02/12/2019 10:26 GMT+7

Những huy chương vàng tận cùng gian khổ

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC
HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC

TTO - Các cô gái - lại là các cô gái đã mang về những HCV đầu tiên cho thể thao VN ở SEA Games. Và ý nghĩa của những tấm huy chương ấy không chỉ đến từ sự mở màn cho một cơn "mưa vàng", mà ở những giọt nước mắt.

Những huy chương vàng tận cùng gian khổ - Ảnh 1.

Hạnh phúc vỡ òa của Vương Thị Huyền sau khi nâng thành công mức tổng cử 172kg - Ảnh: HUY ĐĂNG

Ngay từ khi chiếc tạ của lần cử giật 95kg thành công rơi xuống, những giọt nước mắt đã chảy tràn trên gương mặt Vương Thị Huyền. Cô đã kìm nén những giọt nước mắt ấy quá lâu. Chỉ hai tuần trước SEA Games 2019, bố của Huyền qua đời vì bạo bệnh.

Hai lần về muộn đại tang

Nửa năm trước, cái tên Vương Thị Huyền đột ngột chói sáng trong làng cử tạ VN với thành tích đoạt cùng lúc 3 HCV Giải vô địch châu Á. Khi ấy, nhiều người đã lặng đi khi nghe những bi kịch về cuộc đời cô gái Bắc Giang này. 

Năm 2012, khi đang tập luyện cùng đội tuyển, Huyền nghe tin báo mẹ mất vì bạo bệnh. Đến tận những ngày cuối đời, mẹ cô vẫn dặn dò mọi người đừng báo Huyền biết để cô chuyên tâm tập luyện. Trước thềm SEA Games 2019, khi còn khoảng một tuần là kết thúc chuyến tập huấn ở Trung Quốc, Huyền nhận tin cha đột ngột mất vì cảm nặng.

Nước mắt nhà vô địch

"Tôi không thể nhớ được cảm xúc của mình khi ấy là gì nữa. Tôi chỉ biết chắc rằng bố và mẹ tôi đều luôn ủng hộ, đặt niềm tin lớn vào tôi. Chuyến tập huấn chỉ còn vài ngày và nếu tôi bỏ dở rồi thất bại, bố và mẹ tôi trên trời sẽ rất buồn" - Huyền nghẹn ngào kể. 

Và rồi Huyền cắn răng hoàn thành tuần tập huấn cuối cùng, trước khi được ban huấn luyện đưa về quê nhà Bắc Giang.

Huyền không phải là một đô cử mang thần lực trời sinh. Ở SEA Games 2011, cô chỉ đạt hạng 4. Sự nghiệp của Huyền cũng không hanh thông khi nhiều kỳ SEA Games sau đó hạng cân của cô bị bỏ. Và SEA Games 2019 là cơ hội không thể bỏ qua với Huyền.

Từ lúc nâng thành công mức cử giật 95kg (tổng cử đạt 172kg), rồi vỡ òa vì đối thủ người Indonesia thất bại cho đến cả khi lãnh huy chương, trả lời phỏng vấn..., nước mắt của Huyền vẫn không ngừng tuôn ra. Tất cả những ai nghe về câu chuyện của Huyền đều thấu hiểu cho những giọt nước mắt ấy.

"Tôi muốn tặng tấm huy chương này cho người bố và người mẹ đã khuất của tôi" - Huyền nói.

Những huy chương vàng tận cùng gian khổ - Ảnh 2.

Như Quỳnh giành HCV đầu tiên cho đoàn TTVN tại SEA Games 30 - Ảnh: QUANG MINH

Khát khao của bà mẹ một con

Đinh Thị Như Quỳnh từng giành HCV nội dung băng đồng ở SEA Games 2011. Ở những kỳ SEA Games sau đó, Như Quỳnh lại không còn nhiều cơ hội để giành lại huy chương, khi chủ nhà Singapore (2015) và Malaysia (2017) bỏ nội dung băng đồng sở trường của cô. 

Cũng trong giai đoạn đó, cô gái sinh năm 1992 lập gia đình rồi sinh con. Những tưởng đó là hồi kết cho sự nghiệp của Như Quỳnh thì cô đã trở lại mạnh mẽ, bằng niềm đam mê và khao khát mãnh liệt.

Anh Nguyễn Văn Chính (thợ điện lạnh) - chồng Quỳnh - kể lại: "Lúc đó cuộc sống rất khó khăn. Nhưng sau khi sinh con, vợ tôi vẫn đam mê xe đạp nên tôi phải thuyết phục gia đình cho Quỳnh tiếp tục theo nghề. 

Vậy là vợ chồng tôi dắt díu nhau vào Bình Dương để Quỳnh đầu quân cho đội Cấp thoát nước - môi trường Bình Dương thi đấu... đường trường. Dù vậy, Quỳnh vẫn có thành tích tốt khi giành á quân Giải xe đạp nữ quốc tế Biwase 2017 và áo đỏ giải năm 2018".

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Sơn - HLV trưởng đội xe đạp địa hình VN - ngỏ lời thán phục cho ý chí của Quỳnh: "Tôi luôn e ngại khi phải nhìn các cô gái, đặc biệt là những người đã làm mẹ, thi đấu ở nội dung địa hình này với đường khúc khuỷu và nguy hiểm. Nhưng khát khao của Quỳnh rất lớn, cô chưa bao giờ tỏ ra e ngại nguy hiểm. Trước thềm SEA Games này, đội cũng đã xác định sẽ tập trung hỗ trợ tối đa để Quỳnh lấy vàng. Hơi khó khăn một chút khi đường đua năm nay rất khúc khuỷu, nước chủ nhà cũng chỉ cho chúng ta chạy thử một lần duy nhất".

Anh Chính cho biết vợ rất quyết tâm cho kỳ SEA Games năm nay. Từ khi tập trung đội tuyển hồi tháng 4, Quỳnh chưa một lần được về thăm con trai 5 tuổi. "Vợ tôi cũng rất nhớ con nhưng phải kiên cường theo đuổi đam mê của mình. 

Hôm nay xem Quỳnh thi đấu qua livestream của một người bạn, tôi vừa hồi hộp, vừa cảm nhận được sự quyết tâm của vợ trong từng vòng quay bánh xe bởi cô ấy đã phải chờ đợi rất lâu mới có cơ hội trở lại đấu trường SEA Games" - anh Chính kể.

Cử tạ và xe đạp địa hình là những môn thể thao vất vả vô cùng. Nhưng các nỗi khổ thể xác ấy cũng không thể sánh với những mất mát tinh thần mà Vương Thị Huyền cùng Đinh Thị Như Quỳnh đã phải trải qua. Một người phải bỏ lỡ hai lần đại tang, còn một người tạm hi sinh thiên chức làm mẹ. Đó thực sự là những HCV của tận cùng gian khổ.

Từng lập chiến công độc nhất vô nhị

Ở SEA Games 2011, Như Quỳnh được nhắc đến nhiều bởi một chiến công vào loại độc nhất vô nhị của lịch sử SEA Games: được trao HCV dù... chưa về đích.

HLV Nguyễn Đăng Sơn kể: "Năm đó ở Indonesia, thời tiết mưa gió quá lớn, ban tổ chức nhận thấy nếu còn đạp tiếp sẽ gây nguy hiểm cho VĐV. Theo luật thì có thể dừng cuộc đua sớm và trao HCV cho người dẫn đầu lúc đó. Vậy là Như Quỳnh giành vị trí số 1 chung cuộc dù mới đạp được hơn 1 vòng (cả thảy 5 vòng đua)".

Giành HCV thứ hai trong sự nghiệp, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ sắp tới cũng tươi sáng hơn. Anh Chính cho biết sau nhiều năm làm việc ở Bình Dương, anh và Quỳnh vẫn sống trong căn nhà trọ 14m2 tại TP Thủ Dầu Một.

Tuy nhiên, HLV Bành Chấn Quyền cho hay Công ty CP Nước - môi trường Bình Dương đã có chủ trương hỗ trợ hai vợ chồng mua nhà chung cư và có thể dọn vào ở sau SEA Games 30.

Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 30 ngày 1-12: Đoàn Việt Nam đứng nhì Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 30 ngày 1-12: Đoàn Việt Nam đứng nhì

TTO - Sau ngày thi đấu đầu tiên (1-12), Đoàn Thể thao Việt Nam xuất sắc giành được tổng cộng 32 huy chương, trong đó có 10 huy chương vàng, đứng vị trí thứ nhì trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 30.

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên