19/09/2008 04:44 GMT+7

Những đường quyền vang tiếng

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Võ Bình Định từ lâu đã vang tiếng với những bài quyền độc đáo của các võ phái. Nhưng vang động nhất có lẽ là những đường quyền làm nên “huyền thoại” thời nay của võ sư Phan Thọ ở làng Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn): hai lần đánh thắng hai võ sư taekwondo của quân đội Nam Hàn thời chiến tranh.

Võ Bình Định - gìn giữ của báu

Kỳ 4:

IiVFTxdB.jpgPhóng to
Lão sư Phan Thọ với chiếc nanh con heo rừng ông đã hạ gục và chiếc vòng kim loại mà một võ sư Hàn Quốc biếu tặng, nhân dịp ông đấu thắng và dạy cho ông ta một số chiêu pháp võ Bình Định đầu năm 1999 - Ảnh: H.V.Mỹ
TT - Võ Bình Định từ lâu đã vang tiếng với những bài quyền độc đáo của các võ phái. Nhưng vang động nhất có lẽ là những đường quyền làm nên “huyền thoại” thời nay của võ sư Phan Thọ ở làng Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn): hai lần đánh thắng hai võ sư taekwondo của quân đội Nam Hàn thời chiến tranh.

Huyền thoại sống

Nghe tiếng người Bình Định giỏi võ cổ truyền, giữa năm 1969, trung úy võ sư Lee ở lữ đoàn Bạch Hổ trấn đóng trong vùng đã đề nghị được giao đấu với các võ sĩ địa phương. “Nói thật, tui dám ký vào sinh tử trạng - bản cam đoan thi đấu, sống nhờ chết chịu - cũng là bởi tui tin ở đường quyền tuyệt chiêu của võ phái An Vinh đất Tây Sơn mình. Nhiều người đã cản, khuyên tui đừng liều mà chết dại” - lão sư Thọ kể, lục hòm lấy ra cuốn tự truyện có ghi lại chuyện này.

Cả một đám đông chứng kiến trận đấu tại Trung tâm huấn luyện quân sự Phú Tài ai cũng toát mồ hôi vì những căng thẳng trên võ đài. Và rồi trước sự kinh ngạc của đối thủ và đám đông, người võ sư nặng chỉ 55kg đã thắng võ sư Lee to con lớn xác gấp rưỡi bằng những đường quyền điêu luyện. “Lee tấn công tui bằng những cú đá mạnh, liên hoàn, hiểm hóc nhằm hạ gục tui sớm. Tui chỉ thủ thế tránh né, theo dõi cước pháp của anh ta để tìm điểm yếu đặng ra đòn phản công. Huề ở hiệp 1, đến hiệp 2 nhân lúc Lee sơ hở khi tung cước đá liên hoàn, tui tấn sát tới theo bí quyết “tấn đả tam chiêu” (đánh tới ba cú liên tục) rồi theo thế “yến tử khuynh thân” (yến nhỏ nghiêng mình). Trúng đòn bất ngờ Lee ngã lăn ra sàn bất tỉnh một hồi lâu” - lão sư Thọ kể lại.

Không chịu được “mối hận” của phe mình, tháng 3-1970, võ sư thiếu tá Kim với ngũ đẳng huyền đai taekwondo lại đề nghị tổ chức thi đấu với các võ sư Bình Định tại TP Pleiku. Dù đã 45 tuổi, xác vóc nhỏ hơn nhiều so với đối thủ, võ sư Thọ vẫn tự tin lên đài trước hàng ngàn đôi mắt theo dõi với sự hồi hộp cực độ của cả hai phía. “Cũng như hồi đấu với Lee, ở hiệp đầu tui luôn tìm cách né đòn. Vậy mà có mấy lần tui bị trúng đòn, hổ khẩu bị tê cứng. Qua hiệp 2, Kim ra đòn quyết liệt để thắng tui cho rồi, nhưng đường quyền nhanh như chớp của võ Bình Định lúc nào cũng nhắm kẽ hở của đối thủ để ra đòn. Bởi vậy khi thấy chỗ hở của Kim, tui ra ngay đòn “độc xà thám nguyệt” (rắn độc dò ngắm trăng) làm Kim bổ nhào” - lão sư Thọ kể lại.

Tiếng tăm võ Bình Định có lẽ phần nào được các võ sư Lee và Kim truyền kể với các môn đệ của họ. Đầu năm 1999, với sự cho phép của Sở Thể dục thể thao tỉnh Bình Định, hai võ sĩ Hàn Quốc đã đến nhà võ sư Thọ xin học một số chiêu pháp. Có vẻ coi thường vị võ sư trông già yếu, lại tự mãn với xác vóc và công phu của mình, một trong hai võ sĩ đã xin được đấu thử với chính người dạy mình. Nhưng lần này lão sư Thọ đã đánh gục đối thủ từ những chiêu đầu. “Nó cúi đầu xin lỗi, rồi lấy tặng tui chiếc vòng mạ kim loại vàng. Tui đã dạy nó gần hai tuần” - lão sư Thọ nhắc lại “võ công” mới nhất của mình.

Vật kỷ niệm đầu tiên trong cuộc đời võ thuật của võ sư Thọ là chiếc răng nanh dài hơn một tấc của con heo một - heo rừng đực, luôn đi một mình - hung dữ mà ông đã hạ gục năm 1960 khi nó xuống phá ruộng mía của dân làng. “Con heo đó to khỏe quá chừng, tui quần với nó gần ba giờ liền. Không nhờ đường quyền bảo bối thì tui đã bị nó lấy mạng mất rồi. Nhưng hạ được nó tui phải nghỉ mấy ngày mới lại sức” - lão sư Thọ kể.

Những âm vang

Lão võ sư Trương Văn Cẩn, 95 tuổi - cha của lão võ sư Trương Văn Vịnh (70 tuổi) ở làng Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) - vẫn còn nhớ thời vang động của đường quyền võ phái miệt hạ nguồn của mình. Thời Pháp thuộc, dòng họ Trương nhà ông có hai võ sư nổi tiếng là Trương Hoàn và Trương Xuân Ba. Còn ở làng kề bên có võ sư Hà Trọng Sơn. Võ sư Sơn có biệt danh “hùm xám miền Trung” bởi quyền pháp vô địch qua các lần thi đấu.

“Vậy mà “hùm xám” Sơn lại đấu thua ông Trương Xuân Ba. Nhưng thua là thua tại cuộc thi thử sức ở làng, bởi hai ông không muốn người cùng võ phái lại lên đấu đài. Đường quyền nổi danh của ông Ba đã giành được “Cúp đồng đen” danh giá bậc nhất của cuộc thi võ toàn cõi Đông Dương thời ấy” - lão sư Cẩn kể. Niềm vinh dự về đường quyền tuyệt chiêu của võ phái này vẫn được duy trì đến nay: lão sư Trương Văn Vịnh được phong tặng danh vị đại danh sư tại Đại lễ quán khí đạo châu Âu lần 4 ở Ý và Romania tháng 10-2007 qua hai bài biểu diễn quyền và côn.

Sự vọng vang của những đường quyền “bửu bối” võ Bình Định nhiều khi có sự chu chuyển khá hấp dẫn. Lão sư Lâm Ngọc Phú ở làng An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) kể ông nội ông là môn đệ chính truyền của võ sư Hoa kiều Diệp Trường Phát - quen gọi là thầy Tàu Sáu, võ sư lừng danh một thời của Bình Định. Đường quyền có trong câu ca “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” của võ sư Tàu Sáu đã được võ sư Phú kế thừa. “Những giải thưởng cao mà tui cùng học trò nhận được ở các cuộc tranh tài chính là nhờ quyền thuật. Điều làm người Bình Định sướng lòng là những đường quyền nổi tiếng của võ Bình Định được người các nơi, cả ở nước ngoài, thán phục” - lão sư Phú nói. Và điều làm lão sư Phú cảm động là mới đây, hậu duệ của cố võ sư Tàu Sáu là nữ võ sư Diệp Lệ Bích - chưởng môn phái Bình Thái Đạo ở nước ngoài - trong dịp Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 đã về thăm võ đường của ông cũng như nhờ ông luyện côn, quyền An Thái cho một võ sư môn đệ của mình. “Mình vừa trả đạo cho thầy Tàu Sáu, lại thấy được tiếng vang quyền pháp của mình đặng giữ gìn tốt hơn” - lão sư Phú nói.

aJwGGYWC.jpgPhóng to
Võ sư Trương Văn Vịnh biểu diễn côn quyền ở Bucarest (Romania) trong Đại lễ quán khí đạo châu Âu lần 4 (10-2007), tại đây ông được tôn vinh là đại danh sư - Ảnh tư liệu
Theo các lão võ sư Bình Định, một trong những quyền thuật độc đáo của Tây Sơn tam kiệt được truyền đến nay là “hùng kê quyền” của Nguyễn Lữ. Được rút ra từ các đòn thế của đôi gà chọi nhau, hùng kê quyền nặng về quan sát đối thủ để né tránh rồi tung đòn kịp lúc vào đối phương. Với các đòn thế “yến tử khuynh thân” - yến nhỏ nghiêng mình,“hải để tầm châu” - tìm ngọc đáy biển, người dùng hùng kê quyền biết nghiêng hay hạ thấp thân người để kịp né đòn rồi lựa lúc tấn đánh từ dưới lên, thường vào chỗ hiểm yếu của đối thủ để chiến thắng.

Còn đại danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu (chồng của đại đô đốc Bùi Thị Xuân) có “tứ hải quyền” có thể “đánh cọp giữa rừng xanh” nhờ xông xáo được cả bốn phía tiền-hậu, tả-hữu. Với đòn thế “độc xà thám nguyệt” - rắn độc dò ngắm trăng, được tung chớp nhoáng ngay trong lúc vừa ngước dò xét đối thủ, quyền thuật này làm đối thủ không kịp trở tay khi bị điểm vào chỗ hiểm - thường ở vùng hạ bộ.

-----------------

Vậy mà những đường quyền, những bài bản, chiêu pháp đậm dấu ấn lẫy lừng của người xưa nơi mấy vị võ sư già đếm không đủ đầu một bàn tay này vẫn chưa được ai tiếp nhận hết. “Cái vốn” võ Bình Định đã không được truyền lại hết.

Kỳ tới: Băn khoăn vốn cũ hụt dần

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên