10/05/2022 17:06 GMT+7

Nhức nhối luận án tiến sĩ: hệ quả của giáo sư... 'biết tuốt'

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TTO - Ở ta có một 'quán tính' là cứ mang hàm tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư một ngành nào đó thì đều có quyền hướng dẫn, thẩm định mọi đề tài trong ngành. Nhiều người gọi đó là tình trạng giáo sư... "biết tuốt".

Nhức nhối luận án tiến sĩ: hệ quả của giáo sư... biết tuốt - Ảnh 1.

Nhiều bất cập trong việc đào tạo tiến sĩ hiện nay - Ảnh: TTO

Một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm trong những ngày gần đây đó là vấn đề các luận án tiến sĩ không xứng tầm với học vị tiến sĩ.

Dư luận đã và đang nói đến công nghệ "nhân bản" luận án tiến sĩ và tình trạng tầm thường hóa học vị tiến sĩ trong hệ thống giáo dục bậc cao của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Vậy thì những vấn đề nào đang tồn tại trong cách đào tạo tiến sĩ của chúng ta khiến cho ngày càng nhiều luận án "tào lao" xuất hiện?

Có lẽ xét về mặt quy định trên khía cạnh hành chính, việc đào tạo và bảo vệ luận án tiến sĩ của chúng ta là vô cùng chặt chẽ. Thậm chí có người còn nói thủ tục bảo vệ luận án tiến sĩ ở ta còn khó hơn các nước có nền giáo dục tiên tiến hơn. 

Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta quy định chặt chẽ cái không quan trọng đó là thủ tục hành chính nhưng lại thả lỏng các quy định quan trọng hơn liên quan đến chuyên môn, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng đào tạo tiến sĩ không được như mong đợi.

Hiện nay theo quy định, chỉ cần có bao nhiêu tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư chuyên ngành hoặc ngành gần là các cơ sở đào tạo được phép tuyển sinh đào tạo sau đại học. 

Thậm chí có ngành mà cả nước từng không có tiến sĩ chuyên ngành nhưng người ta sử dụng các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư các ngành gần để tạo ra các tiến sĩ chuyên ngành, và đây là nguyên nhân đầu tiên khiến chất lượng luận án tiến sĩ không đáp ứng đúng đẳng cấp của học vị tiến sĩ.

Bởi ngành gần thì không phải là chuyên ngành, vậy làm sao có thể hiểu hết về ngành? Và do đó làm sao có thể thẩm định các đề tài, luận án trong ngành là mới, là thiết thực, là có đóng góp về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn? 

Do đó việc có những luận án tiến sĩ "buồn cười" là điều không tránh khỏi vì những người dạy, hướng dẫn và thẩm định không phải là người có hiểu biết sâu về chuyên ngành mà mình đang dạy hoặc hướng dẫn nghiên cứu.

Và trong lĩnh vực học thuật, không phải cứ là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư chuyên ngành nào đó thì biết tất tần tật về ngành. Bởi mỗi người phải có hướng nghiên cứu chuyên sâu riêng và chỉ thông thạo trong hướng chuyên sâu đó. 

Nhưng ở ta có một "quán tính" là cứ mang hàm tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư một ngành nào đó thì đều có quyền hướng dẫn, thẩm định mọi đề tài trong ngành. Bởi ta chỉ quy định số lượng nghiên cứu sinh mà một tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư được phép hướng dẫn, chứ không quy định những yêu cầu về mặt học thuật cần có để được hướng dẫn và thẩm định luận án.

Đây là một bất cập dai dẳng. Ai cũng biết rằng một giáo sư trong lĩnh vực A thì không thể biết sâu hết mọi thứ trong lĩnh vực này. Trong lĩnh vực A đó lại có rất nhiều chuyên ngành hẹp, nên không thể cứ là giáo sư ở lĩnh vực A thì hướng dẫn hay thẩm định được mọi đề tài thuộc các lĩnh vực hẹp.

Điều này trước đây đã được giáo sư Pierre Darriulat đề cập khi ông cho biết cả Việt Nam chỉ có hai chuyên gia trong lĩnh vực thiên văn vô tuyến nhưng người làm luận án phải gửi bản tóm tắt luận án cho 50 chuyên gia và phải nhận được 15 nhận xét tích cực. Vậy làm sao có thể tìm được 50 chuyên gia khi cả nước chỉ có 2 chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực hẹp này?

Vì không thể rành hết mọi lĩnh vực hẹp nên việc đánh giá, thẩm định không thể chính xác vì không thể biết được những thành tựu mà những lĩnh vực hẹp đó đã có được hay đâu là những vấn đề còn bỏ ngỏ trong lĩnh vực hẹp ấy. 

Ở các nước phát triển, dù trường đại học đó có đào tạo tiến sĩ ngành A, nhưng nếu người học chọn làm một đề tài mà trường này không có đội ngũ chuyên gia thì người ta sẽ giới thiệu sang trường khác có các chuyên gia trong lĩnh vực hẹp đó để người học đăng ký chứ không nhận bừa, hướng dẫn bừa như chúng ta.

Do đó để chất lượng đào tạo tiến sĩ tốt hơn thì có lẽ cơ quan quản lý giáo dục cần phải ban hành nhưng quy định chặt chẽ hơn về mặt học thuật, chứ không phải là về mặt hành chính, thủ tục. Có như vậy mới mong không còn xuất hiện những luận án tiến sĩ "cầu lông" như hiện nay.

Nhức nhối luận án tiến sĩ: Trách nhiệm thuộc về ai? Nhức nhối luận án tiến sĩ: Trách nhiệm thuộc về ai?

TTO - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT thông tin với báo chí về những luận án tiến sĩ được giới chuyên môn đánh giá kém chất lượng, không xứng tầm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT 'đổ trách nhiệm cho người hướng dẫn và hội đồng'.

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên