Người dân quận 8 tưởng niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ ra đi vì COVID-19 sáng 13-11 - Ảnh: KIM ÚT
Vì thế, lễ tưởng niệm nhằm tri ân, tôn kính và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác phòng chống dịch đã tử vong và tưởng niệm đến đồng bào đã mất trong dịch COVID-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 tổ chức hôm qua 13-11 đã khiến nhiều người xúc động. Vào lúc 19h ngày 19-11, một lễ tưởng niệm lớn hơn, ở quy mô toàn TP.HCM cũng sẽ được tổ chức và truyền hình trực tiếp.
"Đau lắm, mất người thân đau lắm!"
Ngồi một góc thẫn thờ, khi những nén nhang được thắp lên là lúc chị Nguyễn Thị Nhung không ngừng rơi nước mắt. Giữa tháng 8, khi dịch COVID-19 căng thẳng, lần lượt 11 người trong gia đình chị Nhung mắc bệnh.
Người dì của chị Nhung vì sức khỏe yếu không may chuyển nặng. 2h sáng 11-8, chị đưa dì vào bệnh viện và cũng là lần cuối được gặp dì. "Đau lắm, mất người thân đau lắm. Dì nuôi tôi từ nhỏ như mẹ. Lần cuối gặp dì tôi chưa kịp nói lời cảm ơn", chị Nhung nói rồi khóc nghẹn.
Cúi đầu che giấu đôi mắt đỏ au, chốc chốc lại lấy tay lau vội dòng nước mắt, ông Nguyễn Thành Minh nhớ lại một buổi chiều đầu tháng 8, vợ chồng ông (đều ngoài 60 tuổi) bỗng nhiên mệt mỏi. Y tế phường xét nghiệm và cho biết vợ chồng ông đã mắc COVID-19.
Tối đó, ông Minh gọi con gái về lo cho vợ, bản thân mệt quá cũng rơi vào mê man. 10h sáng hôm sau, vợ ông Minh qua đời. "Tôi không biết gì hết, tối đó mê man, sáng bước ra khỏi phòng con gái báo tin, tôi cứng đơ người, đặt tay lên trán bà mà chết lặng", ông Minh kể về ngày người vợ ra đi.
Ông Minh hành nghề chạy xe ôm, tuy cuộc sống không khá giả nhưng đủ vợ đủ chồng, con cái đều đã có hạnh phúc riêng. Những tưởng cuộc sống viên mãn, nào ngờ dịch COVID-19 ập đến. "Con cái đều có gia đình rồi, trước có hai vợ chồng nương tựa nhau mà sống, giờ bà đi rồi, còn mình tôi lủi thủi", ông Minh nghẹn ngào.
Thay mẹ làm tổ trưởng
Đến viếng bà Phạm Thị Trang – tổ trưởng khu phố tại phường 6, quận 8 - qua đời vì COVID-19 trong lúc làm nhiệm vụ, chúng tôi gặp được chị Ngân - con dâu bà và hiện đang thay bà làm tổ trưởng khu phố.
Chị Ngân ngấn lệ kể mẹ tuổi cao, lại có bệnh nền nên từ lúc TP bùng dịch, cả nhà thường xuyên khuyên mẹ nghỉ việc nhưng bà Trang ngày ngày vẫn lập danh sách hộ khó khăn, đi phân phát thực phẩm.
Ấy thế mà đại dịch COVID-19 đã "cướp đi" người tổ trưởng nhiệt huyết này sau 10 ngày mắc bệnh. "Ba tôi không chấp nhận đó là sự thật, tối nào cũng mất ngủ. Ba thương mẹ ba khóc", chị Ngân nói.
Bà Trang mất đi, vị trí tổ trưởng khu phố không ai muốn đảm nhận. Vốn đã quen với công việc do thường xuyên phụ giúp mẹ, chị Ngân đã tình nguyện tiếp tục công việc thầm lặng này.
"Lúc mẹ mất cả nhà mình cũng dương tính, không còn tâm trí làm việc gì. Tuy nhiên thấy người dân các tổ bên cạnh nhận được hỗ trợ gạo, rau củ, tiền… mình xót xa lắm nên quyết định tiếp tục công việc của mẹ", chị Ngân nói.
Cách nhà bà Trang không xa, ông Trần Văn Trường (54 tuổi) cũng chịu cảnh đau thương khi vợ ông qua đời vì COVID-19.
Trong đợt dịch vừa qua, ông làm trưởng ban điều hành khu phố, chuyên quản lý, theo dõi F0 điều trị tại nhà thì vợ ông làm tổ phó khu phố làm nhiệm vụ tiếp tế, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Và chuyện không may đến với vợ ông Trường trong những lúc thực hiện công việc.
Giờ mỗi ngày ông Trường phải dậy thật sớm, tranh thủ giặt giũ - công việc mà trước đây ông không phải lo toan vì có vợ đảm nhiệm. Khi vợ mất, nhiều lần ông muốn từ bỏ công việc trưởng ban điều hành khu phố nhưng "cuộc gọi đến nhiều quá. Người ta gọi thì tôi đi. Đi như vậy cũng để không buồn nữa", ông Trường nói.
Xót xa mãi không thôi
Chia sẻ với những mất mát của gia đình nạn nhân, bà Trần Thanh Hà - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 - cho rằng kinh tế rồi sẽ phục hồi nhưng những di chứng từ đại dịch đã xảy ra trong thời qua sẽ còn ám ảnh, còn hằn sâu trong tim hàng triệu người, có khi đến cả đời, nhất là với những ai có thân nhân đã hóa thành tro cốt. Mãi mãi trong họ là nỗi day dứt vì không được nhìn mặt, tiễn đưa người thân về cõi vĩnh hằng…
Lễ tưởng niệm có thể giảm bớt đi được sự mất mát đau thương của các gia đình có người thân qua đời do dịch bệnh, nhưng cũng không thể nào xóa đi hết nỗi niềm tiếc thương quyến luyến của các gia đình. Bà Hà cho biết sẽ tiếp tục cùng các tổ chức, cá nhân có sự chia sẻ, bảo bọc, chăm lo cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những trẻ mồ côi.
Ảnh thờ là ảnh kỷ niệm ngày cưới
Mấy ngày nay dù bận bịu với việc sắp xếp nơi gửi con để đầu tuần quay lại nhà máy làm việc sau 5 tháng nghỉ dịch, chị Nguyễn Thị Hồng Diễm (30 tuổi, quê Vĩnh Long) vẫn để tâm tới tin sẽ có một lễ tưởng niệm cho nạn nhân Covid-19.
"Chồng tôi ra đi quạnh quẽ lắm. Không tang lễ, không đưa tiễn, không được gặp ai lần cuối. Vỏn vẹn 8 ngày, kể từ ngày ảnh gom đồ đi ra xe cấp cứu của phường, tôi đâu nghĩ đó là ngày cuối cùng", chị Diễm rơm rớm nước mắt, nghẹn đi khi nhớ lại.
Chị Diễm nói di ảnh của chồng chị trên bàn thờ được cắt ra từ ảnh kỷ niệm 10 năm ngày cưới của anh chị với đứa con nhỏ. "Cả nhà đi chụp ảnh mới tháng 5 đây thôi. Vào viện 4 ngày đầu ngày nào anh cũng gọi điện về nhưng từ ngày thứ 5 thì không còn gọi nữa. Tôi lo, tìm mọi cách gọi vào bệnh viện mà không được cho đến khi bệnh viện gọi báo về" - chị Diễm nghẹn ngào. Anh về lại gia đình 2 tuần sau đó.
Chị Diễm bảo đứa con trai nhỏ 5 tuổi hầu như không nhận ra bất cứ sự thay đổi nào. "3 ngày nữa là sinh nhật nó. Nó vẫn đinh ninh ba nó sẽ mua bánh kem Đôrêmon cho nó" - chị Diễm nghẹn ngào.
Cuối tuần trước chị đã cùng 2 con mang tro cốt của chồng về quê lập mộ "để ảnh yên nghỉ ở quê với cha mẹ" và cuộc sống hiện tại may thay chị Diễm cũng không phải xoay xở một mình. "Cũng người này người kia giúp đỡ. Tôi tham gia một nhóm trên Zalo cho các bé có cùng cảnh mồ côi vì COVID-19. Một nhóm thiện nguyện đã giúp đỡ để mua sách vở, hứa đóng học phí cho bé lớn. Bên đoàn phường đến thăm tặng mỗi bé 1 triệu. Thấy mọi người quan tâm cũng mừng cho con", chị bảo.
Chị Bùi Thị P.T. (Q.4, TP.HCM) mất đi khi cố giữ một đứa con sinh non (6 tháng), một bé sinh đôi thì mất theo mẹ cũng vì COVID-19. Anh chồng vì quá thương cô vợ trẻ đã chưng quần áo, giày dép, tư trang của vợ dưới ảnh thờ - Ảnh: T.T.D.
Mẹ mất không ai biết nên sinh nhật vẫn được chúc "vui vẻ"
Sinh nhật năm nay là sinh nhật buồn nhất trong cuộc đời Phương Linh (27 tuổi, ngụ quận 8) khi mẹ cô ra đi vì COVID-19 vỏn vẹn 9 ngày trước đó. "Có vài người không biết vẫn chúc "vui vẻ" vì đâu có đám tang nào của mẹ. Tôi chỉ lặng đi mà cũng không biết trả lời thế nào", Linh chia sẻ.
Từ 2 năm nay Linh ở nhà riêng. Trước đó từ tháng 6 chung cư cô ở bị phong tỏa, đến tháng 7 thì giãn cách xã hội. Đến đầu tháng 8 khu phố nơi mẹ và vợ chồng chị gái Linh cùng 2 đứa cháu đang ở có ca nhiễm và bắt đầu giăng dây. "Mỗi ngày chỉ có thể gọi video hỏi thăm.
Tính ra từ lúc bùng dịch tới khi mẹ tôi mất, tôi đã không được về thăm khoảng 3 tháng dù chỉ ở cách nhà vỏn vẹn hơn 2km", Linh nghẹn ngào. Mẹ cô mất khi vừa tới cổng bệnh viện, chưa kịp vào cấp cứu sau 10 ngày dương tính tự cách ly ở nhà. "Mọi thứ đến quá nhanh. Tin nhắn cuối cùng tôi nhắn hỏi mẹ tối trước đó "Mẹ mệt lắm hả mẹ?" đã không bao giờ nhận được câu trả lời nữa", Linh nhớ lại.
Linh nói trước khi dịch bùng, cô từng xem một vài đoạn clip là cảnh một gia đình quỳ lạy sau chiếc xe tang chở người mất vì COVID-19 nhưng không bao giờ nghĩ rằng có ngày cô và các anh chị em cũng rơi vào cảnh này.
Những ngày đầu tháng 10 khi mọi thứ dần được nới lỏng, mọi người bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường thì Linh nói thậm chí cô còn thấy đau xót hơn những ngày giãn cách trước đó.
"Mọi người đã có thể quay trở lại cuộc sống bình thường nhưng mẹ tôi và hàng chục ngàn người khác không thể nào quay lại nữa. Mọi thứ không bao giờ có thể như trước được nữa", Linh chia sẻ. Nghe thông tin về lễ tưởng niệm, Linh chiêm nghiệm: "Mất mát đã qua nhắc nhở mọi người trân quý những người thân còn ở lại, trân quý và giữ gìn cuộc sống bình thường hiện tại".
VŨ THỦY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận