01/10/2013 07:30 GMT+7

Nhổ trụ điện, mọc lên tủ điện

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ

TT - Thời gian qua, ngành điện và viễn thông đã ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin trên hàng loạt tuyến đường ở TP.HCM.

Lưới điện và dây thông tin đã cùng “chui” xuống đất nhưng khi “trổ” lên tủ phân phối đưa điện hoặc cáp thông tin đến nhà dân thì các đơn vị lại có một tủ riêng...

Tủ điện nguy hiểmTủ điện giữa đường đi bộ

T5QdyYY8.jpgPhóng to
Tủ điện nằm giữa nhà 162-164 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM sau nhiều lần di dời - Ảnh: Đức Phú

Nhiều bạn đọc phản ảnh các tủ điện, tủ viễn thông mọc lên như nấm trên vỉa hè làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của người dân.

6-8 nhà dân có một tủ điện

Theo Công ty Điện lực Sài Gòn, trong năm nay công ty triển khai mười công trình ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường ở quận 1, 3 như Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng... với khoảng 350 tủ điện được lắp đặt. Còn Công ty Điện lực Phú Thọ có sáu dự án ngầm hóa lưới điện và dây thông tin trong năm nay với khoảng 130 tủ điện được lắp đặt.

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), khi ngầm hóa lưới điện, kết hợp dây thông tin thì từ 6-8 nhà dân phải lắp đặt một tủ điện. Tủ điện này chứa các kết nối giữa đường điện truyền tải ngầm và dây điện phân phối đến từng hộ dân. Theo quy cách, tủ điện giống một cái hộp có kích thước 40x60cm, cao 80cm được lắp trên một bệ bêtông cao khoảng 40cm nên có chiều cao khoảng 1,2m. Ngoài ngành điện, các công ty viễn thông cũng có hàng trăm tủ phân phối riêng “mọc” trên vỉa hè.

Ông Phạm Quốc Bảo - phó tổng giám đốc EVN HCMC - cho biết theo nguyên tắc, các đơn vị trước khi lắp đặt tủ điện đều phải thông qua phòng quản lý đô thị địa phương về vị trí lắp đặt. Vị trí này thường nằm giữa ranh hai hộ dân và nằm trên vỉa hè. Tuy vậy, quá trình lắp đặt tủ điện tại nhiều địa điểm lại bị người dân phản ứng và cho rằng ngành điện làm sai thiết kế.

Bà Cao Thị Vọng, ngụ nhà 164 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1, phản ảnh Công ty Điện lực Sài Gòn lắp một tủ điện cao khoảng 1m trước nhà bà làm hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng đến việc buôn bán của cửa hàng nhà bà. Bà Vọng cho rằng Công ty Điện lực Sài Gòn đã lắp sai vị trí, tự ý di dời tủ điện từ trước nhà hàng xóm sang trước nhà bà nên yêu cầu đơn vị thi công ngưng làm. Theo bà Vọng, thiết kế tủ điện được đặt trước nhà 158-160 Đinh Tiên Hoàng, sau đó được chuyển qua giữa nhà 160-162 và cuối cùng đặt trước nhà bà. “Tôi đã yêu cầu đơn vị thi công không được làm, chờ các cơ quan chức năng đến giải quyết, nhưng sáng hôm sau tủ điện nằm trước nhà tôi đã được làm xong” - bà Vọng nói.

Ông Trần Tường Phát, chủ nhà 768 Điện Biên Phủ, P.10, Q.10, cho biết khoảng tháng 6-2013, Công ty Điện lực Phú Thọ cho người đến đào vỉa hè lắp một tủ điện trước nhà ông và hàng xóm. Khi thi công đã đụng hai đường ống cấp nước nên ông Phát yêu cầu đơn vị thi công ngừng lại để tránh ảnh hưởng tới đường ống nước. Cuối cùng, sau nhiều lần đào đi đào lại vỉa hè, Công ty Điện lực Phú Thọ lại di chuyển tủ điện vào sát móng nhà ông để đặt khiến ông lo sợ nền nhà bị ảnh hưởng. “Tôi gặp lãnh đạo của công ty điện lực để trình bày nhưng lãnh đạo đơn vị này lại nói đó là chủ trương ngầm hóa dây điện của TP, mong người dân thông cảm” - ông Phát bức xúc nói. Sau đó, ông Phát “xuống nước” đề nghị hạ thấp phần bệ tủ xuống để cửa nhà ông được thông thoáng nhưng cũng không được chấp thuận.

Không thể ngầm hóa tủ điện

Theo Công ty Điện lực Phú Thọ, việc thi công lắp đặt tủ điện trước nhà ông Phát ở 768 Điện Biên Phủ đã được UBND Q.10 ký thỏa thuận vị trí. Trong quá trình thi công, do vướng đường ống cấp nước nên phải đào sát cột tường nhà ông Phát khiến ông không đồng ý. Sau đó, UBND P.10, Q.10 có hỗ trợ, giải thích nên ông Phát đã đồng ý cho lắp đặt tủ điện tại vị trí trên. Giải thích việc không hạ thấp bệ đỡ trụ điện theo đề nghị của ông Phát, đại diện Công ty Điện lực Phú Thọ cho rằng làm như vậy tủ điện sẽ không đảm bảo an toàn khi có mưa to gây ngập lụt. Còn ông Trần Văn Toàn, phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết tủ điện mà chủ nhà 164 Đinh Tiên Hoàng phản ảnh di dời nhiều lần do quá trình thực hiện đụng công trình ngầm. “Việc này chúng tôi đều xin ý kiến cơ quan quản lý vỉa hè tại địa phương” - ông Toàn nói.

Vì sao không ngầm hóa luôn tủ điện? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Quốc Bảo cho biết kỹ thuật ngầm hóa tủ điện rất phức tạp và khó khả thi trong điều kiện nhiều tuyến đường tại TP thường bị ngập nước. Còn nếu ngầm hóa tủ điện vĩnh viễn bằng cách đổ bêtông thì khi có hư hỏng hoặc phát triển thêm khách hàng không thể thao tác được. Chưa kể chi phí để ngầm hóa tủ điện cao gấp 4-5 lần so với làm nổi.

Còn chuyện dây điện và cáp thông tin đã ngầm chung nhưng ngành điện và viễn thông lại có tủ phân phối riêng khiến vỉa hè dày đặc tủ phân phối, ông Bảo cho biết đã nghĩ tới chuyện hai đơn vị dùng chung một tủ phân phối để tránh lãng phí và chiếm dụng diện tích vỉa hè nhưng do kỹ thuật mỗi đơn vị khác nhau nên chưa thống nhất được. “Chúng tôi đang đề nghị ban chỉ đạo ngầm hóa yêu cầu các đơn vị ngồi lại với nhau để nghiên cứu làm sao có thể sử dụng một tủ phân phối được cho nhiều đơn vị”- ông Bảo nói.

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên