21/08/2016 08:50 GMT+7

Những đứa trẻ bị bỏ rơi 
ở Bệnh viện Đắk Lắk

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)
THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)

TTO - Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk có nhiều đứa trẻ mới sinh bị cha mẹ bỏ rơi. Những đứa trẻ ấy được các y tá, bác sĩ nuôi nấng và được coi là con chung...

Bắp được một cô y tá dỗ giấc ngủ - Ảnh: B.D.
Bắp được một cô y tá dỗ giấc ngủ - Ảnh: B.D.

Thôi, biết làm sao giờ, cha mẹ cháu không nuôi thì anh em mình phải nuôi chứ không thể để cháu bơ vơ được

BS Hoàng Ngọc Anh Tuấn

9g sáng, dãy nhà phía sau của khoa hồi sức cấp cứu nhi sơ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk chật kín người. Trong căn phòng nhỏ nơi đặt bàn ghi danh, điều dưỡng Phương Anh vừa đón tiếp bệnh nhân vừa bế trên tay một đứa trẻ chỉ mới vài tháng tuổi lắc đi lắc lại. “Ngoan nào, con yên cho các mẹ làm việc, bú sữa đi rồi ngủ ngon nhé con”. Đứa trẻ bỗng im lặng, mắt lim dim rồi ngáp ngủ trong cánh tay nữ điều dưỡng trẻ.

Chuyện của Bi và Bo

Lật hồ sơ ra, bác sĩ Lê Đình Nhân - phó khoa hồi sức cấp cứu nhi - đọc vanh vách thông tin hai đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi đang được các bác sĩ nuôi nấng từ nhiều tháng nay. “13g ngày 2-6, Bi được đưa vào khoa hồi sức cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp độ 3, nhiễm trùng sơ sinh, sinh non 30 tuần và cân nặng 1,6kg. Hồ sơ tiếp nhận thể hiện mẹ của Bi chỉ khai tên Lan, trú tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Nghề nghiệp không rõ.

Tiếp đó, lúc 21g ngày 26-6 khoa tiếp tục tiếp nhận Bo. Là một bé trai, con mẹ Thảo, trú tại TP Buôn Ma Thuột. Bo cũng bị suy hô hấp độ 3, sinh non, cân nặng 1,8kg. Đáng lo hơn, Bo có biểu hiện của viêm võng mạc trẻ sơ sinh, cần phải chuyển viện phẫu thuật gấp nếu không sẽ bị mù vĩnh viễn”.

Bác sĩ Nhân cho biết Bo và Bi là hai cái tên “cúng cơm” mà các y tá, bác sĩ trong khoa tự đặt. Sau khi được đưa từ khoa sản xuống khoa hồi sức cấp cứu, mẹ của Bi đã biệt tăm tích.

“Trưa hôm ấy tôi tới chỗ phòng khám, thấy Bi nằm chèo queo, các bác sĩ thì đang túi bụi vì bệnh nhân quá đông. Linh tính rằng có thể mẹ đã bỏ cháu nên tôi bốc máy điện thoại thì mẹ cháu trả lời: “Tôi để con lại đó vì tôi không nuôi được, cháu ra sao là tùy bác sĩ”. Tôi báo cáo cho bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn - trưởng khoa. Bác sĩ Tuấn bảo: Thôi, biết làm sao giờ, cha mẹ cháu không nuôi thì anh em mình phải nuôi chứ không thể để cháu bơ vơ được” - bác sĩ Nhân kể.

Nhiều điều dưỡng tại khoa hồi sức cấp cứu nhi cho biết những ngày đầu ở bệnh viện, phần vì đau yếu, sinh non, lại thiếu mẹ nên Bi khóc quấy cả ngày lẫn đêm. Tất cả các y bác sĩ tự nguyện góp tiền đi mua bỉm, lấy tiền túi đi mua sữa, thay nhau tắm rửa chăm sóc Bi như đó chính là con mình. Nhưng vất vả chưa dừng lại ở đây, đúng 24 ngày sau, các bác sĩ lại tiếp tục nhận nuôi một đứa trẻ khác, đứa trẻ ấy được đặt tên là Bo.

Hai đứa trẻ vốn không máu mủ, sinh cách nhau gần cả tháng trời nhưng lại chung một câu chuyện buồn. Mẹ của Bo cũng lẳng lặng bỏ đi sau khi biết con mình mắc bệnh tật từ lúc mới sinh ra. “Đến giờ chúng tôi cũng không biết mẹ của Bo làm gì, nhiều hôm chúng tôi thấy cháu khóc quá, cần hơi ấm mẹ nhưng gọi vào số điện thoại mẹ Thảo (mẹ của Bo khai trong hồ sơ) thì số không liên lạc được” - một điều dưỡng nói.

Khoa hồi sức cấp cứu nhi là một trong những khoa lớn và quá tải từ nhiều năm nay. Các điều dưỡng, y tá cho biết để có thể vừa lo công việc vừa nuôi sống hai đứa trẻ bị bỏ rơi, các y bác sĩ gần như phải túc trực 24/24 giờ.

“Cực nhất là lúc các cháu mới được chuyển xuống, vừa nhỏ yếu lại bệnh tật nên tụi em phải thức trắng đêm canh cho hai cháu ngủ. Phòng lúc nào cũng phải có bốn người túc trực, tụi em hầu hết chưa có gia đình, chưa một lần sinh con nhưng cũng phải tập làm cha mẹ để chăm hai cháu. Thay tã, rồi pha sữa, ru cho hai cháu ngủ” - điều dưỡng viên Phương Anh kể.

Chuyện của Bắp

Bi, Bo không phải là hai trẻ duy nhất được nhận nuôi tại khoa hồi sức cấp cứu nhi, mà trước đó còn có một vài trẻ khác. Bác sĩ Nhân cho biết có những đứa trẻ khi được đưa tới khoa, khoảnh khắc sống chết chỉ trong gang tấc, nhưng sau vài tuần được cứu chữa, ôm ấp, những đứa trẻ ấy đỏ da trở lại, lớn rất nhanh và nhận ra các bác sĩ khi tới thay tã, cho bú sữa. Trong số ấy có những đứa trẻ sau khi có người tới nhận nuôi, cha mẹ nuôi đã lấy tên của y bác sĩ để đặt cho các cháu.

Tháng 11-2015, khoa hồi sức cấp cứu nhi tiếp nhận một trẻ sinh non, nhiễm trùng huyết từ một người mẹ chuyển tới. Người mẹ ấy nói rằng mình ở huyện vùng xa, trót mang bầu. Khi sinh nở, cô gái mới tròn 16 tuổi. Ngày nhập viện, sau cơn ngất lịm, người mẹ ấy tỉnh dậy mà không có người thân thích. Các bác sĩ bảo rằng đứa trẻ sinh ra nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan. Chỉ sau vài giờ nhập vào khoa hồi sức cấp cứu nhi, người mẹ lầm lỡ ấy đã im lặng rời phòng mổ mà không để lại một dòng tin tức nào.

Không thể để đứa trẻ chết non vì bệnh tật, đau yếu, không người thân thích, trưởng khoa Hoàng Ngọc Anh Tuấn đã tổ chức một cuộc phát động nhỏ trong toàn thể khoa, huy động các y bác sĩ chung tay. Đó là những ngày giáp tết, bệnh nhân đông nghịt nhưng phòng của các cán bộ khoa lúc nào cũng chộn rộn. Người mang tới bộ quần áo, người mang tã giấy, có người đem tới đồ chơi cho trẻ con...

Tất cả im lặng quyên góp và tự bảo nhau thay người thân thích nuôi đứa trẻ bất hạnh ấy lớn. Đứa bé được thống nhất đặt tên là “Bắp”. Từ nay Bắp là con chung của cả khoa. “Đêm đón giao thừa, tôi và bác sĩ trưởng khoa đến chỗ Bắp nằm, sau một tháng từ ngày đưa vô viện Bắp đã thoát khỏi nguy kịch. Bắp nằm ngủ say sưa, da hồng hào trở lại, hai má bụ bẫm và đáng yêu vô cùng. Thương lắm. Tôi lì xì cho cháu 50.000 đồng. Bác sĩ Tuấn cũng lì xì 50.000 đồng. Mấy y bác sĩ cũng xúm lại lì xì rồi giành nhau bế Bắp. Cả khoa bỗng vui lạ thường trong không khí căng thẳng ngột ngạt” - bác sĩ Nhân kể.

Tháng 3-2016, Bắp tròn 4,5 tháng thì có tới hàng chục người đến xin nhận nuôi Bắp. Các bác sĩ làm thủ tục theo quy định rồi lựa chọn. Một cặp vợ chồng hiếm muộn được chọn làm cha mẹ Bắp.

“Với bệnh lý như Bắp mà sống được và bụ bẫm là sự tiến bộ rất nhanh. Chăm sóc cháu mấy tháng trời ai cũng thương, cả đêm hôm trực bệnh, rồi mổ căng thẳng nhưng thấy nó quấy khóc “e e” là mọi người xúm vào bế. Lúc trao cháu cho cha mẹ nuôi, cả khoa ai cũng khóc. Mọi người xúm vô chụp hình rồi post lên Facebook. Không ai cầm được nước mắt vì thương cháu” - điều dưỡng viên Thảo Lành kể. Quý mến tình cảm của y bác sĩ, Bắp được cha mẹ nuôi đặt tên theo tên phó khoa Lê Đình Nhân. “Giờ cuối tuần tụi em vẫn kéo nhau tới thăm cháu. Nó đẹp trai và béo ú lắm” - chị Lành nói.

2 đứa bé trên chiếc nôi di động

Bi, Bo nằm trong xe nôi được các bác sĩ, y tá đẩy đi để tiện vừa chăm sóc vừa làm việc - Ảnh: B.D.
Bi, Bo nằm trong xe nôi được các bác sĩ, y tá đẩy đi để tiện vừa chăm sóc vừa làm việc - Ảnh: B.D.

Ngày chúng tôi vào thăm Bo, Bi, hai đứa trẻ đã nhích qua được trên 2,5kg. Bo, Bi được đặt cẩn thận, ấm áp trong một chiếc nôi có bánh xe đẩy để tiện cho các bác sĩ chăm sóc, bế đi khi đón tiếp bệnh nhân. Trên chiếc nôi đẩy ấy lúc nào cũng sẵn hai bình sữa nóng ấm, chỉ cần nghe tiếng khóc là ngay lập tức có người tới bế, cho bú sữa. Bên cạnh giường bệnh là nhiều búp bê, đồ chơi được các y bác sĩ mua, mang từ nhà tới để làm đồ chơi cho Bi, Bo khi lớn.

“Bi đang bị võng mạc, có nguy cơ mù nếu không được phẫu thuật. Chúng tôi đang chuẩn bị đưa cháu đi TP.HCM, y tá sẽ trực tiếp đưa cháu đi mổ, thay cha mẹ yêu thương cháu cho tới khi nào có người nhận nuôi” - bác sĩ Nhân nói.

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên