Để chuẩn bị cho giải chạy sắp tổ chức ở địa điểm có địa hình phức tạp, toàn đội chuyển từ đường nhựa vào đường rừng tập luyện - Ảnh: MAI VINH
Dù tập luyện ở địa hình và thời tiết khắc nghiệt đến mức nào, tất cả các thành viên đội điền kinh Gia Hiệp (huyện Di Linh, Lâm Đồng) đều không mang giày. Những vận động viên trong đội được ví von sở hữu đôi chân thép.
Thiếu thốn nhưng qua 15 năm hoạt động các thành viên trong đội đã đoạt hơn 300 huy chương, giải thưởng ở nhiều cấp từ địa phương đến quốc gia.
Đội điền kinh Gia Hiệp hiện có hơn 30 bạn trẻ từ 12 đến 25 tuổi tham gia, tập luyện mỗi ngày 2 buổi sáng - chiều để tham gia các giải chính thức từ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và các giải phong trào được tổ chức không định kỳ ở nhiều địa phương.
Để các bạn trẻ luôn hào hứng tập, chủ nhiệm câu lạc bộ Phan Hoàng Điệp thường xuyên tập chung - Ảnh: MAI VINH
Anh Phan Hoàng Điệp là người sáng lập và là chủ nhiệm Câu lạc bộ điền kinh Gia Hiệp. Đội điền kinh của anh Điệp tập họp lần đầu năm 2003. Ngày đó, anh Điệp đang là vận động viên của tỉnh Lâm Đồng tham gia các giải chạy quốc gia. Do không có tiền mua giày tập nên anh tập bằng chân trần mỗi ngày trên con đường ngang nhà.
Nhiều bạn trẻ thích thú khi thấy anh tập luyện và xin được tập cùng. Nhìn thấy sự háo hức ấy, anh Điệp tổ chức để các bạn trẻ gần nhà cùng tập. Khi các bạn thể hiện được sự mạnh mẽ của mình, anh Điệp tìm các giải đấu và tổ chức để các bạn đi thi.
Không có tiền mua giày tập là lý do khiến các thành viên của đội trung thành với việc tập chạy bằng chân trần - Ảnh: MAI VINH
"Các bạn tập bằng chân trần trên đường nhựa, đường đất vì không có điều kiện. Mình không kiếm ra được đường chạy chuyên biệt cho các em nên đành ra đường nhựa đường đất tập luyện. Đa số các em khó khăn, đâu có tiền mua giày. Mỗi đôi giày tập chạy có giá cả triệu đồng, quá sức với các em. Còn những loại giày rẻ tiền khác, với sức tập của các em thì chỉ khoảng năm ba ngày hư rồi. Tốc độ hư giày như vậy không em nào có đủ điều kiện", anh Điệp phân trần lý do các thành viên của đội phải tập chạy bằng chân trần.
Đào Thị Linh Nhi (nữ, 15 tuổi) và Đoàn Ngọc Hoàn (25 tuổi) có hoàn cảnh khó khăn. Với Nhi và Hoàn cũng như nhiều thanh viên khác của đội, chạy không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn là một công việc kiếm thêm thu nhập thông qua các giải thưởng - Ảnh: MAI VINH
"Trong khó khăn các em buộc phải khổ luyện. Chạy chân trần khi tập luyện làm chân của các em khỏe khác thường, chỉ cần mang giày vào như những vận động viên khác các em đã có lợi thế vượt trội rồi. Trong những giải chạy địa hình, mỗi khi gặp mưa hay bùn, các em chỉ cần bỏ giày ra và thi đấu như đang tập luyện ở nhà thì các em đã có lợi thế để bứt phá", anh Điệp nói.
Sau khi giã từ cuộc đời vận động viên, anh Phan Hoàng Điệp làm nông và mở phòng tập thể hình. Và phòng tập này trở thành địa điểm tập bổ trợ cho các thành viên của đội và không tốn tiền - Ảnh: MAI VINH
Anh Phan Hoàng Điệp duy trì đội chạy 15 năm liên tục mà không nhận tiền từ nguồn nào. Anh Điệp muốn anh dùng môn điền kinh để cảm hóa những em nhỏ đang nghiện game online, lêu lổng.
Anh thường xuyên đi tìm và "lôi kéo" các em này vào đội của mình và khéo léo tổ chức để các em tham gia tập luyện hòa đồng với những thành viên khác.
Các thành viên của đội có thể thực hiện các bài tập khởi động ở những nơi có đá lởm chởm dù không mang giày tập - Ảnh: MAI VINH
Do không có sân tập nên đội thường thực hiện bài tập khởi động ở những con đường nhỏ trong xóm sau đó di chuyển ra chạy ở con đường lớn hơn - Ảnh: MAI VINH
Tham gia tập luyện trong đội chỉ khoảng 4 tuần bàn chân của các thành viên sẽ có những vết chai - Ảnh: MAI VINH
Thành viên của đội tuổi từ 12 đến 25 tuổi. Dù luyện tập khắc nghiệt nhưng có nhiều bạn nữ tham gia - Ảnh: MAI VINH
Khi trời vừa dịu nắng, con đường nhựa ngang qua xã trở thành đường chạy của đội điền kinh Gia Hiệp - Ảnh: MAI VINH
Khi trời vừa dịu nắng, con đường nhựa ngang qua xã trở thành đường chạy của đội điền kinh Gia Hiệp - Ảnh: MAI VINH
Không có dụng cụ tập chuyên nghiệp nên những cọc đường trở thành dụng cụ luyện tập - Ảnh: MAI VINH
Trò nghịch ngợm của các thành viên đội điền kinh trong giờ giải lao - Ảnh: MAI VINH
Anh Phan Hoàng Điệp duy trì đội chạy 15 năm liên tục mà không nhận tiền từ nguồn nào vì anh muốn anh dùng môn điền kinh để cảm hóa những em nhỏ đang nghiện game online và lêu lổng - Ảnh: MAI VINH
Ở những cao điểm chuẩn bị cho một cuộc thi chạy, anh Phan Hoàng Điệp sẽ ra giáo án và hỗ trợ các bạn trẻ tập luyện - Ảnh: MAI VINH
Ở Việt Nam, hoạt động điền kinh chuyên nghiệp đã ghi nhận những vận động viên thi đấu và luyện tập bằng chân trần. Vận động viên điền kinh Phạm Thị Huệ (22 tuổi) đã thi đấu bằng chân chân trần ở cự ly 10.000m tại SEAGames 29 (2017) và giành huy chương bạc.
Tại kỳ SEA Games trước đó, nữ vận động viên này cũng ra đường chạy mà không mang giày. Cô giành huy chương bạc ở cự ly 10.000 m. Trong những lần trao đổi với báo chí, Huệ cho rằng việc chạy bằngchân đất khiến Huệ cảm thấy thoải mái hơn.
Cựu vận động viên Phạm Thị Bình (29 tuổi) được biết đến với chiếc huy chương vàng SEA Games 27 (năm2013) ở cự ly 42 km. Cô đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi thi đấu bằng chân trần.
Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, nữ vận động viên này cũng thi đấu không mang giày và giành huy chương vàng. Phạm Thị Bình chạy chân trần trong cả thi đấu và tập luyện. Cô giải thích cô không thể mang giày chạy vì gan bàn chân mỏng. Mang giày sẽ khiến chân bị bỏng nước.
Tại giải Điền kinh quốc tế Dalat Ultra Trail 2018 với2300 vận động viên tham dự, nữ vận động viên Đào Thị Linh Nhi (15 tuổi) đã khiến nhiều người kinh ngạc bởi cô tham gia cự ly 22 km mà không mang giày và đoạt huy chương vàng.
Đáng chú ý, đường chạy của giải Dalat Ultra Trail 2018 là đường chạy hỗn hợp giữa đường nhựa và đường rừng. Trong đó, đường nhựa chỉ chiếm một quãng nhỏ trong toàn bộ đường chạy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận