18/10/2016 08:24 GMT+7

Bài học cũ từ thảm cảnh lũ lụt

NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)
NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)

TTO - Tình trạng lũ lụt kinh hoàng ở các tỉnh Bắc Trung bộ mới đây dù được mổ xẻ ở góc độ nào cũng dẫn đến những bài học không mới nhưng rất cần “học lại” để lo cho tương lai.

*** Error ***
Nước dâng ngập nóc nhà một gia đình ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, người dân phải ở tạm trên phao  - Ảnh: DOÃN HÒA

Những trận mưa dồn dập gây ra lũ lụt nghiêm trọng đã ập xuống người dân 5 tỉnh miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Chưa thể thống kê được đầy đủ thiệt hại nhưng tính đến ngày 17-10 đã có 21 người chết, 8 người mất tích, hơn 100.000 nhà dân bị ngập, hư hỏng vì trận lũ lụt lịch sử này.

Phân tích, mổ xẻ về tình trạng này sẽ thấy nổi lên ba “bài học xương máu” là: để mất rừng tự nhiên, làm thủy điện tràn lan và xả lũ bừa bãi, chủ quan và thiếu chủ động trong việc phòng chống bão lũ.

Mất rừng và cây trồng không cản nước

Tại Việt Nam cũng như cả thế giới, không ai phủ nhận bài học nếu để mất rừng tự nhiên sẽ làm cho lũ lụt thêm trầm trọng.

Độ che phủ rừng tự nhiên bị thu hẹp nhanh chóng đồng nghĩa với việc không còn rừng để cản nước và giữ nước, làm chậm tốc độ gom chảy hay nói cách khác là cùng một lượng mưa như cũ thì lũ sẽ đổ về nhanh hơn và dâng cao hơn đối với địa bàn không còn rừng.

Như ở 5 tỉnh Bắc Trung bộ nơi đang xảy ra lũ lụt lớn, diện tích rừng tự nhiên ở những vùng rừng cực giàu miền tây Nghệ An như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn hay chạy dọc Đông Trường Sơn từ Quảng Bình đến Khe Sanh (Quảng Trị) phần lớn đã bị xóa sổ trong mấy chục năm qua.

Người viết bài này từng có thời gian làm việc trong ngành điều tra quy hoạch rừng, chúng tôi thường nói đùa mà thật với nhau rằng “ngành lâm nghiệp ta đã cơ bản hoàn thành kế hoạch phá rừng!”.

Tiếc rằng, cho đến tận bây giờ, dù đã có lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ, cơn lốc phá rừng vẫn chưa dừng lại, diện tích rừng tự nhiên vẫn tiếp tục bị thu hẹp.

Trong khi đó, diện tích rừng trồng vốn đã ít lại hầu hết trồng cây thông lá kim (không có tác dụng giữ nước), cây keo lá tràm, keo tai tượng (chỉ vài tuổi là khai thác làm nguyên liệu giấy, làm gỗ dăm xuất khẩu) hay bạch đàn (loại cây làm nghèo kiệt đất)...

Hơn nửa thế kỷ qua, nước ta chỉ quan tâm nhập khẩu kỹ thuật, giống cây giá trị sinh thái và kinh tế không cao nói trên và “bỏ quên” hàng trăm giống cây rừng nhiệt đới vốn đã thích nghi khí hậu thổ nhưỡng, có tác dụng giữ nước, cản lũ rất tốt và có giá trị kinh tế rất cao.

Nói thẳng ra, trái ngược với những con số báo cáo thành tích hay quyết toán kinh phí trồng rừng của các lâm trường, ban quản lý bảo vệ rừng, nhà máy thủy điện, các đơn vị quản lý ngành nông lâm nghiệp, thực tế rừng tự nhiên ở Việt Nam cơ bản không còn bao nhiêu, lũ lụt không xuất hiện mới là chuyện lạ?!

Đe dọa của những “quả bom nước”

Bài học thứ hai là việc xây dựng thủy điện thiếu cơ sở khoa học vững chắc cũng góp phần gây ra lũ lụt lớn ở miền Trung.

Chuyện này đã được các chuyên gia chứng minh khi liên tiếp xảy ra lũ “khủng” ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai... mấy năm trước, nay đã lặp lại ở tỉnh Hà Tĩnh với “thủ phạm” được điểm mặt là thủy điện Hố Hô.

Cũng không phải là đúc kết mới, việc làm thủy điện tràn lan, thậm chí nhiều bậc thang trên một hệ thống sông, phá rừng làm hồ tích nước, xả lũ để cứu đập, cứu nhà máy bất chấp hàng vạn hộ dân dưới hạ du ắt dẫn đến hậu quả thật khó lường.

Cũng chưa có số liệu nào tính toán xem giữa lợi nhuận mang lại do các nhà máy thủy điện xây dựng dày đặc với thiệt hại do lũ lụt gây ra ở các tỉnh miền Trung, cái nào lớn hơn, nhưng có một điều đã rõ là “những quả bom nước khổng lồ” ở các nhà máy thủy điện đang treo trên đầu hàng vạn hộ dân miền Trung, đe dọa cuộc sống, sản xuất của họ.

Một bài học không mới nữa từ thực trạng thiên tai tại miền Trung thuộc về những khiếm khuyết trong việc chuẩn bị đối phó hiệu quả với bão lũ.

Ngoại trừ số ít căn nhà nổi do người dân tự làm ở vùng rốn lũ Tân Hóa, Quảng Bình, phải chăng những chương trình xây dựng nhà tránh lũ tập thể hay dự án hỗ trợ dân làm nhà kiên cố, nhà 2 tầng khởi xướng ồn ào mấy năm trước ở miền Trung đã bị lãng quên?

Cũng không thể đổ lỗi cho thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh phí. Bởi nếu các địa phương và cả nước bớt đầu tư những công trình trụ sở, quảng trường - tượng đài, “cổng chào thế kỷ” ngàn tỉ hay những nhà máy thép, phân đạm, sơ xợi... “đắp chiếu” bỏ hoang và cả “dàn xe công” dư thừa tới những 7.000 chiếc... thì dư sức có tiền biến những “giấc mơ sống chung với lũ” của người dân miền Trung thành hiện thực.

“Cả nước đang chung tay hướng về đồng bào miền Trung bị lũ lụt hoành hành và sự hỗ trợ vật chất và tinh thần cho dân lúc này là rất cấp thiết.

Tuy nhiên, điều cần thiết lâu dài là phải có những giải pháp thật sự bảo đảm hạn chế thiệt hại do bão lũ vốn được cảnh báo sẽ ngày càng gay gắt hơn song hành với biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét

 
NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên