07/01/2017 11:26 GMT+7

Những chàng trai từ Sài Gòn ra biên giới ngày ấy

PHẠM SỸ SÁU, (Nguyên A trưởng vô tuyến D1, E4, F5 quân khu 7)
PHẠM SỸ SÁU, (Nguyên A trưởng vô tuyến D1, E4, F5 quân khu 7)

TTO - Phạm Sỹ Sáu là nhà văn, nhà thơ, biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ TP.HCM. Trước đó, anh là một người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia.

*** Error ***
Phạm Sỹ Sáu thời mặc áo lính ở chiến trường Campuchia, năm 1982 tại chiến trường Đông Poipet - Ảnh tư liệu

Anh là một người lính đặc biệt: được vào Đảng ngay trên chiến trường, giữa những trận đánh nảy lửa.

Đúng 38 năm ngày “đội quân nhà Phật” giải phóng đất nước Campuchia - Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng, Phạm Sỹ Sáu có bài viết cho Tuổi Trẻ nhớ về tâm tư, nỗi niềm của những người trai trẻ ra đi từ thành phố mang tên Bác để làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

“Yên nghỉ nhé, bạn bè tôi”

Nhớ lại kỷ niệm ngày vào Đảng trên chiến trường là nhớ lại với niềm tự hào khôn nguôi về những đồng đội tôi - những người lính ra đi từ thành phố mang tên Bác, 12 năm liền âm thầm đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Campuchia.

Hàng ngàn, hàng ngàn đồng đội tôi trong “đội quân nhà Phật” - theo cách gọi của người dân Campuchia - Chùa Tháp - đã ngã xuống.

Nhiều đồng đội tôi, sau 38 năm, thân thể vẫn còn nằm đâu đó nơi góc rừng, góc phum. Máu xương họ đã giúp hồi sinh một dân tộc.

Chiến tranh là bom đạn. Chiến trường là sự sống và cái chết. Để đến với chiến trường biên giới Tây Nam rồi làm nghĩa vụ quốc tế nơi đất bạn, những người lính trẻ - đặc biệt là những người lính ra đi từ mái trường, công xưởng, xí nghiệp, nói chung là “dân thành phố” chúng tôi - phải vượt qua không ít khó khăn.

Đôi lúc chùn chân, muốn từ bỏ tất cả. Nhưng bom đạn dập dồn. Nhìn những đồng đội ngã xuống, chúng tôi tự vực dậy chính mình, ngẩng cao đầu lao lên phía trước, lao lên hàng đầu.

Tuyến đầu là tuyến lửa. Nhiều người ngã xuống. Nhưng tuyến lửa chính là nơi trui rèn. Những người trụ lại được nhanh chóng trở thành những cán bộ trẻ xuất sắc, đi lên từ binh nhất, tiểu đội trưởng đến sĩ quan cấp đại đội, tiểu đoàn, những sĩ quan cốt cán đầy niềm kiêu hãnh.

Ba đợt lính đầu (nghĩa vụ quân sự tháng 11-1976, tháng 7 và tháng 9-1977), những người con của thành phố lên đường tham gia quân ngũ khi đất nước vẫn bình yên, biên giới chưa hề xảy ra nổ súng.

Đến ngày 25-9-1977, quân Pol Pot tàn sát dân thường ở Xa Mát, Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh. Chiến trường bắt đầu.

Các đợt lính sau đó, đặc biệt từ năm 1978, khi lên đường nhập ngũ ai cũng biết điểm đến cuối cùng là chiến trường biên giới Tây Nam.

Không có sợ hãi, chỉ có căm thù. Những học sinh áo trắng đã viết tâm thư đòi ra chiến trường diệt trừ giặc xâm lấn.

Nhiều người trẻ trai đã không có dịp trở lại quê nhà. Họ ra đi và nằm lại âm thầm, âm thầm góp một mảnh hình ảnh nho nhỏ của mình vào “đội quân nhà Phật”.

Họ đã sống và chiến đấu không hổ danh với những người đã chiến đấu và hi sinh vì thành phố.

Cho nên niềm tự hào ấy không chỉ dành cho tôi - một người lính nghĩa vụ, mà còn là niềm tự hào của bạn bè, đồng đội tôi - những người lính ra đi từ thành phố, đang ngày đêm sống hết mình trên chiến trận, vì đồng đội, vì đất nước và vì màu cờ sắc áo thành phố thân thương.

Vào Đảng trên chiến trường

Trong hành trang lên đường nhập ngũ ngày 31-7-1977, ngoài balô, tôi còn mang theo một cái... phong bì: hồ sơ đối tượng Đảng.

Cái phong bì là thành quả của những ngày lăn lộn cùng phong trào thanh niên ở xã Hanh Thông và phường 3, quận Gò Vấp.

Và nó được trao lại cho cán bộ tiểu đoàn, khi tôi đã trải qua ba tháng trận mạc trên cương vị mới là chiến sĩ bộ đàm trong trung đội thông tin thuộc tiểu đoàn bộ.

Từ anh lính bộ đàm đi với đơn vị hỏa lực đến những ngày mang máy đi với đơn vị trinh sát luồn sâu, rồi làm lính thông tin đi máy cùng đại đội chủ công, lúc nào và ở đâu tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Trong chưa đầy một năm về đơn vị, tôi đã được trao cương vị mạng trưởng tiểu đoàn - một vị trí mà trước đó do một trung đội phó nhập ngũ từ thời trước 1975 phụ trách.

Chiến dịch mở màn vào ngày 24-12-1978 bằng trận vu hồi trên những ngọn đồi phía đông bắc cầu sông Tê.

Trong khói đạn của trận tiền, tôi vẫn vững vàng trên vai trò mạng trưởng vô tuyến, bám theo từng bước chân của tiểu đoàn trưởng để kịp thời truyền đạt mệnh lệnh chỉ huy đến các đại đội đang vận động trong tầm hỏa lực rất rát của địch trên đồi cao.

Có lẽ chính cái sự “đứng” được của tôi trong ác liệt chiến trường đã đi đến quyết định của chính trị viên tiểu đoàn tổ chức lễ kết nạp tôi vào Đảng.

Sau khi thị xã đầu tiên của Campuchia là Kratie được giải phóng ngày 29-12-1978, đơn vị tôi được lệnh lùi về phía đông nam thị xã, nơi sư đoàn thiện chiến, chủ công của quân Pol Pot vừa bỏ chạy.

Mùi tử khí vẫn nồng nặc trên các lán trại dã chiến của điểm dừng chân. Những bàn chân, những cánh tay trương phình, thối rữa vẫn lẩn khuất đâu đó trong các gốc cây, bụi cỏ...

Trong cái nắng như thiêu giữa rừng chồi đầu mùa khô, trong hội trường tiểu đoàn bộ (có lẽ là nơi đặt ban chỉ huy trạm phẫu), trước cờ nước, cờ Đảng và di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã vinh dự nắm tay đưa cao đọc to lời tuyên thệ của người vào Đảng.

Bộ quân phục bạc phếch bụi đường chiến trận cùng với mảnh vải vàng đính trên tay áo. Tôi tự hào. Tôi - một người lính nghĩa vụ đợt 2 (đợt 1 là tháng 11-1976), chỉ là tiểu đội trưởng thôi nay đã thành đảng viên trên chiến trường.

Niềm tự hào ấy không chỉ dành cho tôi - một người lính nghĩa vụ, mà còn là niềm tự hào của bạn bè, đồng đội tôi - những người lính ra đi từ thành phố mang tên Bác

 

Những bài thơ của Phạm Sỹ Sáu có tiếng đạn bom, có mùi thuốc súng, nhưng trên hết là tình yêu cuộc sống, tình yêu đồng đội và những khát khao, khắc khoải ngập tràn yêu thương con người, bình dị như con người anh.

Huyết tâm thư của thanh niên TP.HCM tình nguyện lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Điểm danh đồng đội

Hãy sắp hàng vào cho tao điểm danh 

Những thằng lính ở miền xa rất trẻ 

Hãy sắp hàng vào để nghe tao kể. 

Chuyện đánh nhau và chuyện... yêu nhau 

 

A! Có thằng nào còn mang băng trắng trên đầu 

Tiến một bước, nếu thấy còn chỗ trống 

Đừng băn khoăn nếu có thằng hi sinh và thằng... 

chạy trốn 

Còn lại tụi mình thì vẫn cứ thương nhau 

 

Hãy vì nhau mà đừng để lòng sầu 

Bởi cái chết chẳng thể nào tự đến  

Đêm vượt Mê-kông có thằng nào ngờ tới bến 

Nhưng vẫn qua rồi lại... vẫn qua 

 

Thằng Vinh, thằng Hùng, thằng Dũng đi xa 

Cho những Thắng, những Thân vào đội ngũ 

Khi ở Sài Gòn bọn đỏ đen bày trò ăn thua đủ 

Thì tụi mình nhịn khát hành quân 

 

Có thằng mới từ thành phố lên khóc vì rộp bàn chân 

Lâu cũng quen và tự chê mình yếu đuối 

Giặc bao vây mỗi thằng được dành dăm quả cối 

Vài trái B.40 và hàng ngàn đạn AK 

 

Bình yên thì xa và chiến tranh thì gần trong ngón tay cò súng 

Vì chẳng thể bỏ nhau nên tụi mình mưu dũng 

Hết khói đạn rồi điểm mặt vẫn đủ tên 

Có thể có thằng cho đó là điều hên 

 

Mà số phận chẳng thằng nào biết được 

Cha mẹ nhớ thương con, người yêu nhớ người yêu - phía trước 

Còn tụi mình nhớ nhất số quân 

Mất hay còn chỉ là một dấu chân 

 

Trên bãi cát băng từ của cô nhân viên điện toán 

Tụi mình sống với nhau có phút nào thấy chán 

Những gương mặt phong trần mà rất đỗi dễ thương 

Lính 76, lính 78, lính 80 rồi cũng bình thường 

Cũng là lính với trái tim tràn nỗi nhớ 

Hãy để chỗ sâu lắng trong tim trong những thằng xanh cỏ 

Tụi mình còn mắc nợ đời, mắc nợ với nhau 

 

Hành quân điểm danh không có trực ban báo cáo 

Không có Có, không có Vắng, chỉ có tiếng cười 

Rồi tụi mình ôm nhau cho rõ mặt bạn đời 

Dẫu có đứa chưa từng ôm một người con gái 

Chưa từng yêu nên nói chuyện tình yêu: nói đại 

Thằng nào không tin cứ về thành phố kiểm tra 

Bị phát hiện bèn mở miệng cười khà: 

- Tao không biết thì rồi tao sẽ biết 

 

Và mầy hi sinh không còn thời gian để biết 

Ai sẽ tiếc thương mầy ngoài đồng đội, mẹ cha 

Điểm danh xong hãy uống ít đế và ca 

Những bài lý mênh mông mùa nước lớn 

Xuống câu xề trầm hơn tiếng nấc 

Và khua bình-tông khi hát nhạc trẻ, nhạc già 

Hát múa cho đã đi rồi vào uống trà 

Để chống ngủ vì đêm còn phải gác 

  

Tụi mình sinh ra vào thời trận mạc 

Nên núi rừng bè bạn có sao đâu 

Nên sương gió tụi mình dãi dầu 

Mặc áo lính phải sống cho ra là lính 

        Ni-mít, tháng 3-1981 

 

PHẠM SỸ SÁU, (Nguyên A trưởng vô tuyến D1, E4, F5 quân khu 7)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên