![]() |
Những anh chàng “không chịu lớn” đang có xu hướng ngày càng nhiều lên ở nước ta. Rõ ràng phương pháp dạy con của một số bậc cha mẹ cần phải xem lại. Nếu không, vô tình sẽ tạo nên một thế hệ những chàng trai không bao giờ trưởng thành.
Từ “ông vua con”...
Dấu hiệu rõ nhất của sự trưởng thành ở người đàn ông là khả năng tự lập, không phụ thuộc vào cha mẹ. Chỉ có như thế anh ta mới biết yêu, biết làm chồng, làm cha. Nếu không, anh ta sẽ tìm một người yêu như người hầu của mình, tìm một người vợ như mẹ mình và khi có con, bản thân anh ta cũng là đứa con lớn cho vợ chăm sóc nốt. |
Tôi biết một gia đình có cậu con trai 18 tuổi gửi sang người em ruột là Việt kiều ở Mỹ để du học. Không ngờ chỉ nửa năm sau, người em gửi thư về nước nói ông anh nên gửi cháu đi trọ chỗ khác, vì nó không thể sống với gia đình chú được.
Hỏi ra mới biết chàng “công tử” này tuy đã 18 tuổi nhưng không biết làm bất cứ việc gì tự phục vụ mình. Đến bữa, ai dọn cơm lên thì ăn, không thì chỉ biết đợi. Ăn xong bỏ bát đĩa đấy. Quần áo bẩn thay ra không biết giặt. Nhà bày bừa bộn không biết dọn. Tóm lại mọi việc đều phải có người hầu. Cách sống như thế không phù hợp với các con của người chú, thậm chí làm hư họ.
Nói chung khi đến 18 tuổi, con người đã trưởng thành về mặt sinh học. Nhưng còn một sự trưởng thành quan trọng hơn, đó là trưởng thành về mặt xã hội, phải do giáo dục mới có.
Những người đàn ông không trưởng thành là kết quả của một quá trình giáo dục sai lầm của những nhà giàu hoặc không giàu nhưng quá chiều con, cung phụng hầu như tất cả mọi yêu cầu dù vô lý của con. Một gia đình bán phở có cậu con 16 tuổi. Có lẽ do thời trẻ cha mẹ sống quá vất vả thiếu thốn, không được học hành, nay họ nghĩ không cho con làm gì để nó học. Thế là ông “vua con” này đi học về cứ “cấm cung” trên lầu. Mọi nhu cầu được phục vụ tận nơi.
Sắp đi tắm có người sửa soạn quần áo. Tắm xong vứt quần áo ra sàn sẽ có người dọn. Gia sư kèm môn toán đi xuống thì gia sư dạy văn lại đi lên. Đi học có người dắt xe ra. Về nhà có người dẫn xe vào. Học xong thì chơi game. Hầu như không phải mó tay vào bất cứ việc gì trong nhà.
Đến kẻ bất lực!
Chẳng lẽ anh lấy vợ để bước từ cái nôi của người đàn bà này sang cái nôi của người đàn bà khác ư? |
Anh T. ở phố Thụy Khuê, quận Ba Đình, Hà Nội năm nay 38 tuổi, được cứu sống sau một lần tự tử. Lý do anh chán sống là gặp thất bại trong tình yêu. Người yêu chia tay vì không muốn làm người hầu hạ anh suốt đời. Người cha tóc đã bạc vẫn lo lắng cho con từng miếng ăn, giấc ngủ.
Ông tỏ ra day dứt vì để con gặp thất bại mà không làm gì được. Có lẽ ông vẫn muốn suốt đời làm người che dù, trải thảm cho con đi. Nhưng ông có biết đâu chính ông đang biến con mình thành kẻ bất lực trong cuộc sống...
Nói chung những “tác phẩm” méo mó về nhân cách này là của những bậc cha mẹ quá cưng chiều con. Họ sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của con đến nỗi cứ đòi là có. Vì thế họ vô tình rút kiệt hết nghị lực của con. Đứa con trai không biết vượt qua trở ngại, không có kỹ năng thiết lập các mối quan hệ. Khi yêu chỉ đòi hỏi một chiều. Thấy khó khăn là bỏ cuộc. Làm chồng chỉ muốn vợ hầu. Vì thế hạnh phúc với họ là hoang tưởng.
Tuy nhiên không phải tất cả nhà giàu đều dạy con như thế. Dù có người giúp việc nhưng nhiều người vẫn bắt con tự làm những việc phù hợp khả năng và lứa tuổi của con. Đó chính là luyện cho con những kỹ năng sống cần thiết. Họ biết động viên khen ngợi con nhưng cũng biết cách trừng phạt khi nó cố ý phạm lỗi. Họ không làm thay con mà luyện con biết vượt qua khó khăn, dám đương đầu với thất bại. Đó chính là quá trình hoàn thiện nhân cách của con để sau này sẽ là những người chồng, người cha tuyệt vời.
Anh đã sẵn sàng làm chồng em chưa? Thư của một cô gái gửi anh chồng sắp cưới chưa chịu...trưởng thành để làm người đàn ông thực thụ. Chỉ còn một tháng nữa là cận kề ngày cưới. Tự dưng em không khỏi lo sợ, nhất là sau khi mẹ anh gọi em tới nói chuyện. Câu chuyện của mẹ không có gì to tát mà rất gần gũi, gần gũi tới cả những món đồ anh hay sử dụng trong nhà. Mẹ kể về anh với một nỗi lo lắng không thể che giấu cho ngày hai đứa mình ra ở riêng, thế cũng đủ làm em sốc. “Nó rất sạch sẽ, đồ mặc trong ngày đều thay ra và phải được giặt luôn... Dọn phòng riêng của nó thì không được làm xê dịch một thứ gì để lúc cần nó đỡ mất công tìm... Buổi sáng con chịu khó dậy sớm, nấu đồ ăn cho nó, vì ra ngoài ăn nó rất ghê miệng, mẹ sẽ chỉ cho con những món thông dụng. Ngoài ra quần áo của nó vẫn hay may ở một tiệm, thi thoảng nó mới ra đo lại, con chỉ việc chọn vải và mang về cho nó. Mấy thứ đồ nhỏ nữa. Con lo luôn cho nó, nó ngại lựa chọn những món vặt vãnh lắm...”. Em không nói gì đến chuyện chiều con của mẹ bởi mẹ về hưu rồi, không chăm sóc cậu quý tử thì biết làm gì nữa. Nhưng trời ơi! Tại sao anh - người chồng tương lai của em đến 30 tuổi rồi mà vẫn lệ thuộc mẹ, cả những việc quá đỗi nhỏ nhặt như thế? Chồng của em, dù không quá đỗi thành công như người khác, nhưng so với cùng lứa, anh cũng đã tạo dựng được cho mình một công ty nhỏ với gần 20 nhân viên. Chồng của em chín chắn, phong độ, ra ngoài như “ông lớn” khiến thiên hạ kính nể, thế mà vẫn chỉ là “cậu nhỏ” trong nhà. Anh muốn sống riêng để vợ chồng mình không bị bố mẹ xét nét. Nhưng sống riêng mà ngay cả những điều nhỏ nhặt anh cũng không thể tự lo cho mình, hóa ra sự tự lập của anh chỉ là hình thức thôi ư? Hay anh sống riêng như thể một chú bé con lên cơn ngông cuồng chứng minh khả năng mình trước bố mẹ? Hốt nhiên em nghĩ tới những đứa con tương lai của chúng mình. Sẽ là cái cảnh anh ngủ riêng để đêm đêm con có quấy khóc đòi sữa cũng không làm anh thức giấc. Thi thoảng anh sẽ về ôm con, khen nựng, còn nếu nó nhỡ ị đùn thì vội nhăn mũi, tránh xa, không thay nổi cái tã. Bởi chồng em đến những việc nhỏ nhất của bản thân như dọn dẹp phòng riêng, giặt quần áo, mua vật dụng cho mình còn không tự làm được cơ mà! Anh sẽ tống hết việc nhà vào tay em trong khi chúng ta cùng phải lao động, cùng phải kiếm tiền, cùng phải nghĩ cách tiến thân trong một cuộc sống quá ư bon chen và nhiều biến động như bây giờ. Ai cũng bảo đó là chuyện nhỏ, ngay cả bố mẹ em. Nhưng có thật nó nhỏ nhặt không? Thực tế có biết bao đôi lấy nhau vừa chuyển từ giai đoạn vợ chồng son sang ngưỡng bố mẹ trẻ đã hục hặc, chia tay. Nguyên nhân do đâu, em e rằng một phần không nhỏ là từ những điều nhỏ nhặt như thế đấy. Liệu mình có phải là cặp tiếp theo không anh? Đàn ông hay trêu nhau cưới vợ là bị gông cùm, nhưng xem ra cái gông của anh còn nhẹ lắm, nếu so với cái gông mà em chuẩn bị tự xích lên cổ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận