12/01/2015 11:24 GMT+7

Nhà vệ sinh ở trường: dơ, hôi đến hãi hùng

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TTO - Trong các buổi học, nhiều học sinh đi vệ sinh, thời gian này, thầy cô và các bạn đang trong giờ học, không ai quản, nhiều em cứ vô tư tè bậy ở ngoài… Bạn đi sau thấy dơ và tiếp tục việc làm sai ấy…

Nếu nhà vệ sinh trong trường học như thế này thì ai mà dám đi - ảnh tư liệu

​Tình trạng chung của đa số các nhà vệ sinh ở các trường học, có thể tóm tắt bằng một số từ ngắn gọn: quá dơ, hôi thối nồng nặc…

Nhiều nhà vệ sinh ở trường học tuy được đầu tư nâng cấp nhưng không tránh khỏi việc dơ và hôi đến hãi hùng. Nhiều em chia sẻ: “đặt chân vào một lần là tởn đến già”.

Mặc dù đã có nhiều bài báo phản ánh, có nhiều giải pháp đưa ra triển khai khắc phục nhưng tình hình không được cải thiện là bao. 

Hạn chế việc đi vệ sinh ở trường, nhiều học sinh nhịn ăn, nhịn uống và cố gắng nhịn tiểu… là cách mà các học sinh đang phải áp dụng.

Để thực trạng buồn như thế diễn ra, điều đầu tiên chắc chắn là do ý thức của các em học sinh chưa cao nên đã không biết giữ gìn vệ sinh chung. Điều này cũng có nghĩa công tác giáo dục của nhà trường chưa phát huy hết hiệu quả.

Nhiều học sinh đi tiểu tiện bừa bãi. Giáo viên chủ nhiệm có nhắc nhở, nhưng lại không có sự giám sát chặt chẽ để giúp trẻ khắc phục kịp thời.

Bên cạnh đó, số lượng học sinh có trường quá đông nhưng nhà vệ sinh thì quá ít. Trường hơn 800 em nhiều nhất cũng chỉ có 10 phòng vệ sinh.

Trong trường học hiện nay, không có nhân viên phụ trách nhà vệ sinh riêng, nhân viên phục vụ phải làm rất nhiều việc từ quét dọn văn phòng, phòng Hội đồng, lau chùi bàn ghế, nấu nước pha trà…

Thời gian còn lại, họ dọn dẹp hai dãy nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên. 

Một tháng, nhân viên phục vụ chỉ nhận chừng hơn một triệu đồng tiền công cho tất cả công việc ấy.

Nhà trường không có khoản nào để hỗ trợ thêm.

Nhiều trường học, đã xin ý kiến phụ huynh thu thêm 15 ngàn đồng một học sinh để hỗ trợ thêm tiền công cho họ. Số tiền thu được phải trích ra 1/3 mua giấy vệ sinh, nước lau sàn, nước xịt bồn cầu. Phần còn lại chia đều cho 9 tháng học, mỗi tháng họ được nhận thêm cũng chỉ vài trăm ngàn đồng.

Một thực tế cho thấy, tiền công để trả cho người dọn vệ sinh chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Ngoài việc quét dọn trong trường, họ phải tranh thủ làm thêm nhiều việc mới đủ sống. Vì thế, thời gian dọn vệ sinh cũng chỉ được làm cố định vào những giờ như: sau giờ ra chơi buổi sáng, buổi chiều, sau giờ ra về buổi sáng, buổi chiều.

Trong các buổi học, nhiều học sinh đi vệ sinh, thời gian này, thầy cô và các bạn đang trong giờ học, không ai quản, nhiều em cứ vô tư tè bậy ở ngoài… Bạn đi sau thấy dơ và tiếp tục việc làm sai ấy… Phòng vệ sinh ít, số lượng học sinh đông nên nhân viên dọn dẹp vô cùng vất vả. 

Muốn nhà vệ sinh sạch sẽ, nhân viên dọn dẹp phải túc trực, theo dõi và lau dọn thường xuyên. Nhưng với mức tiền công họ nhận được như thế, không thể bù đắp được công sức họ bỏ ra. 

Giáo dục ý thức học sinh, xây thêm nhà vệ sinh, nâng cao thu nhập cho các nhân viên phục vụ... phải chăng là cách để con em chúng ta đến trường không phải nhịn tiểu, dám đi vệ sinh khi có nhu cầu.

Liệu những việc này có khó quá không?

Bạn có đồng tình với những vấn đề mà bạn đọc Phan Tuyết đã nêu? Giải pháp nào để nâng chất lượng nhà vệ sinh trong trường học? Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

 

PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên