Từ chủ trương này, đến nay đã có 39 công trình cầu đường được sửa chữa, ba cầu mới được xây dựng và một số khu dân cư đã được kéo điện... với tổng kinh phí hơn 3,5 tỉ đồng vốn ngân sách cùng hơn 1 tỉ đồng vận động xã hội hóa.
Phóng to |
Cầu bắc qua kênh Xẻo Trích ở thị trấn Châu Hưng được người dân địa phương gọi là cầu “hội đồng nhân dân” - Ảnh: Chí Quốc |
Nhiều người dân trong tỉnh vẫn thường gọi những chiếc cầu được sửa chữa và xây mới như trên là cầu “hội đồng nhân dân”. Những chiếc cầu này họ đã phản ảnh, kiến nghị nhiều năm liền với đại biểu HĐND nhưng vẫn cứ bặt vô âm tín, song từ giữa năm 2012 kiến nghị này được giải quyết ngay.
Ông Trịnh Văn Hưởng, một người dân ở ấp Xẻo Trích, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, chỉ tay về hướng chiếc cầu bắc qua kênh Xẻo Trích cách nhà ông chừng vài chục mét, nói: “Có cây cầu vài chục mét cho dân qua lại nhưng nhiều năm liền kiến nghị mấy ổng hứa không à, có làm được gì đâu. Vậy mà đợt tiếp xúc giữa năm rồi tôi phản ảnh thì không bao lâu cầu được làm ngay. Bà con ở đây vui mừng quá”.
Ông Hồ Văn Sở, chủ tịch UBND thị trấn Châu Hưng, cho biết sau khi tổ đại biểu HĐND ghi nhận kiến nghị của dân và thống nhất giao cho xã làm chủ đầu tư, công trình này được xã cho xúc tiến thực hiện ngay với tổng kinh phí 139 triệu đồng. “Bức xúc của dân xã đều biết nhưng ngân sách hạn chế, được đại biểu HĐND hỗ trợ cũng quý” - ông Sở nói.
Còn tại xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi), ông Dương Minh Luận - chủ tịch UBND xã - cho biết trước đây chỉ vì chiếc cầu bắc tại ngã ba Miễu Hội có độ tĩnh không quá thấp (dưới 2m) nên thương lái không thể đưa ghe qua cầu này vào ấp Bắc Hưng mua lúa của dân. Muốn bán lúa, bà con phải dùng xuồng chuyển lúa ra ghe của thương lái khiến chi phí đội lên nên dân rất bức xúc. “Nâng độ tĩnh không cầu khoảng 50 triệu đồng nhưng nguồn vốn được phân bổ duy tu sửa chữa cầu đường hằng năm của xã chỉ có 150 triệu đồng mà phải rải đều cho 60 cầu và hàng trăm kilômet đường trên toàn địa bàn nên xã không nâng cầu được. Khi nghe dân phản ảnh, tổ đại biểu HĐND đồng ý hỗ trợ 50 triệu đồng thì chúng tôi xúc tiến làm ngay, chỉ hơn nửa tháng là xong và bây giờ độ tĩnh không khoảng 2,3m, ghe mua lúa ra vào bình thường” - ông Luận nói.
Bà Lê Hồng Thu, ủy viên thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu, cho biết chủ trương ứng kinh phí này được thực hiện từ giữa năm 2012, do nguồn vốn được tạm ứng có hạn nên sẽ chọn những công trình bức xúc nhất để giải quyết trước. Với những công trình có vốn đầu tư trên 100 triệu đồng, tổ đại biểu HĐND dùng “vốn mồi”, một phần do người dân đóng góp, còn công trình dưới 100 triệu đồng thì dân không cần đóng góp.
Theo bà Thu, việc làm này là sự vận dụng linh hoạt nhưng đảm bảo không trái luật. Theo đó, UBND tỉnh cho ngân sách huyện tạm ứng trước số tiền 500 triệu đồng để khi đại biểu HĐND thống nhất công trình nào thì huyện chi cho xã thực hiện ngay, cuối năm sẽ làm thủ tục quyết toán đúng quy định.
“Nếu mình chỉ ghi nhận, chuyển kiến nghị không thôi mà không giải quyết được gì, lâu ngày người dân không tin và không mạnh dạn có ý kiến nữa. Mục đích của việc làm này là góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, làm người dân tin tưởng đối với người đại biểu họ bầu cũng như giảm tính hình thức trong hoạt động của các đại biểu” - bà Thu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận