03/05/2010 07:28 GMT+7

Nhốn nháo "chạy trường" vào lớp 1

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Chạy hộ khẩu cho con trước một vài năm, thậm chí chuyển hộ khẩu của cả gia đình rồi nhờ vả người có thân thế, tính toán đủ đường để hi vọng con có thể được vào học lớp 1 ở một trường mà mình mong muốn.

ZHHvKW8k.jpgPhóng to

Năm 2009, do số trẻ 6 tuổi ở P.Đa Kao, Q.1 tăng mạnh, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng không đủ chỗ, Phòng GD-ĐT Q.1 phải phân tuyến bớt qua Trường tiểu học Đuốc Sống. Sự việc này đã gây nên tình trạng khiếu kiện tập thể và kéo dài trong nhiều ngày. Trong ảnh: phụ huynh kéo đến UBND P.Đa Kao khiếu kiện - Ảnh: H.HG.

Từ giữa tháng 4 đến nay, vợ chồng ông T.T. như ngồi trên lửa vì hộ khẩu của đứa con trai duy nhất đã được chuyển từ Q.Bình Thạnh về P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM từ đầu năm học trước (khi ấy con ông mới 5 tuổi).

Ông T. tâm sự: “Bà xã tôi ước mơ cho con học Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng nên ngay từ lúc phòng GD-ĐT quyết định phân tuyến theo thời gian nhập hộ khẩu, ai nhập trước thì ưu tiên trước, bà xã hối tôi phải chuyển hộ khẩu cho con ngay. Bây giờ nghĩ lại thấy lo quá. Lỡ năm nay phòng GD-ĐT quận thay đổi cách phân tuyến thì...”.

Cả nhà chuyển hộ khẩu

Cùng địa bàn nhưng lại... quá xa

Hiệu trưởng một số trường tiểu học trên địa bàn Q.1, Q.3 tâm sự lúc tuyển sinh thì học sinh nào cũng “ở địa bàn”, thế nhưng khi vào năm học mới trường phát hiện rất nhiều học sinh đi học trễ. Nhà trường nhắc nhở thì phụ huynh giãi bày rằng phải đi xa, đường lại kẹt xe 3-4 chặng. Từ đó, trường mới biết rất nhiều em không sống trên địa bàn phường.

Trong khi đó, dù đầu năm học tới con chị L. mới vào lớp 1 nhưng tính đến thời điểm này chị L. đã chuyển hộ khẩu cho con mình về P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức được gần hai năm: “Nghe nói khi xét vào Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức xét cả thời điểm nhập hộ khẩu và mối quan hệ của học sinh với chủ nhà. Rút kinh nghiệm của nhiều người đi trước, tôi chuyển hộ khẩu cho cả bố mẹ và con, chuyển sớm cho chắc ăn”. N

hững năm trước khá nhiều phụ huynh chuyển hộ khẩu về P.Bình Thọ lại bị phân tuyến vào Trường tiểu học Từ Đức? - chúng tôi đặt vấn đề.

Chị L. chắc mẩm: “Trường hợp của tôi sẽ không bị như vậy. Nếu có bị thì cố học hết năm năm tiểu học, khi lên THCS học sinh P.Bình Thọ đương nhiên sẽ vào Trường THCS Bình Thọ. Khi lên THPT cũng đương nhiên vào Trường THPT Nguyễn Hữu Huân - toàn những trường nổi tiếng, học sinh phường khác dễ gì vô được”.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại P.Bến Nghé, Q.1 cho biết: “Bây giờ phụ huynh không dại gì chuyển hộ khẩu cho một mình con mà chuyển cả bố và con hoặc mẹ và con. Vì khi tuyển sinh, hầu hết các trường đều xem hồ sơ, nếu học sinh chuyển hộ khẩu đi cùng với bố hoặc mẹ mới được ưu tiên”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay tình trạng phụ huynh ồ ạt chạy hộ khẩu về các quận 1, 3, 5 đã có dấu hiệu giảm so với các năm trước. Thay vào đó, phụ huynh chạy vào trường điểm của quận nhà.

Công thức “chạy trường”

Trong số những phụ huynh mà chúng tôi gặp, chị P. (nhà ở Q.2) tỏ ra khá bình tĩnh: “Mình đang nghe ngóng xem tình hình ra sao. Thời buổi này muốn chạy phải đúng cách chứ năm học trước rất nhiều người chạy mà không vào được trường mình muốn”.

Sau khi Q.3 (địa bàn chị P. đang làm việc) có kế hoạch tuyển sinh lớp 1 cụ thể, chị P. sẽ xác định chuyển hộ khẩu cho con mình về nơi “đúng tuyến”: “Chỉ mỗi cái hộ khẩu đâu ăn thua gì, năm trước nhiều người cầm hộ khẩu trong tay mà vẫn bị đẩy sang trường khác đấy thôi. Mình đã nhờ người quen và người ta hứa sẽ xin giùm, hộ khẩu chỉ là hợp thức hóa để tránh những rắc rối cho trường khi đoàn thanh tra đến mà thôi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay đa số phụ huynh đều chạy theo công thức: hộ khẩu + nhờ người có thân thế.

Phát biểu tại buổi họp báo về tuyển sinh đầu cấp mới đây, ông Huỳnh Công Minh - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - kỳ vọng: “UBND TP chỉ đạo các trường tiểu học không tuyển học sinh lớp 1 trái tuyến ngoài quận huyện từ năm 2008. Sau hai năm tình hình đã khả quan hơn nhiều. Hiện nay quận huyện nào cũng có trường tốt. Phụ huynh cho con em mình học gần nhà sẽ thuận tiện hơn vì đường sá thường xuyên kẹt xe. Hi vọng năm 2010 sẽ không còn tình trạng chạy trường - phụ huynh khổ, xã hội khổ và nhà trường cũng khổ”.

Nhìn nhận một cách khách quan, đúng là quận huyện nào của TP.HCM cũng có trường tốt nhưng chất lượng giữa các trường vẫn có sự chênh lệch. Chưa kể trong cùng một quận không phải tất cả các trường đều tốt. Thế nên, tình trạng “chạy trường" vẫn tiếp diễn.

Một trưởng phòng GD-ĐT bức xúc: “Làm sao dẹp được nạn chạy trường khi năm trước chính nhà một ông có vị thế có đến... bảy cháu trong độ tuổi vào lớp 1”.

Nói như ông Nguyễn Trọng Cường, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức: “Theo Luật cư trú, người dân muốn chuyển hộ khẩu đi đâu là quyền của họ. Quy định về tuyển sinh lớp 1 của Sở GD-ĐT cũng yêu cầu trường tiểu học phải nhận hết số trẻ trên địa bàn”.

Tuyển rất hạn chế

Bà Mai Thị Ngọc Lan - hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 - cho biết: “Năm học 2010-2011 dự kiến trường chỉ tuyển 280 học sinh lớp 1, nhưng đến thời điểm này số trẻ 6 tuổi có hộ khẩu trên địa bàn P.Đa Kao đã hơn 400 cháu. Dự báo con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới”.

Được biết, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng sẽ đập để xây mới từ tháng 7-2010 nên “học sinh của trường sẽ phải học nhờ bên Trường tiểu học Trần Quang Khải và Trường THPT Trưng Vương. Bởi vậy việc tuyển sinh lớp 1 sẽ rất hạn chế. Dự kiến chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp tuyển sinh giống năm trước”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên