21/03/2017 15:30 GMT+7

​Những điều cần biết về bệnh khô mắt

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Đồng Nai

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra khô mắt thường gặp.

Nước mắt gồm 3 thành phần cơ bản hợp thành là lớp nhầy, lớp nước và lớp dầu. Nước mắt cung cấp và duy trì độ ẩm, có tác dụng bôi trơn, giữ vững thị lực và tạo cảm giác dễ chịu. Nước mắt là sự kết hợp của nước, ẩm, dầu nhờn, nhầy, kháng thể và đặc biệt có tác dụng chống nhiễm trùng; khi hệ thống này mất cân bằng có thể dẫn đến khô mắt.

Khô mắt là tình trạng thường thấy của bệnh nhân khi đến khám ở bác sĩ chuyên khoa. Với 2 dạng bệnh là cảm giác khô rát mắt do thiếu nước mắt hoặc ở dạng bệnh nhân chảy nước mắt quá nhiều.

Các triệu chứng đầu tiên của bệnh khô mắt là cảm giác như có vật trong mắt, cộm mắt, ngứa mắt, thấy khó chịu ở mắt, mỏi và nặng mi mắt, nóng mắt, đỏ, tấy vùng mắt. Khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng, đau nhức và bỏng rát thoáng qua. Sau đó mắt sẽ có biểu hiện đỏ và sưng tấy ở vùng kết mạc.

Các nguyên nhân gây khô mắt thường gặp

 - Viêm bờ mi: làm nước bốc hơi nhanh hơn, những chất thải của sự nhiễm khuẩn gây đỏ mắt mãn, kích thích mắt thường xuyên.

 - Có thói quen không tốt trong sinh hoạt hàng ngày như ngồi lâu bên máy vi tính, xem tivi quá nhiều. Tuy tuyến lệ vẫn tiết ra nước mắt nhưng do mắt phải nhìn lâu không chớp hoặc ít chớp, nước mắt không được "tưới" thường xuyên để làm ướt và bôi trơn nhãn cầu.

- Do công việc phải tiếp xúc thường xuyên với các loại bụi, khói độc, máy điều hòa (máy lạnh), quạt máy, hơi nóng tử ngoại và ánh sáng chói chang (đi trên tuyết trắng hay sa mạc).

- Thay đổi nội tiết tố nữ: gặp ở phụ nữ mang thai, mãn kinh.

- Chức năng của tuyến lệ bị suy giảm do tình trạng lão hóa chung của cơ thể: từ tuổi trung niên, lượng nước mắt tiết ra giảm 50% so với thời trẻ.

- Thiếu vitamin A ở trẻ em: biểu hiện đầu tiên thường là khô mắt. Sau đó, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị viêm loét giác mạc, thị lực kém dần rồi mù hẳn.

- Mắc các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus đỏ, bệnh tuyến giáp.

- Dùng một số loại thuốc như thuốc kháng histamin, thiabendazol, thuốc gây mê toàn thân.

Phòng ngừa và điều trị

Khi có triệu chứng khô mắt, bệnh nhân cần đến bác sĩ ngay để khám và có hướng điều trị thích hợp. Dùng thuốc điều trị khô mắt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều trị các bệnh viêm nhiễm ở bờ mi. Không nên dụi tay vào mi mắt vì động tác này dễ gây xước kết mạc, nếu có bụi bám ở lớp nông trên bề mặt nhãn cầu, nên để nó tự trôi ra theo dung dịch rửa mắt và chớp mắt.

Mỗi khi đi đường nên đeo kính để bảo vệ mắt khỏi bụi, côn trùng. Khi sử dụng máy vi tính, sau 45 – 60 phút nên nghỉ ngơi 5 – 10 phút, nhìn xa để giảm điều tiết mắt. Nên đặt máy tính thấp hơn tầm mắt, ở tư thế này sẽ cho phép mi trên ở vị trí thấp và phủ nhiều hơn trên bề mặt mắt, góp phần làm giảm sự bốc hơi của phim nước mắt.

Nghỉ giải lao để thư giãn mắt trong thời gian đọc sách, xem ti vi. Trời mùa hè không nên bật quạt to thổi thẳng vào mặt vì sẽ gây khô mắt.

Ngoài ra cần bổ sung uống viên omega 3, ăn cá hồi, cá ngừ, đậu bắp, trái cây… để đôi mắt được khỏe, đẹp và hạn chế khô mắt. 

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên