![]() |
Hãy tạo điều kiện cho trẻ gần gũi với ông bà |
Đó là những đêm đầy sao, chúng tôi mang chiếu ra thềm nhà ngắm trăng, sao và nghe bà kể chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh rồi thiu thiu ngủ trong tiếng ru hời của bà khi nào không hay. Đó là những lần bà xoa dầu cho tôi khi tôi bị mẹ đánh đòn vì tội bỏ nhà đi chơi rong, rồi bà còn mang cơm ra sau cây rơm, nơi tôi trốn cho tôi ăn để kịp đi học buổi chiều.
Đó là khi bà xoa đầu tấm tắc khen tôi thật khéo khi lùa đàn bò về chuồng, con nào con nấy no căng để rồi hôm sau tôi lại hăng hái lùa bò ra đồng sớm hơn, cố tìm những đám cỏ tốt tươi hơn… Những kỷ niệm về bà như thế đã ăn sâu trong ký ức tuổi thơ tôi. Mỗi lần kể lại cho cô bé, tôi lại nhìn thấy trong mắt em nỗi ao ước về một tuổi thơ bên bà nội như thế. Có lần em ngây thơ nhìn tôi và băn khoăn: “Thế ông bà nội của em có như thế không hở chị?”.
Tôi đem nỗi băn khoăn đó nói với mẹ cô bé. Chị tâm sự: “Tôi quê ở Đà Nẵng, anh ấy ở Lai Châu. Chúng tôi đến Hà Nội rồi lập nghiệp, lập gia đình luôn ở đây. Từ khi sinh đến bây giờ cháu gái mới được về quê có một lần. Khi ấy là hai tuổi nên cháu chưa có ý niệm gì về ông bà. Bố mẹ anh ấy già quá rồi nên không thể lên thăm cháu, còn bố tôi thì bị liệt nửa người nên phải có mẹ thường xuyên ở bên cạnh để chăm sóc, bà không đành để ông một mình ra ngoài này thăm cháu. Vì thế ông bà chỉ biết cháu qua lời kể của chúng tôi. Rất nhiều lần hai vợ chồng dự định thu xếp cho con về quê nhưng việc nọ đuổi việc kia, đến nay cháu lên lớp bốn rồi mà vẫn chưa thực hiện được. Con gái tôi, mỗi lần xem phim hay đọc sách thấy hình ảnh ông bà trong phim lại hỏi chúng tôi ông bà của nó như thế nào”.
Với chị, chí ít chị còn cảm thấy day dứt và tự trách mình đã không tạo điều kiện để con cái được gần gũi thân thiết với ông bà. Nhưng với không ít gia đình, nhất là ở những gia đình trẻ, dường như các ông bố, bà mẹ không quan tâm đến sự thiếu hụt này.
Trường hợp của một gia đình cùng khu tập thể với tôi có thể coi là một ví dụ: Đứa con trai năm tuổi của họ đã giãy nãy khi bố mẹ ”bắt” nó phải ở nhà với một người lạ hoắc lạ huơ mà nó phải gọi là “bà”. Nó hoàn toàn không có một khái niệm nào về ông, về bà như những đứa trẻ xung quanh. Nhiều lần mẹ anh ở quê lên có ý giúp đỡ con dâu và chăm cháu, nhưng cô con dâu khó tính, ngại ở với mẹ chồng đã dằn dỗi chồng, làm mình làm mẩy buộc bà phải về quê.
Thằng bé được giao phó cho người giúp việc. Từ cho ăn, tắm rửa đến ru ngủ. Đến tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo, những khi ở quê có dịp giỗ chạp, anh chị có mang thằng bé về nhưng nó cũng chẳng được rời tay bố mẹ lấy một phút. Đợt này bà nội nó lên Hà Nội chữa bệnh một thời gian, bà nghĩ đây là dịp được làm thân với cháu nhưng xem chừng khó quá, hễ thấy bà lại gần bắt chuyện là nó lại lẩn đi. Dễ hiểu vì sao hôm nay nó đã phản ứng như thế khi biết bố mẹ để nó ở nhà một mình với bà.
Thằng bé con chị họ tôi cũng vậy. Mới học cấp một nhưng bố mẹ nó đã sắp kín lịch học cho nó. Hết học ở trường, học ở nhà cô giáo lại còn thuê gia sư về nhà. Mùa hè còn học thêm đàn, tiếng Anh. Nó không quan tâm đến việc ngoài bố mẹ ra nó cũng có ông bà như mọi người. Bố mẹ nó cũng có ý cho nó về quê xả hơi nhưng suy tính lại thấy tiếc thời gian nên cứ hết mùa hè này lại nấn ná đến dịp Tết khác.
Cho đến một lần, vì mong gặp cháu quá, ông nó lặn lội hơn 500 cây số lên thăm cháu. Thằng bé thấy hoàn toàn xa lạ trước một người có giọng nói ”nhà quê không chịu được”. Nó không cảm nhận được mối tình cảm thân thuộc nào mà còn “sờ sợ thế nào ấy” khi cụ ông tỏ vẻ gần gũi với nó. Nó không quen có ông. Không biết làm thế nào để tiếp cận được với cháu, ông nó hết xem ti vi, đọc báo rồi đi ra đi vào, ngán ngẩm lại trở về quê - đem nỗi buồn tủi kể với bà của nó và cả hai ông bà đều ngao ngán không hiểu nổi “đứa cháu thành phố” của mình.
Khái niệm về người ông, người bà ngày càng nhạt mờ dần trong bọn trẻ - những đứa trẻ có ông bà ở quê. Dẫn đến tình trạng này do sự thiếu sót của bố mẹ chúng. Bởi vậy bù đắp sự thiếu hụt này không ai khác chính là các bậc làm bố, làm mẹ. Khi ông bà và cháu ít có cơ hội gần gũi nhau thì bố mẹ - những người trung gian - phải tạo một mối liên hệ giữa ông bà và các cháu. Chẳng hạn thường xuyên kể chuyện về ông bà cho các con, liên lạc qua điện thoại hoặc cho các con viết thư về thăm hỏi để chúng làm quen và gắn bó dần với ông bà, để biết ông bà là người như thế nào, đang sống cuộc sống ra sao. Vào các dịp Tết, nghỉ hè, biết cách thu xếp đưa con về quê. Đừng để các em thiếu hụt và cảm thấy không có nhu cầu một phần tình cảm thiêng liêng và không thể thiếu trong mỗi con người như thế.
Trong nhịp sống hối hả, những bữa cơm gia đình, sự lắng nghe - chia sẻ giữa con cái và cha mẹ dường như ngày càng ít đi. Có những lời cha mẹ muốn gửi đến con, có những suy nghĩ con muốn gửi đến cha mẹ, những tưởng là điều đơn giản mà hóa ra lại khó… Chuyên mục Nếp nhà của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn đọc chuyển tải, sẻ chia bao điều với những người thân thương nhất trong cuộc sống của bạn, qua các nội dung mới sau đây: - Viết cho con: Bạn hãy gửi đến Tuổi Trẻ Online những câu chuyện, những nhắn gửi, tâm sự bạn muốn nói cho con. - Dạy con: Phụ huynh cùng chia sẻ những cách dạy con (Tuổi Trẻ Online sẽ có nhận xét của chuyên gia sau đó). - Suy nghĩ của con: Những tâm tình mà con cái muốn gửi đến cha mẹ. Thư từ, bài vở cộng tác xin gửi về online@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn, xin ghi rõ: Bài cộng tác mục Nếp nhà. Những bài chọn đăng sẽ có nhuận bút. TTO |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận