21/10/2016 08:39 GMT+7

Những cuộc đời buồn trong lũ lụt

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Bốn ngày sau lũ, nhưng ngôi nhà bé tẹo của chị Trương Thị Hiển vẫn đầy rều rác, củi vụn chất chồng lên như một thành lũy...

Chị Nguyễn Thị Hồng trước mảnh vườn xác xơ và chuồng heo bị lũ quét sập - Ảnh: L.Đ.DỤC
Chị Nguyễn Thị Hồng trước mảnh vườn xác xơ và chuồng heo bị lũ quét sập - Ảnh: L.Đ.DỤC

Lâu ni ở được là nhờ có rặng tre đó nó dày, cản được nước, còn lũ bây giờ nhổ luôn cả tre cuốn quăng ra giữa đồng. Mùa lũ này cuốn tre xong thì mùa lũ sau chắc sẽ cuốn cả nhà...

Chị NGUYỄN THỊ HỒNG

Muốn vào nhà chị Hiển phải đi vòng qua phía đống rác thấp hơn và trèo qua mớ rác rều ấy. Nhưng không chỉ ngôi nhà chị Hiển  (ở đội 1, thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) phải đối mặt với hậu quả của trận lũ như vậy, ngay cạnh nhà chị là nhà chị Ngô Thị Hương và cạnh nhà chị Hương là nhà chị Nguyễn Thị Hồng cũng trong tình cảnh tương tự.

Không hiểu sao cả ba người phụ nữ sống cạnh nhau, từng có một tổ ấm và rồi bây giờ cả ba đều là những bà mẹ đơn thân hoặc góa bụa.

Phận đời buồn tủi...

Sau trận lụt, trong khi những ngôi nhà có đàn ông làm rường cột thì việc dọn bùn, dẹp rác được xử lý ngay lúc lũ rút thì cả mấy người phụ nữ ở góc thôn Lâm Lang này chỉ bất lực ngồi nhìn sự ngổn ngang, hoang tàn đổ nát của nhà cửa, vườn tược và... khóc!

Chị Hiển kể hai đứa con của chị, đứa lớn 20 tuổi đang đi làm thuê ở Sài Gòn, đứa con nhỏ 14 tuổi đang gửi nhờ nhà người dì nuôi, còn chị về thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) làm ôsin cho người ta.

Nghe tin lụt, chưa kịp xin phép chủ về nhà thì Ba Đồn cũng lụt. Mãi đến hôm kia, đường sá vừa thông thì chị mới theo xe lên làng.

Ngôi nhà bé tẹo lợp fibro ximăng của chị đã nghiêng xiêu, giữa vườn là một cái cột biển báo bằng sắt hình tam giác sơn tín hiệu giao thông bằng hai màu đỏ và vàng bị dòng nước lũ nhổ ở đâu đó trôi về và cắm sừng sững giữa đám bùn non trong vườn nhà chị, trông vừa buồn cười vừa thê thiết.

Nhìn qua bên vườn nhà chị Hương có tiếng lao xao, mãi đến chiều nay, các bạn bè trong lớp 12A10 của Hồng Nam - con gái chị - mới tập hợp nhau đến giúp hai mẹ con dọn dẹp.

Ngôi nhà chị Hương cũng không khác nhà chị Hiển, tuềnh toàng trống trải bởi nghe lũ lên chỉ kịp chạy cứu mình chứ đâu nghĩ chi chuyện đồ đạc.

Cô giáo Ánh Tuyết, chủ nhiệm lớp của con gái chị, đang cắt đặt công việc cho nhóm học sinh đến giúp bạn. Lớp bùn non dày mấy tấc được các em cào đống và chở đi đổ lấp xuống những hố sâu trong vườn do nước lũ xói xuống.

Nếu không có mấy chục bạn học của con gái dọn giúp cho như thế, không biết đến khi nào chị Hương mới có thể dọn xong.

Ngồi bệt bên hiên nhà, vuốt ve hai chú chó con như chút gia tài còn lại sau lũ, chị nói như khóc: “Ba nó bỏ đi lâu rồi, nhà còn hai mạ con, cứ mỗi mùa lụt là sợ lắm. Không biết đến mùa lụt mô thì bị trôi hết đây!”.

Ngôi nhà khá nhất trong ba căn nhà của cái xóm góa bụa này là nhà chị Hồng.

Chồng mất từ 20 năm trước, một mình chị nuôi hai đứa con trai, đứa lớn nay đang đi làm thuê ở Sài Gòn, đứa thứ hai học trung cấp hàng hải ở Hải Phòng, nghe quê lụt vội đón xe về lo cho mẹ, nhưng tới Ba Đồn cũng bị kẹt lụt mấy ngày dưới đó, mãi chiều qua mới lên tới nhà.

Ngồi thụp bên cái chuồng heo đã bị một cây gỗ trôi theo lũ gạt đổ cả cái chuồng như một nhát chém, những ngổn ngang tre pheo và bùn non vùi kín khu vườn dường như quá sức với chị.

Và chị lại tủi thân, lại khóc!

Chỉ tay ra rặng tre xơ xác sát bờ sông, chị bảo: “Lâu ni ở được là nhờ có rặng tre đó nó dày, cản được nước, còn lũ bây giờ nhổ luôn cả tre cuốn quăng ra giữa đồng. Mùa lũ này cuốn tre xong thì mùa lũ sau chắc sẽ cuốn cả nhà...”.

Tôi buột miệng: “Không che chắn được thì lũ sông Gianh sẽ cuốn trôi hết như cuốn phăng nhà anh Huynh hồi lụt 2007 vậy!”.

Ngôi nhà chị Trương Thị Hiển vẫn ngổn ngang rác rều vây quanh - Ảnh: L.Đ.DỤC
Ngôi nhà chị Trương Thị Hiển vẫn ngổn ngang rác rều vây quanh - Ảnh: L.Đ.DỤC

Mong manh bên sông Gianh

Chị Hồng ngạc nhiên: “Chú cũng biết nhà anh Huynh”. “Vâng, lụt 2007 tôi có lên đây, khi đang đưa tang hai vợ chồng anh Huynh, lúc đó xác con gái anh chưa tìm thấy”.

Đúng là cái xóm nhỏ đầu thôn Lâm Lang này không hề lạ với tôi. Mùa lũ 2007 cũng được coi là lũ lịch sử với dân Châu Hóa.

Ngôi nhà anh Ngô Khắc Huynh ở ngay phía sau vườn nhà chị Hồng bị lũ sông Gianh ào về trong đêm, cuốn phăng không dấu vết, chỉ trơ lại nền nhà.

Anh Huynh và vợ anh, chị Trương Thị Tuyết, cùng con gái tên Trang bị lũ cuốn. Hai con gái khác, Dung và Huyền, may bám vào khúc gỗ nên thoát chết.

Bao nhiêu năm đi làm về lũ lụt ở bên dòng sông Gianh này, trong tôi không chỉ có ký ức đau thương về cái chết của gia đình anh Huynh như vừa kể.

Ven sông Gianh, cũng một mùa lũ xa hơn, năm 2004, tôi đã về để viết về chị Trần Thị Mai ở xã Phù Hóa - người mẹ đã lao thuyền ra giữa lũ cứu người - người được cứu nhưng chị lại chết. Hay vụ lật thuyền sáng 30 tết năm 2009 ở xã Quảng Hải cũng trên sông Gianh.

Về Châu Hóa lần này, tôi có ý tìm đến cái nền nhà cũ của anh Huynh nhưng không còn ai ở đó. Trên nền nhà cũ là một ngôi nhà xây tạm, bây giờ lại có một đôi vợ chồng trẻ đang sống, họ cũng có ba cô con gái.

Người chồng - Nguyễn Như Minh - đang ngồi súc rửa máy chiếc xe, nhớt đen chảy lênh láng. Anh Minh bảo: “Khi anh Huynh chết được một năm thì vợ chồng em thấy nhà để không nên xin về đây ở. Đến hôm kia mới biết cái chỗ này một khi sông Gianh lũ thì nó chảy kinh hoàng cỡ nào”.

Từ sân nhà anh Huynh nhìn ra cánh đồng trước mặt, rất nhiều bụi tre um tùm bị lũ bứng nguyên gốc quẳng ra ngổn ngang, vài người dân đang tranh thủ đốn tre từ những bụi tre bị lũ cuốn ấy để về sửa lại nhà cửa.

Đi một vòng men bờ sông Gianh dọc theo thôn Lâm Lang xã Châu Hóa, nhìn lũy tre bảo vệ cho làng bị xé xơ xác rồi nhìn những ngôi nhà của những người phụ nữ đơn thân, góa bụa nằm chơ vơ bên triền sông này chợt thấy sự sinh tồn sao quá mong manh.

Mơ ngôi nhà an toàn hơn

Trước khi rời Châu Hóa, mấy anh em trong nhóm cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào vùng lũ của báo Tuổi Trẻ hội ý với nhau: Cũng sắp đến ngày 20-10, Ngày phụ nữ Việt Nam, không biết cả ba bà mẹ nghèo góa bụa bên sông Gianh này đã có bao giờ nhận được hoa tặng.

Nhưng bây giờ cần hơn hoa, chúng tôi gửi tới ba chị một món tiền nhỏ, không phải là “cứu trợ” mà như một món quà cho các chị trong ngày 20-10.

Còn nếu mơ ước, giá có thể tìm cách để xây cho những bà mẹ này những ngôi nhà ở một địa điểm an toàn hơn, không thể ở ngay bên sông như hiện nay.

Bởi cứ mùa lũ về lại ngập lên nóc, các chị đã không có bờ vai đàn ông để bảo vệ, mà lũy tre bảo vệ mảnh vườn và ngôi nhà của các chị cũng đã bị lũ cuốn xác xơ, xác xơ như những cuộc đời buồn...

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên