Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim là do sự lấp tắc một trong số các động mạch vành nuôi tim, do cục máu đông hình thành tại chỗ khi mảng xơ vữa bị nứt, vỡ ra.
Một số ít các trường hợp khác, nhồi máu cơ tim là hậu quả của tình trạng co thắt mạch vành làm ngừng trệ quá mức dòng máu dẫn đến nuôi cơ tim. Đây là một cấp cứu tim mạch nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời. Nếu may mắn sống sót, người bệnh vẫn có nguy cơ cao bị tái phát nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc đột tử.
Ai dễ bị mắc nhồi máu cơ tim?
Tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim cao nhất ở nam giới tuổi trên 40. Tỷ lệ này ở nữ giới theo độ tuổi thấp hơn ở nam song cũng tăng lên gần tương đương ở độ tuổi 5 đến 10 năm sau mãn kinh.
Nhồi máu cơ tim gặp tỷ lệ cao hơn đáng kể ở những người hút thuốc lá, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm trước tuổi 60.
Không ít các trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra ngay cả ở người trẻ hoặc người không hề có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
Biểu hiện của bệnh như thế nào?
Triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực với cảm giác đau như bị đè ép, bóp chặt ở giữa ngực, diễn ra trong khoảng 5-15 phút (kéo dài hơn hẳn so với cơn đau thắt ngực ổn định thông thường), thường không quá 1 giờ.
Cơn đau có thể lan lên vai, cổ, hàm hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái. Có thể có kèm theo các triệu chứng như vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt hoặc khó thở. Nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim lại biểu hiện như một tình trạng rối loạn tiêu hoá, hoặc không có triệu chứng gì (nhồi máu cơ tim thầm lặng), hoặc lại hết sức đột ngột, biểu hiện bằng biến chứng rối loạn nhịp, ngừng tim hay đột tử...
Cách phòng bệnh nhồi máu cơ tim
- Kiểm soát cholesterol máu (lipid máu): Rối loạn Lipid máu hay Cholesterol máu cao sẽ dễ khiến cho Cholesterol tích tụ làm thu hẹp lòng mạch vành đây là yếu tố thuận lợi gây nên nhồi máu cơ tim.
Do đó nếu Cholesterol máu cao hay rối loạn Lipid máu thì sẽ phải sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nhằm kiểm soát quá trình sản xuất Cholesterol máu tại gan. Đồng thời, nên điều chỉnh chế độ ăn giảm các thực phẩm chứa nhiều Cholesterol, chất béo bão hòa.
- Tránh khói thuốc: Khói thuốc vào phổi một cách chủ động hay thụ động đều gây tổn thương cho thành động mạch. Thuốc lá sẽ làm cứng các thành động mạch, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng Cholesterol trong máu và làm tăng áp lực động mạch. Do vậy, khói thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim lên năm lần, làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não lên gấp hai lần.
- Kiểm soát huyết áp ở mức mục tiêu: Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa và cục máu đông, tăng nguy cơ xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim. Do đó cần theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên, nếu chỉ số huyết áp ở mức cao thì cần thay đổi lối sống theo hướng ăn nhạt hơn, tăng cường rau xanh, quả tươi, không hút thuốc lá, vận động thể chất đều đặn mỗi ngày… Nếu thay đổi lối sống không giúp hạ huyết áp thì cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh để dư thừa trọng lượng cơ thể: Trong trường hợp trọng lượng cơ thể bình thường, để phòng tránh mắc bệnh tim mạch, hãy duy trì một chế độ dinh dưỡng đa dạng, hài hòa, cân đối, hạn chế các loại chất béo bão hòa (nhất là các chất béo có nguồn gốc động vật), muối, đường, rượu và nên ăn nhiều hoa quả.
- Vận động thể lực: Dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày đi bộ hoặc chạy bộ, thực hiện mỗi tuần hai buổi tập luyện các loại hình vận động đòi hỏi sức bền như bơi lội, đạp xe.
- Tránh căng thẳng thần kinh: Khi căng thẳng thần kinh, tim sẽ đập nhanh, nếu hiện tượng này xảy ra đột ngột sẽ càng nguy hiểm. Điều này đôi khi sẽ làm cơn nhồi máu cơ tim diễn ra đột ngột, tỷ lệ tử vong cao.
- Luôn chủ động đề phòng bệnh tái phát: Sau cơn nhồi máu, khả năng tái phát cơn vẫn còn và thường gặp vì nhồi máu chỉ là hậu quả, còn nguyên nhân gây bệnh thì vẫn tồn tại. Do vậy, để tránh tái phát, ngoài thay đổi nếp sống không tốt, người bệnh còn phải dùng thuốc phòng thứ phát các bệnh tim mạch suốt đời, quản lý và kiểm soát tốt các bệnh lý gây ra nhồi máu cơ tim: đưa trị số huyết áp về mức bình thường bằng thuốc hạ áp, phải kiểm soát được lượng đường trong máu nếu có bệnh tiểu đường...
Để có trái tim khỏe, những người có tiền sử bị bệnh nhồi máu cơ tim hay có các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim đều cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám thường xuyên, phát hiện sớm các nguy cơ nhồi máu cơ tim và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận