Nhồi máu cơ tim là gì?
Quả tim chúng ta giống như một cái bơm, có nhiệm vụ bơm máu đi khắp cơ thể và được nuôi dưỡng bằng một hệ mạch máu gọi là hệ mạch vành.
Khi mạch vành bị tắc sẽ làm ngưng trệ dòng máu đến nuôi dưỡng cơ tim, tim không được cung cấp máu sẽ dẫn đến hoại tử gây tử vong (nhồi máu cơ tim).
Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim
Có 2 nguyên nhân chính gây tắc mạch vành: mảng xơ vữa và cục máu đông.
Ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim thường có sự kết hợp cả 2 yếu tố này: khi mỡ lắng xuống xung quanh thành mạch chúng tạo ra những mảng xơ vữa, theo thời gian khối mỡ này dày lên, làm cho lòng mạch hẹp lại gây cản trở dòng máu lưu thông. Kết hợp với cục máu đông sẽ dẫn đến tắc hoàn toàn mạch vành và nhồi máu cơ tim xảy ra.
Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim
- Đau ngực: là triệu chứng thường gặp nhất. Bạn có thể có cảm giác đau nhói ngực vùng trước tim, lan ra vai, tay, lên cổ, răng, hàm hoặc lan sau lưng. Đôi khi, bạn chỉ có cảm giác nặng ngực như ai bóp chặt quanh ngực. Cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng.
- Cảm giác đau có thể chỉ là cảm giác ăn không tiêu, đau thượng vị (làm lầm với đau bao tử nên dễ bị bỏ sót).
- Các triệu chứng khác bao gồm: lo lắng, ho, mệt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, hồi hộp, thở dốc, đổ mồ hôi.
- Một số người (đặc biệt là người lớn tuổi, bệnh nhân đái tháo đường, phụ nữ) có thể chỉ đau ngực nhẹ hoặc không đau, hoặc có những triệu chứng không thường gặp như thở dốc, mệt.
- Nhồi máu cơ tim yên lặng là cơn nhồi máu không có triệu chứng.
Phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Có hai nhân tố gây nên nguy cơ bệnh mạch vành mà không hề có triệu chứng ở giai đoạn đầu là mỡ trong máu cao và tăng huyết áp. Nhiều người có nguy cơ tiềm ẩn này nhưng vẫn có thể sống bình thường mà không thấy có triệu chứng nào cả.
Do đó, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn để phát hiện những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khi nó còn chưa gây ra bệnh lý nguy hiểm. Từ đó, chúng ta có thể khống chế để giảm thấp nhất nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Lý tưởng nhất là mọi người nên kiểm tra cholesterol toàn phần, cholesterol LDL (cholesterol xấu) và cholesterol HDL (cholesterol tốt) từ độ tuổi 20. Nếu cholesterol toàn phần dưới 200mg/dl và cholesterol HDL trên 35mg/dl, nên kiểm tra lại máu sau 5 năm.
Những người có nồng độ cholesterol toàn phần cao nên kiểm tra thường xuyên hơn. Huyết áp cũng nên kiểm tra thường kỳ 2 năm/lần. Bởi nhiều lúc huyết áp tăng lên mà chúng ta không biết được.
Kiểm tra sức khỏe thường kỳ rất quan trọng, đặc biệt đối với những người có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình nhiều người bị nhồi máu cơ tim.
- Loại bỏ các yếu tố nguy cơ
Các nghiên cứu cho thấy khi thay đổi lối sống, giảm các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân bệnh mạch vành sẽ có cuộc sống lâu dài hơn.
Đi khám sức khỏe định kỳ vẫn chưa đủ. Một số thay đổi sau có thể giúp bạn có trái tim mạnh khỏe hơn:
+ Không hút thuốc lá:
Nếu bạn chưa hút thuốc lá thì đừng nên bắt đầu thử. Tránh hút thuốc lá là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, ung thư phổi và nhiều bệnh lý đe dọa khác.
+ Giữ cân nặng ở mức độ thích hợp:
Tăng cân sẽ kéo theo tăng hàm lượng cholesterol trong máu, triglycerid, huyết áp tăng và dễ bị đái tháo đường, hàm lượng HDL trong máu giảm. Vì vậy, rất quan trọng khi giữ cân nặng của bạn ở mức tốt nhất. Nếu bạn đang bị quá cân, hãy có chương trình giảm cân để có trái tim khỏe mạnh, tránh được bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim.
+ Ăn thức ăn ít chất béo:
Mỡ trong máu thường có xu hướng tăng lên khi tuổi của bạn càng cao. Chế độ ăn ít chất béo và hàm lượng cholesterol thấp sẽ giúp bạn ngăn cản quá trình này. Chế độ ăn sau có thể ngăn ngừa được nhồi máu cơ tim:
Khống chế loại thức ăn và lượng thức ăn bạn ăn hàng ngày.
Không nên ăn nhiều thịt, cá và thịt gia cầm trong 1 ngày.
Cố gắng ăn nhiều hơn các thức ăn như rau, cơm, mì, đậu. Chỉ ăn kèm với số lượng nhỏ thịt, cá hoặc thịt gia cầm.
Chỉ 5 - 8 thìa cà phê dầu hoặc mỡ dùng để chế biến thức ăn trong 1 ngày.
Cố gắng chế biến thức ăn ít hoặc không có chất béo như luộc, chần, hạn chế dùng đồ rán.
Không nên ăn phủ tạng động vật như gan, não, thận, tim...
Ăn nhiều rau, quả.
+ Tập thể dục đều đặn:
Tập thể dục đều đặn có thể giúp bảo vệ bạn trước bệnh nhồi máu cơ tim. Bất cứ hình thức thể dục nào cũng cần thiết và nên duy trì. Cố gắng tập thể dục 3 - 4 lần/tuần, mỗi lần 30 - 60 phút.
Các môn thể thao tốt nhất là chạy, bơi, đạp xe và đi bộ. Trước khi tập luyện, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ của bạn, đặc biệt khi bạn đã vào tuổi trung niên hoặc đã lớn tuổi và có bệnh tim hoặc một bệnh lý nào đó.
+ Tránh căng thẳng:
Căng thẳng có thể làm hại tim hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho bạn, hãy làm gì đó để tránh điều này. Hãy thư giãn một chút trong giờ làm việc, vào ban đêm và trong những ngày nghỉ.
+ Hạn chế rượu, bia:
Một số nghiên cứu cho thấy dùng rượu với mức độ vừa phải (1 - 2 cốc/ ngày) có thể giúp bảo vệ quả tim của bạn. Tuy nhiên, nếu uống nhiều hơn, điều này sẽ làm hại đến cơ thể. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp, tăng cân nặng, tăng triglycerid máu và có thể gây rối loạn nhịp tim.
Nếu bạn không uống thì không nên thử. Nếu bạn đang uống, thì nên hạn chế và nên bỏ rượu nếu bạn chú ý đến những tác dụng phụ của nó (suy gan, bệnh cơ tim do rượu, tai nạn khi điều khiển xe cộ...).
+ Với phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai:
Thuốc tránh thai có thể sử dụng nhiều năm mà không có tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra y tế thường xuyên. Hàng năm, bạn nên kiểm tra huyết áp, triglycerid và đường máu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận