29/12/2017 13:10 GMT+7

Những điều cần biết về bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu

Nguồn: Sở Y tế Khánh Hòa
Nguồn: Sở Y tế Khánh Hòa

Trong số bệnh lý tim mạch thường gặp huyết khối tĩnh mạch sâu đứng hàng thứ ba sau nhồi máu cơ tim và sốc.

Những điều cần biết về bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: aven.com.vn

Huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) là tình trạng có cục huyết khối ở tĩnh mạch sâu. Tỷ lệ mắc mới HKTMS trong cộng đồng chiếm khoảng 160/100.000 dân; người cao tuổi có tỷ lệ HKTMS chiếm đến 35%. Bệnh HKTMS thường xảy ra ở hệ tĩnh mạch sâu bắp chân hoặc đùi. Nếu không được điều trị đúng, gần 20% HKTMS sẽ lan rộng sang các tĩnh mạch lớn và có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng nguy hiểm là thuyên tắc phổi đến 50%.

Yếu tố nguy cơ gây ra HKTMS do phẫu thuật hay chấn thương vùng chậu hoặc chi dưới; nằm liệt giường trên 3 ngày hoặc phẫu thuật lớn trong vòng 4 tuần; liệt hay bất động; bệnh ung thư và hóa trị liệu; thai kỳ, hậu sản; béo phì; ngồi bất động lâu do đi tàu xe, máy bay trên 8 giờ; bệnh dãn tĩnh mạch hoặc có tiền sử huyết khối tĩnh mạch nông; điều trị bằng estrogen, progesterone. Bệnh Buerger (viêm tắc mạch huyết khối) là một bệnh hiếm gặp của động mạch và tĩnh mạch của chi trên và chi dưới.

Trên lâm sàng có những dấu hiệu không đặc hiệu như chân sưng, ấm, da mềm đỏ căng khu trú dọc tĩnh mạch so với bên chân bình thường, ấn lõm. Tuần hoàn bàng hệ tĩnh mạch nông. Chân có thể đau và màu xanh do tắc hoàn toàn tĩnh mạch chậu đùi.

Đánh giá điểm nguy cơ dự đoán lâm sàng khả năng huyết khối tĩnh mạch sâu bằng bảng điểm WELLS. Bao gồm sưng toàn bộ chân (1 điểm); bắp chân sưng > 3cm so với chân không triệu chứng (1 điểm); phù ấn lõm (1 điểm); tuần hoàn bàng hệ tĩnh mạch nông (1 điểm); vừa mới nằm liệt giường > 3 ngày hoặc phẫu thuật lớn trong vòng 4 tuần (1 điểm); liệt, yếu, bất động chi dưới (1 điểm); ung thư đang tiến triển (đang điều trị trong vòng 6 tháng) (1 điểm). Nếu ≥ 3 điểm là nguy cơ cao, trung bình là 1-2 điểm và nguy cơ thấp khi ≤ 0 điểm.

Các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng gồm các xét nghiệm như định lượng D-dimer; siêu âm doppler tĩnh mạch; cộng hưởng từ MRI, CT xoắn ốc, chụp tĩnh mạch có cản quang...

Điều trị HKTMS biện pháp không dùng thuốc là người bệnh cần nghỉ ngơi, kê chân cao khi nằm, vận động sớm. Người bệnh tập chi dưới bằng cách cử động các ngón chân để kéo dãn các cơ ở phần thấp cẳng chân và thư giãn, sau đó đưa cao bàn chân về phía đầu ở tư thế nằm. Bài tập này rất cần thiết cho những người phải nằm lâu ở một tư thế nào đó.

Nếu phải ngồi lâu trên 4-8 giờ trên máy bay chẳng hạn, cứ mỗi 2 giờ nên đứng dậy và đi lại, làm một số động tác vận động chân mỗi 20 phút; sử dụng vớ ép, uống nước đủ và tránh rượu, cà phê. Người sau phẫu thuật, chấn thương cần rời giường sớm.

Cần sử dụng vớ ép (vớ áp lực, vớ thun dãn, vớ y khoa) cho những người có nguy cơ cao, đây là phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả. Chỉ có người có bệnh thiếu máu chi dưới không mang được vớ ép này. Đối với biện pháp điều trị dùng thuốc gồm thuốc tiêm và thuốc uống, người bệnh cần theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Để phòng bệnh HKTMS chúng ta cần lưu ý thường xuyên tập thể dục, giảm cân chống béo phì và không hút thuốc lá.

Nguồn: Sở Y tế Khánh Hòa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên