18/09/2018 11:40 GMT+7

Những con chữ mở lại tâm hồn - Kỳ cuối: Dạy chữ để phục thiện

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Công việc dạy học ở trại giam rất khác so với những lớp xóa mù chữ bên ngoài. Ở đó, thầy cô giáo - cán bộ trại giam phải vượt qua được rào cản tâm lý khi đứng lớp dạy cho học trò là những người bị xã hội ác cảm, xa lánh.

Những con chữ mở lại tâm hồn - Kỳ cuối: Dạy chữ để phục thiện - Ảnh 1.

“Cô giáo” Trần Thị Diễm Thi kể về công việc dạy chữ cho phạm nhân - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Mục tiêu dạy học cho phạm nhân cũng khác với dạy ở trường, đó là vừa dạy chữ, vừa dạy cách phục thiện.

Dạy xóa mù chữ đầy áp lực

Qua nhiều vị trí công tác như bảo vệ, cán bộ quản giáo, cán bộ trực trại, trinh sát..., từ năm 2012 đến nay, anh Nguyễn Ngọc Lâm, cán bộ trại giam Xuân Lộc (Xuân Lộc, Đồng Nai), chuyển sang làm công tác giáo dục cho phạm nhân. 

Cũng được tập huấn nghiệp vụ sư phạm, nhưng với anh còn có may mắn nữa khi vợ anh là giáo viên Trường tiểu học Xuân Trường (Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). "Học nghề" từ vợ và sẵn có đam mê nghề giáo nên anh Lâm dành hết tâm huyết dạy chữ cho phạm nhân dù đây là công việc vô cùng khó khăn, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm.

Anh Lâm chia sẻ: "Dạy xóa mù chữ nghe qua thì thấy đơn giản nhưng áp lực vô cùng. "Học trò" mình ở nhiều lứa tuổi khác nhau, họ có tư tưởng bất cần đời nên hướng dẫn họ không phải dễ. Nhiều phạm nhân có mặt nhưng không học gì cả. Có người học được một thời gian thì bỏ lửng do không tiếp thu nổi. Nếu không nhẹ nhàng, ân cần, kiên nhẫn thuyết phục thì cũng sẽ bỏ dạy thôi. Để họ biết đọc, biết viết, biết làm toán thì phải xuống tận bàn học hướng dẫn cặn kẽ từng người mới có kết quả".

Một trong những "học trò" mà anh Lâm ấn tượng nhất là N.T.E.. Phạm nhân này bị kết án chung thân về tội giết người và thụ án tại trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên E. không ăn năn cải tạo, đã không biết chữ lại thường xuyên vi phạm nội quy. E. được chuyển qua trại giam Xuân Lộc nhưng vẫn chứng nào tật nấy.

Anh Lâm âm thầm tìm hiểu về gia đình, về người mẹ và cả những nỗi lòng ẩn chứa bên trong mà phạm nhân này luôn giấu. 

Anh Lâm kể: "Sau khi hiểu hết đời tư của E., tôi tâm sự cảm hóa không phải là giữa cán bộ với phạm nhân, mà là giữa hai con người ngang vai với nhau, vì phải "mềm" mới "nắn" được. Rồi tôi kể về gia đình mình để khơi cho phạm nhân cũng nói về gia đình. Tôi cũng kể cho E. nghe nỗi nhớ mong, khát khao của người mẹ ở quê mong đọc được lá thư của con mình viết biết chừng nào. Câu chuyện ấy đã chạm vào trái tim E.. Từ hôm đó trở đi, E. thay đổi hẳn". 

E. đã chịu khó học và rất tin tưởng "thầy giáo" Lâm. Từ chỗ không biết chữ, bây giờ E. đã đọc vanh vách và viết được bản kiểm điểm theo quy định trại giam. Kết thúc 6 tháng học xóa mù chữ, E. được xếp loại cải tạo khá.

Điều khiến anh Lâm day dứt mãi là trường hợp của phạm nhân N.N.H. khi anh H. đã mãn hạn tù về với gia đình mà vẫn chưa biết chữ. 

Nhắc chuyện này, anh Lâm nuối tiếc: "H. liên tục vi phạm, chống đối lao động, đánh nhau, không học nên bị kỷ luật giam riêng mãi đến khi kết thúc khóa học. Nhìn H. ra về mà tôi áy náy vô cùng vì mình chưa làm tốt trách nhiệm của một cán bộ giáo dục, rồi tự nhủ sẽ phấn đấu để cảm hóa được nhiều phạm nhân hơn, để không một phạm nhân nào như H. nữa. Mong rằng khi trở về nhà, H. sẽ học chữ để chí ít cũng viết được tên của mình".

Tình người sau bài giảng

Tiết dạy của "cô giáo" Trần Thị Diễm Thi (trại giam Thủ Đức, Hàm Tân, Bình Thuận) luôn được phạm nhân chờ đợi. Hội trường đang ồn ào bỗng dưng im phăng phắc khi "cô giáo" Thi bước vào. Không phải họ sợ cô giáo áo xanh có dáng người nhỏ nhắn này, mà là trân trọng từng phút giây được nghe cô nói chuyện sau bài giảng xóa mù chữ.

"Cô giáo" Thi công tác ở Cơ sở giáo dục Cồn Cát (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) được 7 năm thì chuyển về dạy xóa mù chữ ở trại giam Thủ Đức. Mới gắn bó với nơi này 5 năm nhưng chị rất được phạm nhân nể trọng và yêu mến. 

Chị tâm sự: "Những ngày đầu tôi mất nhiều thời gian để nói chuyện với phạm nhân hơn là đi vào nội dung dạy học. Dù là đang thụ án, nhưng nếu mình tôn trọng và quan tâm chân thành, họ sẽ tin tưởng, khi đó việc giáo dục, cảm hóa họ sẽ đạt được kết quả cao. Tôi đến lớp dạy bằng tình cảm là chính, vừa mềm mỏng vừa nguyên tắc. Phạm nhân cảm thấy rất thoải mái khi học chữ". 

Những câu chuyện tình người sau bài giảng đã "biến" những "con ngựa bất kham" nhất cũng yêu thích việc đến lớp, nhẫn nại tập viết từng chữ cái, từng con số.

Điều đặc biệt nữa là "học trò" của "cô giáo" Thi rất chăm học, bài tập về nhà làm không thiếu một câu. Mỗi khi được điểm 10, họ cũng nhảy cẫng lên vui mừng như đứa trẻ lớp 1. "Có người gặp riêng tôi và xin mang bài kiểm tra điểm 10 về để làm kỷ niệm. Trong môi trường này, phạm nhân gọi thầy cô giáo là cán bộ. Bất giác họ gọi từ "cô" khiến tôi giật mình. Nhìn thấy họ yêu quý bài vở, điểm số, ham thích học chữ, trân quý kết quả đạt được, tôi hạnh phúc lắm" - chị Thi tâm sự.

Anh N.A.T. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), từng là phạm nhân thụ án tại trại giam Thủ Đức vì tội trộm cắp, cho biết khi lầm đường lạc lối thì anh mù chữ. Vào trại, anh cũng không chịu học vì cho rằng không biết chữ cũng... không chết. Nhưng kể từ khi được "cô giáo" Thi cảm hóa, anh đã đến lớp học hành đàng hoàng và thay đổi rất nhiều về tư tưởng. 

"Sau khi ra trại, tôi xin việc ở một cửa hàng photocopy được hai năm nay. Công việc cũng ổn định, thu nhập đủ sống. Hồi trước không chịu học, không biết chữ thì không biết sau khi ra trại tôi sẽ ra sao nữa" - anh T. nói.

Đại tá Vũ Trung Kiên (đội trưởng đội giáo dục hồ sơ, trại giam Thủ Đức) cho biết: “Cán bộ giáo dục là những người thầy không chỉ đứng trên bục giảng mà còn làm rất nhiều việc, lo cho phạm nhân từ ăn mặc, răn đe uốn nắn nề nếp, phổ biến nội quy trại giam, dạy họ kỹ năng sống, xếp loại... Đó là chưa kể những khó khăn trong nghề.

Ai cũng hiểu mọi diễn biến tâm lý của phạm nhân rất khó nắm bắt. Thế nhưng những cán bộ giáo dục bằng tình yêu nghề, yêu người đã cảm hóa và rèn họ đi vào quy củ, chấp hành tốt nội quy và phấn đấu phục thiện”.

nguyenngoclam

“Thầy giáo” Nguyễn Ngọc Lâm trên bục giảng lớp xóa mù chữ - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Mong ngày về chốn yêu thương

Sa ngã có năm bảy đường, nhưng đường hoàn lương chỉ có một, những người lầm đường lạc lối ở hai trại giam mà chúng tôi có dịp tiếp xúc cho thấy họ đang nỗ lực cải tạo để hoàn lương, về với gia đình - nơi có đầy ắp tình yêu thương đang chờ đón họ.

Phạm nhân N.H.Đ.T. (25 tuổi, Tây Ninh) nhập trại được 3 năm trong mức án phạt 19 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. T. nói rằng vì sự bồng bột của tuổi trẻ và vì giận chuyện rạn vỡ của cha mẹ nên sa ngã.

Tương lai là giảng đường ĐH tươi sáng đang ở trước mặt vụt biến mất trong chớp mắt, khi T. cùng bạn trai lao vào con đường phạm pháp để... "nuôi sống" tình yêu.

Vào tù, T. được giáo dục, cảm hóa nên rất hối hận.

"Mơ ước lớn nhất của tôi là được trở về với gia đình, với cha mẹ, được đi chợ cùng mẹ, phụ giúp việc nhà để bù đắp tạ lỗi khoảng thời gian không biết cách yêu thương cha mẹ, chạy trốn nước mắt của gia đình để sống theo sở thích. Tôi cũng mong có cơ hội trở lại giảng đường nhưng có lẽ điều đó quá xa vời. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng vì dù sao cũng còn một chốn yêu thương để quay về làm lại cuộc đời" - T. tâm sự.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên