16/06/2006 02:15 GMT+7

Nhớ từng con số nhưng không biết "rút ruột" bao nhiêu!

NGUYỄN TRƯỜNG UY
NGUYỄN TRƯỜNG UY

TT - Trả lời chất vấn trực tiếp của bảy đại biểu Quốc hội (ĐB QH) tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KHĐT) Võ Hồng Phúc đã trả lời rành rẽ từng vụ việc, nhớ từng con số, từng ngày tháng... mà không cần văn bản. Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Thị Hường (Quảng Nam) vẫn “băn khoăn về trách nhiệm của bộ trưởng”.

pABgbF0q.jpgPhóng to
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: "Do cơ chế, quá trình lịch sử" - Ảnh: V.DŨNG

“Không biết thất thoát bao nhiêu”

ĐB Huỳnh Thị Hường nói rằng Bộ KHĐT là cơ quan chủ trì việc soạn thảo văn bản quản lý vốn ODA, bộ trưởng là tổ trưởng tổ công tác quản lý vốn ODA, thế nhưng văn bản dài bảy trang trả lời bà về việc sử dụng vốn vay lại “không có một dòng nào nói về trách nhiệm của Bộ KHĐT về tình trạng thất thoát sử dụng vốn vay cả”. Bà Hường nói việc thất thoát như vậy sẽ khiến con cháu chúng ta phải trả nợ, bà gọi nguy cơ này là “trẻ em hôm nay, con nợ ngày mai”.

Mặc dù thừa nhận: “Bộ KHĐT thời gian qua nặng về thu hút nguồn vốn chứ chưa chú trọng quản lý nguồn vốn, thanh tra của bộ hơi chậm (cơ quan thanh tra của bộ chỉ mới thành lập tháng 10-2003), việc chế tài quản lý dự án có làm nhưng chậm”, song Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói thêm: “Cho đến nay các nhà tài trợ nước ngoài đều khẳng định VN sử dụng vốn ODA có hiệu quả, khả năng vay - trả nợ của VN rất tốt”.

Ông cho rằng Bộ KHĐT không phụ trách quản lý chất lượng công trình nên không có trách nhiệm với tình trạng thất thoát. ĐB Hường không hài lòng: “Phải có trách nhiệm bộ trưởng trong đó”.

ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) hỏi với tình trạng thất thoát diễn ra, như vậy rút ruột là bao nhiêu? Bộ trưởng Phúc trả lời: “Chỉ biết nguồn vốn giải ngân là bao nhiêu, còn rút ruột bao nhiêu... thì không biết được”. ĐB Ngoạn: “Không thể chấp nhận được việc bộ trưởng không biết thất thoát là bao nhiêu, không thể nói lơ mơ với dân được đâu!”.

"Quả bóng trách nhiệm cứ đá lung tung"

ĐB Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Quảng Ngãi) hỏi: Bộ KHĐT đã sớm nhận thấy có tình trạng khép kín trong đầu tư sao không sửa, trách nhiệm như thế nào? Bộ KHĐT quản lý việc sử dụng vốn ODA, song không giải thích vì sao thất thoát mà cứ nói là vốn phát huy hiệu quả?

Bộ trưởng Phúc trả lời: “Đúng là chúng tôi muốn giải quyết, đã họp đi bàn lại song cải cách phải có lộ trình”. Ông Phúc cho biết ông “trăn trở đã lâu” về tình trạng quản lý đầu tư gần như khép kín, song đó là “cơ chế, quá trình lịch sử”. Trả lời chất vấn của ông Phúc khiến ĐB Lê Thị Dung (An Giang) không hài lòng, bà nói: “Quả bóng trách nhiệm cứ đá lung tung”.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt câu hỏi Bộ KHĐT có hướng giảm dần nguồn vốn vay ODA hay không, vì điều quan trọng là phải giảm dần nguồn vốn vay ODA chứ không phải là khai thác ODA để trở thành “món nợ kéo dài”?

Ông Phúc cho hay đã tính đến khả năng đó, “tùy thuộc vào khả năng của VN sau năm 2010”. Chủ tịch QH Nguyễn Văn An điều hành phiên chất vấn cũng đồng ý với ĐB Dương Trung Quốc bởi vì theo ông, “những điều kiện họ (nước ngoài) đặt ra là để lấy lại nguồn vốn đã cho vay không phải là nhỏ”.

ĐB Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) chất vấn về một dự án cụ thể: dự án xây dựng khu du lịch thác Bản Dốc triển khai quá chậm, còn bao lâu nữa mới có quyết định đầu tư dự án này?

Bộ trưởng Phúc lý giải sở dĩ công trình này chậm trễ là do phải lấy ý kiến, chờ các bộ, cơ quan... nên chậm trễ. Ông có nhắc đến Tổng cục Du lịch (nơi tham gia xem xét dự án) và tỉnh Cao Bằng (nơi triển khai dự án), song ống kính truyền hình ghi nhận cả ĐB Võ Thị Thắng (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) lẫn ĐB Nguyễn Thị Nương (bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng) đều cười khi được ông Phúc đề cập. “Có nhiều lý do, nhiều nguyên nhân” - ông Phúc nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng dù với bất cứ nguyên nhân nào, tại sao trên cùng một địa bàn, Trung Quốc lại triển khai rất nhanh, đã xong công trình, trong khi phía VN "trì trệ" cho đến nay vẫn chưa có công trình?

NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên