04/04/2015 09:53 GMT+7

Nhờ Tuổi Trẻ cảnh báo cái xấu

Ð.QUYÊN - X.AN - N.NAM
Ð.QUYÊN - X.AN - N.NAM

TT - Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 1 và 2-2015 được trân trọng trao đến năm bạn đọc đã chia sẻ những câu chuyện bức xúc trong cuộc sống cũng như báo tin để nhờ Tuổi Trẻ giành lại công bằng cho những người yếu thế.

Như câu chuyện “Nhà vệ sinh ở trường: dơ, hôi đến hãi hùng” (Tuổi Trẻ Online ngày 12-1), tuy là đề tài không mới nhưng đã được nhiều bạn đọc quan tâm vì là bài viết cần thiết trong tình hình nhà vệ sinh ở trường còn khiến nhiều học sinh bị mắc bệnh do nhịn tiêu, tiểu. “Con tôi khi đi học về cũng tâm sự với tôi chuyện này.

Các bậc phụ huynh đều mong muốn nhà vệ sinh trường học được cải thiện để con mình được thoải mái hơn khi sử dụng” - cô giáo Phan Thị Tuyết (bút danh Phan Tuyết), giáo viên Trường tiểu học Phước Hội 2, thị xã La Gi (Bình Thuận), tác giả bài viết, chia sẻ.

Nỗi trăn trở của 2 cô trò

Cô giáo Trần Thy Ngọc Ðan đã có hơn hai năm thu thập khá nhiều tư liệu về nạn ăn xin ở Sài Gòn.

Luôn trăn trở với những hoàn cảnh này, cô Ngọc Ðan đã không ít lần lên trang cá nhân của mình kêu gọi mọi người đừng cho tiền người ăn xin vì như thế sẽ vô tình tiếp tay cho bọn chăn dắt.

“Khi biết TP. HCM quyết tâm đưa người ăn xin, sống lang thang vào trung tâm hỗ trợ xã hội, mình rất vui và hi vọng TP sẽ không còn cảnh ăn xin tái diễn.

Thế nhưng khi lang thang phố phường tôi vẫn chứng kiến cảnh bọn chăn dắt đưa người già, trẻ em ra các điểm ăn xin nên mới chụp hình và viết bài gửi báo”, cô giáo Ngọc Ðan bày tỏ.

Và tác phẩm “Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn ngày đầu năm” (Tuổi Trẻ Online ngày 2-1) đã là tiếng chuông cho thấy TP.HCM cần làm quyết liệt thì mới dẹp được nạn ăn xin.

Cùng nhận giải thưởng bạn đọc làm báo kỳ này còn có một học trò của cô Ngọc Ðan: sinh viên Nguyễn Thanh Tâm (bút danh H.Tam), tác giả bài viết “Khi quê hương không có chỗ cho người trẻ” (Tuổi Trẻ Online ngày 14-2).

Chia sẻ về bài viết của mình, Tâm cho biết: “Mấy ngày tôi về quê ăn tết (quê Tâm là một tỉnh thuộc Nam Trung bộ - PV), nhìn thấy bạn bè cứ ngồi đồng ở các quán cà phê, nói chuyện thời sự, chính trị rồi giải tán ra về vì không có việc gì làm.

Hỏi han thì ai cũng tỏ ra chán nản, hết nhiệt huyết cống hiến vì bước đường mưu sinh không như ý tại quê nhà nên tôi đã viết bài này như một nỗi niềm trăn trở”.

Khi bài viết của Tâm đăng lên, dù rơi vào thời điểm tất bật của những ngày giáp tết nhưng vẫn nhận được rất nhiều sự đồng tình của bạn đọc, bởi đó cũng là nỗi trăn trở của nhiều người đồng cảnh ngộ và cũng là dấu chấm hỏi với chính sách sử dụng nhân tài của các địa phương. 

Báo tin để bảo vệ người yếu thế

Cùng nhận giải thưởng lần này còn có một bạn đọc báo tin nóng về vụ trực thăng quân sự rơi tại Bình Chánh, TP.HCM (Tuổi Trẻ Online ngày 28-1 và các số báo sau đó đã thông tin).

Nhờ thông tin của anh mà Tuổi Trẻ đã đưa tin sớm nhất về vụ tai nạn máy bay này, thu hút sự quan tâm, theo dõi của rất nhiều bạn đọc với nhiều lời chia sẻ gửi đến gia đình các chiến sĩ đã hi sinh khi làm nhiệm vụ.

Là công nhân thường xuyên phải đi làm bằng xe máy, chị Ð.T.L. (P.Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) rất bức xúc do cảm thấy mình bị gian lận khi mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Bình Chuẩn.

Ðổ 50.000 đồng xăng ở cửa hàng này chị đi chưa đến hai ngày đã hết xăng, trong khi mua xăng cùng số tiền ở cửa hàng khác và đi với quãng đường tương tự thì đến ba ngày mới hết xăng.

Một số đồng nghiệp của chị thường mua xăng ở cửa hàng xăng dầu Bình Chuẩn cũng hay phàn nàn về việc nhanh hết xăng, nhiều người còn nghĩ do xe bị hỏng nên hao xăng.

Ðể làm sáng tỏ nỗi nghi ngờ của mình, chị đã gọi đến Tuổi Trẻ kể lại sự việc với lời gửi gắm mong báo chí vào cuộc làm rõ việc này.

“Chúng tôi là công nhân, kiếm được đồng tiền rất khó khăn, nên không thể chấp nhận việc họ dùng thủ đoạn để ăn cắp tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi như vậy” - chị L. bức xúc.

Từ nguồn tin của chị L., sau nhiều ngày điều tra, Tuổi Trẻ đã phát hiện nhiều hành vi gian lận trong cách bán xăng của một số nhân viên ở cửa hàng này nhằm “móc túi” khách hàng nhiều ngày liên tiếp và phản ánh trong bài viết “Những chiêu “móc túi” trắng trợn khách hàng tại cây xăng” (Tuổi Trẻ ngày 18-1).

Bài viết nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc bày tỏ sự bức xúc về hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu và trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Một ngày sau khi Tuổi Trẻ đăng bài viết ngày, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Dương đã đến kiểm tra và lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm của cửa hàng xăng dầu Bình Chuẩn và đề xuất biện pháp xử lý.

Cũng gửi gắm niềm tin vào Tuổi Trẻ, bạn đọc T. đã báo thông tin về chuyện “Giả danh bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 khám bệnh tại chợ” (Tuổi Trẻ ngày 22-1).

Ngày21-1, khi đang đi mua đồ ở chợ Phú Nhuận (đường Phan Ðình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thì thấy có nhóm y bác sĩ xưng là người của một bệnh viện lớn đến chợ khám sức khỏe miễn phí cho người dân và tiểu thương, bạn đọc T. quan sát và phát hiện thực chất đây là nhóm bán hàng thực phẩm chức năng và ai đến khám cũng phải tốn 500.000-600.000 đồng để mua hàng do họ tư vấn.

Muốn lên tiếng cảnh tỉnh người dân nhưng xét mình thân cô thế cô nên chị lập tức đến báo Tuổi Trẻ để báo tin.

Khi phóng viên đến chợ, xác minh với lãnh đạo bệnh viện thì nhóm khám bệnh này cũng đồng thời bị ban quản lý chợ giải tán.

“Mong sao sau vụ này bà con sẽ rút kinh nghiệm, cảnh giác với những người mạo danh bác sĩ ở những bệnh viện lớn rồi đi lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin để rồi tiền mất mà thuốc mang về lại không dám uống” - chị T. bày tỏ.

Ð.QUYÊN - X.AN - N.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên