Trong số 170 ý kiến phản hồi của bạn đọc ngày 8-12, đa số ý kiến đều cho rằng chuyện chạy việc làm ở cơ quan nhà nước, chạy chức chạy quyền... không mới và nhiều người nói, nhiều người biết, nhưng chuyện này được người có trách nhiệm như ông chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội nói ra thì quả là gây sốc và đáng quan tâm.
Nhiều bạn đọc cảm ơn ông Trần Trọng Dực vì ông đã dám nói thẳng, nói đúng thực trạng chạy chức, chạy việc nhức nhối hiện nay. Bạn đọc chauchau2003@... viết: “Cuối cùng cũng có người dám nói ra sự thật mà ai cũng biết. Thật ra 100 triệu đồng là còn ít, không chỉ có ở cấp TP, còn ở trên cao hơn. Tình trạng này cũng xuất hiện nhiều ở các doanh nghiệp, ngân hàng có vốn nhà nước”.
“Cái sự thật mà ai cũng biết” được hàng chục bạn đọc kể ra từ những tỉnh thành khác - quê hương họ - chứ không riêng gì ở Hà Nội. Bạn đọc phuongho@... kể: “Ở tỉnh quê tôi chỉ là tỉnh lẻ nhưng sinh viên sư phạm ra trường muốn có chỗ dạy cũng phải mất cứng 100 triệu đồng”.
Theo bạn đọc mdlequangmy@..., chuyện chạy việc làm ở một tỉnh Tây nguyên quê bạn diễn ra như cơm bữa, các bậc phụ huynh coi đó như là việc hiển nhiên nếu muốn xin được việc. Người ta còn có quy định mức giá cụ thể cho từng đối tượng đại học, cao đẳng, trung cấp.
Bạn đọc tuycan@... kể trong một lần có dịp trò chuyện với một cô gái làm ở ban lễ tân tại một khách sạn ở một TP phía Bắc, ông hỏi sao cô không kiếm nghề khác lương cao hơn thì cô gái này cho biết cô tốt nghiệp sư phạm nhưng xin làm giáo viên ở một huyện gần nhà người ta đòi 20 triệu đồng nên thôi. “Cháu nghĩ là cháu phải làm bao nhiêu năm mới dành dụm được 20 triệu đồng nên cháu đành thôi, làm ban lễ tân ở đây cũng tạm được bác ạ” là suy nghĩ của cô gái trong câu chuyện bạn đọc tuycan@... kể.
Bao nhiêu bạn trẻ mới ra trường suy nghĩ như cô gái trong câu chuyện nói trên để chọn cho mình một công việc mà không phải thỏa hiệp với nạn chạy việc vào cơ quan nhà nước? Bạn đọc có địa chỉ email huewin@... đặt vấn đề: “Cả đời làm công chức với tiền lương như hiện nay thì để có được 100 triệu đồng là không dễ, vậy mà một số người dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng để được làm công chức. Như vậy khi làm công chức họ cũng lo “hoàn vốn” chứ?”. Tương tự, bạn đọc ohamvankhue@... cho rằng: “Những người chạy làm công chức, sau đó sẽ tìm mọi cách lấy lại vốn lẫn lãi, đây chính là một trong những cội nguồn dẫn đến tham nhũng cần tiêu diệt”.
Tiêu diệt nguồn cơn dẫn đến tình trạng tham nhũng này như thế nào? Bạn đọc Trần Văn Hớn đặt vấn đề: “Với cương vị là chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội, ông Dực biết chuyện chạy công chức mà không xử lý được thì thật đáng buồn. Hiện nay, nhiều nơi thi tuyển công chức là để hợp thức hóa chuyện chạy, là sự biến tướng của sự chạy công chức. Cần phải có cơ chế, biện pháp phù hợp, công khai minh bạch trong tuyển chọn công chức mới có thể đẩy lùi được nạn này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận