07/12/2013 15:55 GMT+7

Những câu chuyện đời thường của huyền thoại Mandela

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Sức mạnh ý chí và sự kiên cường của huyền thoại Châu Phi Nelson Mandela khiến người ta khâm phục. Sẽ càng phục hơn biết ông vẫn trụ vững mà lo việc nước, việc dân trong khi phía sau mình là những sóng gió gia đình khắc nghiệt.

Nam Phi bắt đầu 10 ngày tưởng nhớ ông MandelaLịch trình dự kiến lễ tang ông MandelaTheo dõi loạt bài về "Người tù thế kỷ" Nelson Mandela

27JdcJXY.jpgPhóng to
Ông Nelson Mandela và phu nhân Graca Machel hạnh phúc bên nhau cho tới khi ông ra đi

Cuộc sống gia đình phong phú và..nhiều "tập"

Đa thê là “chuyện thường ngày ở… bộ tộc” tại Nam Phi nói riêng, và châu Phi nói chung. Cha ông Mandela là Gadla Henry Mphakanyiswa, một sếp địa phương của bộ tộc Thembu, có tới 4 người vợ ở các ngôi làng khác nhau, trong đó bà Nosekeni Fanny - mẹ ông là bà thứ ba. Dù được nói là có một cuộc sống tình cảm rất phong phú, "chịu khó" yêu đương ngay từ thời trai trẻ, ông Mandela vẫn chỉ một vợ một chồng...mỗi lần cưới, cho dù có tới 3 đời vợ, trong đó có 2 lần ly dị đầy sóng gió.

Người vợ đầu tiên Evelyn Ntoko Mase (sinh năm 1922, mất ngày 30-4-2004) cùng là thành viên đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) như ông. Hai người lấy nhau vào tháng 10-1944 khi bà đang theo học khóa y tá, và vào năm ông gia nhập đảng ANC. 10 năm sau, gia đình họ căng thẳng và bà Evelyn tố cáo chồng ngoại tình, bỏ bê gia đình chỉ tập trung cho công việc. Họ ly hôn vào tháng 3-1958 sau một quá trình kiện tụng kéo dài từ 2 năm trước.

ELlY6y1V.jpg
Bà Zindzi Mandela, con gái ông Mandale, trên thảm đỏ tại buổi công chiếu bộ phim về cuộc đời ông tại Luân Đôn tối 5-12-2013 - Ảnh: Getty Images

Chỉ 3 tháng sau khi ly hôn người vợ đầu tiên, vào tháng 6-1958, Mandela đã làm đám cưới với Winnie Madikizela-Mandela (sinh năm 1936), nhân viên công tác xã hội da đen đầu tiên của thành phố Johannesburg. Nghe nói họ đã gặp nhau hồi năm 1957 trong khi ông Mandela đang trong thời gian làm thủ tục ly hôn. Chính bà Winnie đã tích cực tham gia đấu tranh đòi nhà cầm quyền Nam Phi phải thả ông Mandela - người bị ngồi tù từ năm 1962 với bản án tù chung thân khổ sai. Năm 1992, chỉ hai năm sau khi ông Mandela được trả tự do, hai người đã ly thân. Họ chính thức ly hôn vào năm 1996.

Khi kết thúc cuộc hôn nhân thứ hai, ông Mandela đã 78 tuổi. Nhưng con tim của ông chẳng chịu ngủ yên. Năm 1998, ngay vào dịp sinh nhật thứ 80 của mình, đương kim Tổng thống Nam Phi kết hôn lần thứ ba với bà Graça Machel (sinh năm 1945), một nhà chính trị Mozambique và vợ góa của cố Tổng thống nước này Samora Machel – người tử nạn năm 1986 trong một tai nạn máy bay. Ông Machel vốn là một đồng minh thân cận của đảng ANC.

Vào giờ phút lâm chung, bên giường bệnh của ông Mandela có phu nhân Graça Machel, người con gái Makaziwe (Maki) và một số người cháu. Hai người con gái của ông với bà Winnie là Zindzi và Zenani lúc đó đang ở Luân Đôn dự lễ công chiếu ra mắt Royal Premiere của Hoàng gia Anh dành cho bộ phim “Mandela: Long Walk to Freedom” dựa theo hồi ký của ông Mandela.

Số phận 2 người vợ ly hôn của ông Mandela ra sao? Chia tay Mandela, bà Evelyn Ntoko Mase đưa các con về sống tại Cofimvaba (tỉnh Eastern Cape) và mở một cửa hàng. Mãi tới năm 1998, lúc đó đã 76 tuổi và chia tay với ông Mandela được 40 năm, bà mới đi bước nữa, kết hôn với ông Simon Rakeepile, một nhà kinh doanh tại Soweto. Chẳng biết có gì trùng hợp không khi cũng trong năm 1998 đó, ông Mandela đã đi bước thứ 3. Trong khi đó, bà Winnie Madikizela-Mandela cho tới nay vẫn ở vậy. Hồi tháng 6-2013, bà công bố với báo chí rằng mình vẫn còn yêu ông Mandela. Chỉ có điều, cuộc sống của bà vẫn tiếp tục có nhiều sóng gió. Dạo tháng 3-2013, bà đã bị điều tra án sát nhân sau khi cảnh sát khai quật được hài cốt của hai thanh niên là những người chống chủ nghĩa apartheid mà người ta nhìn thấy họ lần cuối cùng ngay tại nhà bà cách đây 24 năm. Bà Winnie đã bác bỏ việc có biết về hai nạn nhân này. Bà từng bị lôi vào 6 vụ giết người khác.

Ra đi đúng vào lúc công chiếu bộ phim về cuộc đời mình

7V2WYDeJ.jpg
Hoàng tử Anh William trò chuyện cùng bà Zindzi Mandela (bên phải), con gái ông Mandela, trước khi công chiếu bộ phim về cuộc đời ông tại Luân Đôn tối 5-12-2013 - Ảnh: Reuters
AFF8Ex3i.jpg
Hai vợ chồng Hoàng tử Anh William tối 5-12-2013 rời khỏi buổi công chiếu phim với khuôn mặt buồn đau sau khi nghe tin ông Mandela qua đời - Ảnh: Splash News

Quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông Mandela đã trút hơi thở cuối cùng lúc 22g50ph ngày 5-12-2013 (3g50 sáng 6-12 theo giờ Việt Nam) tại nhà riêng ở Houghton (Johannesburg), cùng lúc ở Luân Đôn (Anh) đang diễn ra lễ công chiếu ra mắt Hoàng gia Royal Premiere bộ phim “Mandela: Long Walk to Freedom” dựa theo hồi ký của ông. Có nguồn tin nói rằng ông đã qua đời chỉ 30 phút trước khi bộ phim bắt đầu được chiếu.

Hai người con gái của ông với người vợ thứ hai Winnie là Zindzi và Zenani Mandela lộng lẫy và sang trọng trong trang phục dạ hội tươi cười bước vào thính phòng Odeon ở Quảng trường Leicester cùng với vợ chồng Hoàng tử Anh William và Catherine - Công tước và nữ Công tước Cambridge.

Khi bộ phim sắp sửa chiếu, hai người con gái của Mandela mới nhận được hung tin cha mình vừa qua đời. Họ khóc nức nở và định rời khỏi rạp chiếu ngay lập tức, nhưng khi được hỏi rằng họ có muốn buổi chiếu bộ phim được tiếp tục không, họ đã đồng ý.

Đó là một buổi công chiếu ra mắt phim chưa từng có. Khán giả đang được xem một bộ phim nói về cuộc đời của một trong những nhân vật mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20 vào đúng lúc nhân vật chính ngoài đời vừa ra đi. Chỉ có vài người trong rạp biết điều gì đã xảy ra.

Vợ chồng Hoàng tử Anh được một phụ tá báo tin chỉ ít lâu trước khi bộ phim kết thúc. Nếu không, khi bộ phim kết thúc, họ lại tươi cười chúc mừng hai người con của Mandela thì thật là khó xử. Nữ hoàng Anh khi nghe báo tin cũng đã phải nói rằng đó là một sự kiện khác thường bởi vì hai vợ chồng Hoàng tử William đang xem bộ phim về ông Mandela.

Hai vợ chồng Hoàng tử Anh đã vỗ tay nồng nhiệt khi bộ phim kết thúc. Họ đã chia buồn với hai người con gái của Mandela. Trái với vẻ mặt tươi cười rạng rỡ khi đến xem phim, đôi vợ chồng Hoàng gia Anh đã ra về với dáng vẻ buồn bã. Công tước xứ Cambridge nói rằng: “Đó là một tin cực kỳ bi thảm. Chúng tôi vừa được nhắc nhớ lại Nelson Mandela là một con người khác thường và truyền cảm hứng đến chừng nào. Mọi ý nghĩ và lời cầu nguyện của tôi là với ông và gia đình ông. Rất buồn.”

Nhà sản xuất Anant Singh đã lên sân khấu báo tin ông Mandela vừa qua đời. Số khán giả đang có trong khán phòng đã kêu lên thảng thốt, một số người bật khóc. Hai phút mặc niệm đã được cử hành để tưởng nhớ người anh hùng cách mạng.

Bộ phim Mandela: Long Walk to Freedom mất 16 năm mới hoàn thành đã nhận được nhiều lời khen có, chê có. Nhưng Idris Elba, người đóng vai Mandela, được ca ngợi là “đáng được trao giải Oscar”. Tài tử Anh nổi tiếng với vai sếp thanh tra trong loạt phim truyền hình ăn khách Luther nói rằng: “Thật là vô cùng vinh dự để được hóa thân thành Nelson Mandela và khắc họa chân dung một người đã bất chấp các sự chênh lệch, phá vỡ mọi rào cản và là nhà vô địch đấu tranh cho nhân quyền trước con mắt của thế giới.”

Trong phòng giải lao, các nhân viên an ninh đã vây quanh nữ diễn viên Naomie Harris, người đóng vai Winnie trong phim, khi chị đang bước đi một cách nặng nề, đầu cúi xuống và mắt ngân ngấn lệ.

b7nkgqQX.jpg
Bà Zindzi Mandela, con gái ông Mandela, đang rời khách sạn tại Luân Đôn ngày 6-12-2013 để về chịu tang cha - Ảnh: Getty Images

Vì sao phu nhân Graca Machel không mang tên Mandela?

Dù là Đông hay Tây thì thuyền phải theo lái, gái phải theo chồng. Người vợ thường phải lấy theo họ chồng. Ngay cả bà Winnie sau khi ly hôn năm 1996 tới nay vẫn giữ nguyên họ chồng, chỉ chèn thêm vào giữa 2 cái tên Winnie và Mandela cái tên thời con gái Madikizela. Vậy mà, bà Graca Machel sau 15 năm sống với ông Mandela vẫn không “cài” thêm tên họ của ông Mandela vào tên mình.

Khi kết hôn với ông Mandela, bà Graca là một nhà chính trị và hoạt động nhân đạo của Mozambique, gắn bó đời mình với cuộc đấu tranh vì quyền của phụ nữ và trẻ em trên trường quốc tế. Bà là một mệnh phụ xưa nay hiếm khi là Đệ nhất Phu nhân của 2 nước Mozambique (1975-1986) và Nam Phi (1998-1999). Người chồng đầu tiên của bà là Samora Machel, Tổng thống Mozambique, tử nạn vì tai nạn máy bay năm 1986. Bà kết hôn với ông Mandela khi ông là vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Lúc đó, ông 80 tuổi và bà 53 tuổi.

Cho tới nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng và chính thức nào cho việc phu nhân Graca Machel không mang tên ông Mandela.

y2Br50Rm.jpg
Ông Mandela với chiếc áo Madiba trong buổi tiếp D0ệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama tại Nam Phi tháng 6-2011 - Ảnh: Mirror

Chiếc áo Madiba

Từ sau khi trở thành Tổng thống Nam Phi vào năm 1994, ông Nelson Mandila thường xuất hiện trong chiếc áo sơ-mi bỏ ngoài quần được may bằng vải batik theo phong cách của người Indonesia với những hoa văn nhiều màu, nhiều kiểu. Điều này quả là khác thường khi các thế hệ nhà chính trị ở Nam Phi vẫn quen mặc Âu phục màu xám.

Ông đã mặc kiểu áo này ngay cả trong những nghi lễ lớn, coi như một quốc phục của mình. Và kiểu áo này đã trở nên nổi tiếng, được gọi là “Madiba shirt” (Madiba là tên của ông Mandela trong bộ tộc Thembu).

Kiểu áo này vốn có tên là “Fish Shirt” do nhà thiết kế thời trang Desré Buirski vẽ bằng tay trên lụa và trao cho các vệ sĩ của ông Mandela hồi năm 1994. Hai tuần sau, vị tổng thống mới đắc cử mặc chiếc áo này lần đầu tiên trong phiên khai mạc Quốc hội dân chủ đầu tiên của Nam Phi hồi tháng 5-1994. Từ đó Desre trở thành nhà thiết kế trang phục chính thức của Tổng thống Mandela.

Người ta giải thích rằng có lẽ sau gần 3 thập niên mặc áo tù trong nhà tù khổ sai, ông Mandela đơn giản là muốn truyền sức sống vào trang phục của mình, hoặc có thể ông muốn mang một phong cách châu Phi nhiều màu sắc tươi sáng vào nghị trường Quốc hội.

Mặc dù chẳng ai muốn “đụng hàng” với ông Mandela, nhưng rõ ràng sự cách tân và mở rộng của huyền thoại cách mạng này đã truyền sinh khi mới trên chính trường Nam Phi. Ngày nay, tại Quốc hội, người ta có thể nhìn thấy các nghị sĩ ăn mặc rất thoải mái, nhiều màu sắc, từ Âu phục với những kiểu thời trang mới nhất tới những trang phục truyền thống bộ tộc mình. Ngay cả đầu tóc của họ cũng rất thoải mái. Thí dụ như Tony Yengeni. một cựu lãnh đạo Nghị viện của ANC, chọn kiểu vày truyền thống của đàn ông bộ tộc Xhosa. Để trần từ thắt lưng trở lên, với cái bụng bự được kiêu hãnh khoe ra, ông còn vẽ mặt mình với những màu sắc truyền thống bộ tộc. Nhiều nghị sĩ đi chân không tới nghị viện. Nghị sĩ Nosimo Balindlela giải thích: “Đi chân không nhắc nhớ tôi rằng mình thuộc về Trái đất.”

Trong khi đó người kế nhiệm ở Mandela, Tổng thống Thabo Mbeki thích mặc những bộ Âu phục, thường màu xám, được cắt rất khéo. Còn đương kim Tổng thống Jacob Zuma chuộng các bộ Âu phục sang trọng do Ý may cắt. Trong những dịp đặc biệt, ông mặc trang phục truyền thống của bộ tộc Zulu.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên