02/09/2018 08:10 GMT+7

Những câu chuyện đẹp lay động lòng người

TTO
TTO

TTO - "Tuổi Trẻ luôn đứng về những phận người nghèo khó, nhưng không bi kịch hóa nỗi đau buồn của họ. Nhân vật của Tuổi Trẻ đều toát lên vẻ đẹp tâm hồn, ý chí và sự vượt khó lay động lòng người". Đó là bày tỏ của bạn đọc Phạm Được (Đà Nẵng).

Những câu chuyện đẹp lay động lòng người - Ảnh 1.

Cựu người mẫu Huỳnh Trang Nhi (thứ ba từ trái sang) cùng các ca sĩ khuyết tật nhóm “Ánh sáng trong tim” tại TP.HCM vận động mua báo Tuổi Trẻ để cùng quyên góp tiền giúp trẻ em nghèo ở miền Trung mua tập vở - Ảnh: FB Huynh Trang Nhi

Cây cầu nối nhịp yêu thương

Vụ chìm đò thương tâm ở bến Cà Tang (Nông Sơn, Quảng Nam) vào tháng 5-2003, 18 học sinh tử vong. Trong niềm thương cảm sau vụ tai nạn chấn động này, bạn đọc đề nghị: phải xây một cây cầu nơi đây. Tuổi Trẻ đã lắng nghe và làm cầu nối tiếp nhận đóng góp của độc giả.

Những câu chuyện đẹp lay động lòng người - Ảnh 2.

Bạn đọc Lưu Đình Long

Cây cầu Nông Sơn nối đôi bờ sông Thu Bồn, nơi các em tử nạn đã được hoàn thành sau đó không lâu. 15 năm trôi qua, nơi đau xót ấy hiện ra một dáng dấp an bình, hưng thịnh. Cây cầu giờ đây là "huyết mạch" nối từ trung tâm huyện lên các xã Quế Phước, Quế Lâm và qua mỏ than Nông Sơn cũng như làng du lịch sinh thái Đại Bình.

Trong lần trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Hữu Đại, cán bộ Phòng lao động - thương binh & xã hội huyện Nông Sơn, chia sẻ: "Cây cầu của bạn đọc Tuổi Trẻ không chỉ giúp học sinh, người dân làng mỏ đi lại an toàn mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương". 

Còn anh Nguyễn Ái Văn, người dân ở xã Quế Lâm, bày tỏ: "Sau khi có cầu Nông Sơn, Nhà nước rải nhựa con đường từ Quế Trung nối liền Quế Lâm, giao thông thông suốt nên đời sống người dân ở làng quê heo hút xưa phát triển hẳn".

Tuổi Trẻ đã làm cầu nối bạn đọc xa gần để tạo nên sức mạnh tập thể, như từng truyền lửa trong tuyến thông tin nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc; cùng bạn đọc chung tay xây bệnh xá Đặng Thùy Trâm, chung sức xây dựng nhà giàn DK1, tiếp sức cho tân sinh viên đến trường... Tuổi Trẻ đã kết nối những tấm lòng, viết nên những câu chuyện về lý tưởng yêu nước, về lòng nhân ái "người với người sống để thương nhau".

Bạn đọc LƯU ĐÌNH LONG (TP.HCM)

Những câu chuyện đẹp lay động lòng người - Ảnh 3.

Bạn đọc Lâm Minh Trang

Gương sáng giữa đời

Tuổi Trẻ luôn "kể" cho bạn đọc những câu chuyện nhân văn về con người giữa dòng thời sự hôm nay. Nhân vật của Tuổi Trẻ vẫn là những con người bình dị, lặng lẽ mỗi ngày với công việc của mình, nhưng câu chuyện về họ khiến người đọc cảm động, cảm phục. 

Một cán bộ hưu trí hơn 20 năm cặm cụi may từng bộ đồng phục tặng học sinh nghèo, một thanh niên khiếm thị quyết tâm vượt lên số phận và học tập xuất sắc (bài "Ánh sáng của Nghĩa") hay câu chuyện về lương y trẻ Nguyễn Cao Viễn (bài "Cứu tinh của người bị liệt")... 

Những bài viết gương sáng, người tốt giữa đời hôm nay luôn có sức thuyết phục và tác động mạnh mẽ, bổ khuyết cho những câu chuyện đã không còn mới trong sách vở.

Bạn đọc LÂM MINH TRANG (TP.HCM)

Những câu chuyện đẹp lay động lòng người - Ảnh 4.

Bạn đọc Phạm Được

Nét đẹp của những nhân vật trên Tuổi Trẻ

Với tôi, bên cạnh bản sắc của tờ báo chính luận nhanh nhạy, chính xác, mang tính xây dựng, Tuổi Trẻ có một điểm mạnh là luôn sát cánh với những số phận con người nghèo khó, đặc biệt là những bài báo giàu tính nhân văn, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Có những bài báo 10 năm trước giờ tôi vẫn còn ấn tượng. Đấy là phóng sự "Không gục ngã" của nhà báo Quốc Việt viết về "người thợ cày" Nguyễn Bích Lan - cô gái nhỏ bé, kiên cường đối mặt với nghịch cảnh và vươn lên trở thành biểu tượng của ý chí, nghị lực khiến bất cứ ai cũng khâm phục. 

Hay mới đây là bài báo đầy xúc cảm của phóng viên Trần Mai viết về người mẹ trẻ Tú Cẩm với hành trình vượt qua cái chết để chào đón một "thiên thần" đã lay động trái tim nhiều người. Và mùa Vu Lan năm nay, Tuổi Trẻ đã gửi đến bạn đọc câu chuyện xúc động "Cõng mẹ lên giảng đường" của tân sinh viên Mai Lê Hiền Cẩm...

'Cõng' mẹ lên giảng đường

TTO - Không còn lựa chọn nào khác. Cô gái sắp là tân sinh viên ĐH Y dược Huế ấy đã "cõng" luôn người mẹ của mình đi theo khi chuẩn bị hành trang vào nhập học.

Điều đáng quý nhất, Tuổi Trẻ khi đứng về phía những phận người nghèo khó luôn nhìn họ với góc nhìn nhân văn và hướng tới những điều tốt đẹp. Tuổi Trẻ không bi kịch hóa nỗi đau của nhân vật để bạn đọc xót thương, vì làm vậy sẽ phủ lên một gam màu u ám. Các nhân vật của Tuổi Trẻ đều toát lên vẻ đẹp tâm hồn, ý chí và sự vượt khó làm lay động lòng người.

Mong Tuổi Trẻ tiếp tục dành "đất" cho những câu chuyện đẹp, nhân văn, những câu chữ từ trái tim chắc chắn chạm đến trái tim bạn đọc.

Bạn đọc PHẠM ĐƯỢC (Đà Nẵng)

Những câu chuyện đẹp lay động lòng người - Ảnh 6.

Bạn đọc Trương Thanh Liêm

Tình thân, tình người

Báo Tuổi Trẻ rất mạnh mẽ nhưng gần gũi, luôn đương đầu với cái ác, cái xấu để bảo vệ cái tốt, cái đẹp. Cái tốt đẹp không xa xôi, có khi là câu chuyện "nhỏ nhưng không nhỏ" trên trang bạn đọc xa gần viết. 

Chẳng hạn như chuyện xe buýt không dừng đón người cao tuổi, chuyện người cao tuổi từ chối quyền được miễn vé, họ vẫn mua vé bình thường vì lòng tự trọng, người cao tuổi không muốn bị... phân biệt đối xử. 

Hoặc như chuyện tặng nhau cái áo mưa nhỏ giá vài ngàn đồng khi gặp mưa, thay vì tiện tay "chôm" áo mưa trên xe ai đó.

Chúng tôi đã lặng người khi đọc bài báo "Amandine đã tìm được mẹ", câu chuyện cô gái quốc tịch Pháp gặp lại người mẹ Việt Nam của mình sau 20 năm xa cách. Một anh bạn đọc nhân ái kết nối Tuổi Trẻ - mẹ - con để làm nên câu chuyện đẹp như mơ về tình thân.

Amandine tìm thấy mẹ - Cuộc hội ngộ im lặng Amandine tìm thấy mẹ - Cuộc hội ngộ im lặng

TTO - Sáng 12-7, lá thư tìm cha mẹ mà chúng tôi viết giúp cho Amandine Durant - Đỗ Thị Ngọc Châu đăng trên Tuổi Trẻ. Sau khi báo phát hành, có điện thoại báo: 'Tôi biết bà Đỗ Thị Chiểm'.

Nhiều, quá nhiều câu chuyện tình thương, tình thân, tình người trên Tuổi Trẻ, những câu chuyện khiến người ta sống khác, sống tốt hơn.

Bạn đọc TRƯƠNG THANH LIÊM (Cần Thơ)

tran tuan anh 3(read-only)

Bạn đọc Trần Tuấn Anh

Những câu chuyện về lối sống và tình thương

Báo Tuổi Trẻ như "người bạn" đồng hành cùng tôi trong tiết dạy môn giáo dục công dân.

Tôi xin cảm ơn Lê Vũ Hoàng - nhân vật trong bài báo "Cổ tích Olympia... từ mái nhà tranh" (năm 2006). Gia cảnh khó khăn, mái nhà dột nát, mẹ bệnh nặng, ý chí, nghị lực đã đưa Hoàng đến chiến thắng trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2006.

Lê Vũ Hoàng là nhân vật đầu tiên tôi minh họa trong bài "Quyền và nghĩa vụ học tập" khi đang là giáo sinh năm 2 đi kiến tập. Tôi nhận được tràng pháo tay của các em học sinh lớp 6, tròn xoe đôi mắt khi nhìn ảnh anh Lê Vũ Hoàng đội vòng nguyệt quế.

Tôi xin cảm ơn Trần Bình Gấm - cô bé bán khoai đậu ba trường đại học, nhân vật bài giảng "Siêng năng, kiên trì" lớp 6. Tôi kể cho học sinh nghe chuyện chị Gấm hiếu thảo, hiếu học, tự lập, học giỏi, thành bác sĩ...

Rất nhiều nhân vật của báo Tuổi Trẻ thành nguồn cảm hứng cho thầy trò chúng tôi. Hình ảnh "Người mẹ trèo dừa, nuôi 2 con học đại học" và câu chuyện về tình mẹ nghèo với những đứa con ngoan khiến lớp học lắng trong cảm xúc.

Câu chuyện bạn Nguyễn Thành Trung, học sinh lớp 10, phụ mẹ bán bún riêu. Trung cần mua laptop và mẹ đã nói: "Mẹ chưa đủ tiền con à!". Từ đó, bạn không bao giờ vòi tiền mẹ, tự để dành tiền xu mẹ cho hơn ba năm để mua máy tính.

Tuần sau đó, có phụ huynh kể khi gặp cô hiệu trưởng: "Con bé nhà tôi giờ đến quán ăn thường gọi món rẻ nhất, vì con vừa học xong bài học tiết kiệm từ câu chuyện của anh Trung".

Xin tri ân những nhân vật, những câu chuyện nhân văn, nghĩa tình, những con người sống đẹp trên Tuổi Trẻ đã bồi đắp cho học sinh biết yêu thương, hiếu thảo.

Bạn đọc TRẦN TUẤN ANH (TP.HCM)

bđ phan tuyet 3(read-only)

Bạn đọc Phan Tuyết

Và chúng tôi sống tốt hơn

"Hai ngày nay em không xuất hiện ở lớp và đúng như linh cảm của người từng đi qua những nốt trầm cuộc đời: em bỏ học. Nghe tới đó, lòng thầy nghẹn lại"... Và thầy giáo Ninh Văn Dậu (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa, Gia Lai) đã bỏ công lặn lội vào tận nương rẫy thuyết phục cậu học trò nghèo trở lại trường học.

Hình ảnh của các thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú Nậm Ngà, tỉnh Lai Châu băng rừng, vác xe, trèo đèo lội suối mang con chữ đến cho những đứa trẻ người Mông, người Hà Nhì ở miền Tây Bắc xa xôi.

Những bữa cơm chan đầy nước mắt vì sự cô đơn, vì bao nỗi sợ thiên tai như lũ cuốn, đắm bè, rơi xuống vực vì đường sạt lở. Hay những ngày mỏi chân đến rã rời để vào bản vận động học sinh trở về trường học.

Hay như tấm gương cô Đoàn Thị Lệ Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) đã dạy dỗ và chăm sóc những đứa trẻ nghèo dân tộc Raglai bằng tình yêu mẫu tử của một người mẹ hiền. Gia cảnh khó khăn, cô vẫn trích khoản tiền lương và phụ cấp ít ỏi cho bữa ăn trưa của các em.

Tôi luôn ấn tượng với những tấm gương nhà giáo trên Tuổi Trẻ. Những câu chuyện cảm động về nghề giáo luôn có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng. Cái nhìn khắt khe, sự thất vọng về người thầy phần nào được xoa dịu bằng những tình cảm yêu thương nồng ấm, bằng lòng khâm phục và ý chí đầy nghị lực của các thầy cô.

Những chuyện người, chuyện nghề trên Tuổi Trẻ khiến chúng tôi có cái nhìn lạc quan hơn, tích cực hơn, sống tốt hơn giữa đời còn không ít méo mó, tiêu cực.

Bạn đọc PHAN TUYẾT (Bình Thuận)

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên