dòng xe ở các giao lộ qua camera sẽ lập tức điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu phù hợp cho xe lưu thông trên từng tuyến đường, thay vì trước đây phải điện thoại chờ cảnh sát giao thông đến hiện trường điều chỉnh đèn tín hiệu.
Hơn nữa, từ trung tâm, các nhân viên đưa ra nhiều kịch bản điều tiết đèn tín hiệu giao thông để xử lý ùn tắc giao thông ở từng giao lộ.
Bên cạnh đó, từ dữ liệu GPS (giám sát hành trình) của 67.000 xe buýt, xe tải... trung tâm xác định được tốc độ xe lưu thông trên các tuyến đường, đưa lên cổng thông tin nhằm giúp người dân, các cơ quan tra cứu tình hình giao thông dễ dàng, từ đó chọn cung đường đi cho phù hợp.
Nhân viên Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn theo dõi các hoạt động trong đường hầm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tín hiệu đáng mừng
Dù vậy, vẫn còn đó những hoài nghi vào hiệu quả hoạt động của trung tâm này. Chị Nguyễn Hoàng Dung, một nhân viên văn phòng, cho biết vô cùng ngán ngẩm với tình hình giao thông tại TP.HCM, người mỗi ngày đi làm chứng kiến cảnh kẹt xe, ùn tắc dù "trước đó, TP cũng đã từng có một trung tâm điểu khiển 48 chốt đèn tín hiệu giao thông, nhưng không hiệu quả".
Một trong những sự cố giao thông mới đây là chuyện kẹt xe kéo dài khu vực cầu Sài Gòn (hướng từ Q.2 vào trung tâm TP) ngày 19-2, một ngày sau khi trung tâm này chính thức hoạt động. Nguyên nhân, theo ông Triết, do hệ thống giao thông khu vực trên chưa kết nối vào trung tâm giám sát nên quá trình xử lý sự cố còn chậm. Một khi được kết nối, việc xử lý sẽ nhanh chóng hơn.
Một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết từ khi cổng thông tin giao thông thông minh TP.HCM hoạt động, các thông tin đã giúp lực lượng này điều tiết và giảm ùn tắc nhanh chóng, hiệu quả hơn, nhất là vào các dịp lễ tết, tình hình giao thông tại nhiều khu vực cửa ngõ TP như Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất...
Nguồn: THU DUNG - Đồ họa: N.KH.
* TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):
Phải đồng bộ trên toàn TP
Trung tâm này hoạt động giúp ích rất nhiều cho TP trong quản lý giao thông, hạ tầng. Tuy vậy, cũng mới chỉ quản lý, giám sát được tình hình, diễn biến giao thông trên một số tuyến đường trung tâm, khu vực giao thông trọng điểm.
Không chỉ vậy, hiện nay, tại một số nơi, hệ thống camera đã cũ, xuống cấp... do vậy không áp dụng làm chứng cứ xử phạt được trong khi thời gian qua, có nhiều xe vào đường cấm, chở quá khối lượng, chạy sai làn... vì thế cần nâng cấp hệ thống camera hiện đại để có thể trích xuất dữ liệu xử phạt các trường hợp trên.
* TS Trần Quang Thắng (viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM):
Khuyến khích dân sử dụng nhiều hơn
Để phát huy tối đa tác dụng của trung tâm giao thông thông minh này, cần có những biện pháp tuyên truyền, khuyến khích người dân thường xuyên truy cập, sử dụng những thông tin do trung tâm cung cấp.
Ví dụ, mỗi người dân trước khi đi ra đường chỉ cần vào cổng thông tin giao thông truy cập xem tình hình giao thông ở điểm mà mình muốn đến. Căn cứ vào đó, người dân chọn lộ trình phù hợp, giảm kẹt xe, cũng như không làm mất thời gian của bản thân.
Tương tự, trên một số bảng thông tin điện tử trên đường, TP cũng có cập nhật thông tin giao thông nên chúng ta cần quan sát và đi đường sao cho hợp lý.
Ngoài ra, khi gặp các sự cố giao thông, người dân cũng có thể báo ngay về trung tâm giao thông để kiểm tra, xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận