21/07/2011 06:48 GMT+7

Những hoa xương rồng trên cát

D.THANH - C.TƯỜNG - V.KỲ
D.THANH - C.TƯỜNG - V.KỲ

TT - Những học sinh nghèo miền biển hằng ngày vẫn nỗ lực vượt qua thử thách của số phận để hướng đến một tương lai tươi sáng.

KfFyEDtZ.jpgPhóng to

Nguyễn Triều Tiên bắt ốc kiếm tiền giúp gia đình đong gạo - Ảnh: CHÂU TƯỜNG

Các em được ví như những cây xương rồng dù sống trên cát nóng khắc nghiệt vẫn tươi tốt và nở hoa.

Quyết học giỏi để thoát nghèo

“Phải học!” - đó là mệnh lệnh mà Trần Thị Thu Dung (lớp 11TL4 Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) tự đặt ra cho mình.

Câu chuyện giữa chúng tôi với cô học trò xứ biển Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa) thỉnh thoảng lại ngắt quãng vì Dung nghẹn ngào khi kể chuyện mình. Khó ai có thể ngờ ngôi nhà cấp 4 trông tương đối khang trang ở làng biển này của gia đình Dung giờ đã bị cầm cố vì nợ nần của gia đình.

Gia đình không còn tiền bạc nên anh trai Dung là Trần Ngọc Tài, khi mới 14 tuổi, đang học lớp 8 và là học sinh khá, buộc phải nghỉ học để đi biển phụ giúp gia đình. Thương con gái nhỏ ốm yếu, ham học, ba má Dung cắn răng chịu “búa rìu” của các chủ nợ để con được tiếp tục đến trường. Đáp lại, Dung nỗ lực học thật giỏi để không bị cho... nghỉ học! Liên tục từ lớp 1 đến lớp 9 Dung đều là học sinh giỏi, giấy khen, giấy chứng nhận cháu ngoan Bác Hồ... treo kín góc học tập của cô học trò nhỏ nhắn này.

Lên THPT, Dung phải vào TP Tuy Hòa cách nhà 12km để học ở Trường THPT Nguyễn Huệ. Dung kể: “Em và ba người bạn cùng quê thuê chung một phòng trọ để học. Nhà ai cũng nghèo nên mỗi tuần một đứa chỉ đóng 20.000 đồng lo ăn uống”. Tôi không hình dung nổi với số tiền chỉ bằng một đĩa cơm bình dân thì Dung và hai người bạn sống như thế nào trong bảy ngày! Dù vậy, vượt qua mọi khó khăn, năm học rồi Dung vẫn học giỏi và đạt điểm bình quân 7,95.

Mùa hè này Dung về quê để đỡ đần ba má. Vì sức khỏe yếu nên Dung được “đặc cách” lo việc đi chợ, nấu ăn và chăm em nhỏ. Dung năn nỉ gia đình cho đi học thêm ba môn khối A để sau này thi vào đại học. Tiết kiệm tiền nhà, mỗi ngày Dung đạp xe vượt nắng gió 12km từ nhà vào TP Tuy Hòa học thêm, tối lại đạp xe vượt quãng đường đó về lại nhà. “Em quyết tâm phải học đỗ vào đại học ngành ngân hàng vì hi vọng có thể kiếm được tiền giúp ba má trả nợ và lo cho cuộc sống của mình” - Dung thổ lộ.

oucjOk27.jpgPhóng to

Trần Thị Thu Dung giúp mẹ lo công việc nội trợ - Ảnh: DUY THANH

Bắt ốc sau mỗi buổi học

Trên chiếc xe đạp mini cũ kỹ, Nguyễn Triều Tiên (học sinh lớp 7/5 Trường THCS Trần Phú, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) vượt con dốc ngược dẫn chúng tôi lên ngôi nhà tạm bợ nơi năm mẹ con em và bà ngoại đang sinh sống. Ngôi nhà chỉ rộng chừng 20m2 dựng tạm bằng liếp, ván, vỏ bao ximăng... trên mảnh đất của người bà con ở tổ dân phố Phú Sơn, P.Cam Phú (TP Cam Ranh) là nơi sinh sống của sáu con người.

Ba mất trong một tai nạn lao động khi Tiên mới lên 6, em gái lên 4 tuổi. Khi Tiên vào học lớp 2 mẹ đi bước nữa, Tiên có thêm hai đứa em. Nhưng sau đó cha dượng bỏ đi, một mình mẹ phải gồng gánh nuôi bốn đứa con thơ và mẹ già. Tiên kể: “Mẹ đi bắt ốc bữa có bữa không, những hôm nhà hết tiền đong gạo, em phải nhịn đói đi bộ hơn 1km để đến trường”. Năm Tiên vào lớp 4 đã biết theo mẹ ra biển bắt ốc sau mỗi buổi học. Đôi chân bé nhỏ ấy đã đi dọc bãi biển Cam Ranh không biết bao nhiêu lần để kiếm từng con ốc, con sò. Mùa hè, Tiên và em gái còn lên rẫy hái đào kiếm tiền. Ngày đi bắt ốc, ngày đi hái đào, Tiên không dám bỏ ngày nào vì “không làm thì không có tiền đong gạo cho các em”. Một ngày hai mẹ con làm từ sáng tới chiều cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng ăn qua ngày.

Cực khổ như vậy nhưng liên tục từ năm lớp 1 đến nay Tiên là học sinh giỏi. Cô học trò nhỏ mơ ước: “Em muốn học du lịch để mai mốt có điều kiện giới thiệu với bạn bè thế giới về vẻ đẹp của biển quê hương”. Cô Lê Thị Thanh Tùng - giáo viên chủ nhiệm lớp 7/5 - cho biết: “Tiên không chỉ vượt khó đến lớp mà với vai trò lớp phó học tập, Tiên còn giúp đỡ nhiều bạn học sinh yếu trong lớp học tốt hơn”.

Wj6fzRY2.jpgPhóng to
Ông Phạm Ngọc Lâm Ảnh: V.Hùng
Ông Phạm Ngọc Lâm (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải):

Khích lệ lòng yêu quê hương biển đảo trong các em

Là người đồng hành với báo Tuổi Trẻ ở chương trình học bổng này, tôi đánh giá rất cao ý nghĩa nhân văn sâu sắc của học bổng. Người dân ở biển đảo, đầu sóng ngọn gió luôn là người hi sinh thầm lặng, chịu nhiều thiệt thòi về vật chất lẫn tinh thần, việc học hành của con cái họ khó khăn.

Vì thế sự quan tâm, động viên kịp thời sẽ giúp các em không những tự tin vượt qua gian khó để vươn lên trong học tập, làm việc có ích cho gia đình và xã hội, mà còn khích lệ các em lòng yêu quê hương biển đảo, luôn gắn bó với biển đảo quê nhà của mình ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

D.THANH - C.TƯỜNG - V.KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên