![]() |
Phó giám đốc Tấn Phong hướng dẫn cho công nhân - Ảnh: K.Nguyễn |
Kỳ 1: Không ai tẻ nhạt trên đời Kỳ 2: Anh em nhà “chín tấc”Kỳ 3: Làm đẹp cho đời
Nghệ nhân tự học
Tôi chưa bao giờ mặc cảm về hình thể của mình. Nghĩ đến những người phải ngồi xe lăn, những người phải nằm một chỗ, những người không nghe, không nhìn thấy được, tôi cảm thấy mình may mắn hơn họ nhiều lắm |
Mới 16 tuổi, Phong xin đi làm công tại một cơ sở sản xuất thuốc lá ở Hậu Giang để tự nuôi thân và phụ giúp thêm mấy anh em trong nhà. 18 tuổi, anh xin về cơ sở sản xuất gạch ngói của ông Năm Vàng (Hồ Văn Vàng). Anh bắt đầu với vị trí của một công nhân kiêm tạp dịch, có việc gì làm việc đó: kéo xe, bưng chậu lên xe, đưa gạch ra, vô lò… Chỉ một thời gian ngắn sau Phong được “thăng chức” tổ trưởng, quản lý một nhóm người cao hơn hẳn mình mấy chục centimet. Đó không phải là chuyện bất ngờ hay quá sức với anh. Khi còn là thợ một cơ sở sản xuất thuốc lá, nhờ khả năng nắm bắt nhanh và thông minh, anh cũng từng phụ trách phần kỹ thuật pha chế. Chỉ sau một tháng thử việc, anh được đưa lên làm quản lý 60 công nhân.
Mấy năm sau tình hình sản xuất gạch ngói gặp nhiều khó khăn. Ông Năm Vàng liền tổ chức cho một nhóm sáu người, trong đó có Phong, đến những cơ sở, công ty lân cận làm gốm mỹ nghệ để học hỏi kinh nghiệm sản xuất gốm. Phong cũng được tham gia một số lớp dạy nghề của tỉnh Vĩnh Long để nâng cao tay nghề kỹ thuật.
Năm 1999, cơ sở gạch ngói Năm Vàng phát triển thành công ty sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Anh được đưa lên làm phó giám đốc kỹ thuật kiêm điều hành Công ty TNHH sản xuất và thương mại Năm Vàng. Ông Lê Hồng Quang - chánh văn phòng công ty - nói về người cộng sự có vóc dáng đặc biệt của mình: “Phong làm việc rất năng nổ và yêu nghề. Đặc biệt cậu ấy có khả năng quản lý, điều hành rất tốt (giám sát 180-250 công nhân). Đó là người sắc sảo trong cách điều động và sử dụng nhân lực”.
Mái tóc của người đàn ông mới bước qua tuổi 39 đã lấm chấm những sợi bạc. Hơn 12 năm làm về gốm, kinh nghiệm của Phong sắc nhạy và tinh tế đến mức sản phẩm bị lỗi như thế nào, ở đâu, anh biết ngay nguyên nhân và chỉnh sửa chính xác. “Trong ngành gốm, những người có kinh nghiệm về kỹ thuật chuyên môn sâu như Phong không nhiều. Chỉ cần nhìn màu sắc sản phẩm đã biết được ngay nhiệt độ là bao nhiêu. Cậu ấy nhìn lửa trong lò sẽ biết ngay sản phẩm chín hay chưa, còn non hay đạt, có chụm thêm trấu hay bít kín lò lại” - ông Quang nói.
Anh em công nhân đều nể phục “ông sếp tí hon” của mình trong công việc cũng như cuộc sống. Thân hình nhỏ nhưng trí tuệ, năng lực của anh không nhỏ tí nào, nhiều đồng nghiệp nhận xét về Phong như vậy. “Tôi quý nhất ở anh Phong là sự vui vẻ, nhiệt tình chỉ dẫn và gần gũi với người dưới mình. Cách truyền đạt của ảnh ngắn gọn, dễ hiểu, vừa nói vừa thao tác ngay tại chỗ nên tiếp thu nhanh lắm” - Võ Hồng Sơn, người đã làm việc với Phong bảy năm, nói.
“Tôi là người bình thường”
![]() |
Tấn Phong bên con gái. “Con mình chỉ học nửa ngày nên thời gian còn lại vào đây học nghề” - anh nói - Ảnh: K.Nguyễn |
Lịch làm việc hằng ngày của phó giám đốc Phong kín mít. Sáng họp với ban giám đốc, triển khai công việc hằng ngày cho 14 tổ trưởng, làm việc với các nhóm kỹ thuật, hướng dẫn trực tiếp cho công nhân tại chỗ, quản lý và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong khu vực sản xuất gốm (rộng hơn 10.000m2)… Anh di chuyển xa theo guồng xoáy của công việc bằng chiếc xe đạp rất bình dân và đặc biệt.
Câu chuyện tình yêu, tìm “nàng Bạch Tuyết” của Phong cũng giống như câu chuyện có hậu trong cổ tích. Khi đi làm trong một cơ sở sản xuất thuốc lá, anh gặp chị Trinh (sinh năm 1973), cũng người Đồng Tháp. Trinh cao 1,6m, hơn hẳn Phong một cái lưng. Lúc đó Trinh là công nhân, Phong là quản lý. Cô gái hiền lành, đôn hậu đã cảm phục và dần dần yêu mến người thanh niên vóc dáng nhỏ bé nhưng thông minh, nhanh nhẹn. Anh nhớ lại: “Chắc gia đình Trinh thấy mình siêng năng, thật thà nên thương mà không phản đối”.
Vậy là đám cưới của “chú lùn” và “nàng Bạch Tuyết” diễn ra như trong mơ với sự tham dự đông đảo của họ hàng hai bên. Vượt qua những cách biệt về vóc dáng cũng như không ít định kiến của những người xung quanh, họ đã sống với nhau rất hạnh phúc. Năm nay con gái lớn của họ đã 19 tuổi, con trai út 16 tuổi. Anh nói: “Điều tôi hãnh diện nhất trong đời là có được người vợ hiền lành, vui vẻ và đảm đang. Vợ chồng tôi có hai đứa con cao ráo, khỏe mạnh và rất ngoan. Đó là động lực để tôi sống và làm việc. Tôi luôn dạy hai con phải ráng học thật tốt, đừng để thất học như cha ngày xưa”.
Những lúc rảnh rỗi Phong chăm chú theo dõi bản tin thời sự hoặc nhào vô bếp phụ vợ. Anh cười rất tươi khi nhận mình là người khá đảm đang bếp núc. Kích thước mọi vật dụng trong nhà anh vẫn bình thường. Anh nói: “Tôi không muốn mình là người tạo nên sự khác biệt và buộc những người xung quanh phải chịu sự khác biệt đó. Trong cuộc sống tôi luôn nghĩ mình là người bình thường, cái gì người ta làm được thì mình cũng làm được. Nói thật là tôi chưa bao giờ mặc cảm về hình thể của mình. Nghĩ đến những người phải ngồi xe lăn, những người phải nằm một chỗ, những người không nghe, không nhìn thấy được, tôi cảm thấy mình may mắn hơn họ nhiều lắm”.
____________________
Ở phố Hàng Cót (Hà Nội) có một hàng nước chè mang tên khá ngộ nghĩnh: “Đi khắp muôn nơi”. Chủ của nó - chú lùn cao 1,1m - hôm leo lên đỉnh Phanxipăng đã viết lên tảng đá: “Chú lùn đi khắp muôn nơi đã đến đây”.
Kỳ tới: Chú lùn đi khắp muôn nơi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận