Tôi cố nén cảm xúc nhưng lòng vẫn quặn đau. Lúc về đến nhà trên mạng xã hội đã tràn ngập những lời tiếc thương thầy.
Ngồi nóc xe đò đến với nông dân
Là một học trò đã có rất nhiều năm làm việc với thầy, tôi biết ngày chia tay sẽ không xa lắm và sáng 19-8, thầy đã vĩnh biệt mọi người.
Không cuộc chia tay nào mà lòng không vương vấn, nhưng trong cuộc chia ly này ắt thầy cũng viên mãn với phần đóng góp cho đời. Mặc dù ở kỳ bạo bệnh trước lúc nhắm mắt xuôi tay, tiếng nói chưa rõ ràng, thầy đã phác thảo công việc sẽ đóng góp tiếp tục, sẽ giữ lại trường song ngữ ở Long Xuyên (An Giang)…
Như có một cơ duyên từ lúc tôi vào khoa nông nghiệp Trường đại học Cần Thơ đến lúc thầy ra đi, trên 50 năm tôi và thầy Xuân có quá nhiều cơ hội học tập và làm việc cùng nhau.
Những lúc ở Phnom Penh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan), Malaysia… tôi đều được sắp để ngủ chung phòng với thầy vì tôi là học trò cả, gần tuổi với thầy nhất.
Tại Sóc Trăng, nơi thầy và tôi cùng đến thăm các lão nông thì sau đó đôi ba năm, tôi là người được thầy ủy quyền mang tràng hoa đến viếng tang các vị này.
Những tháng ngày gần gũi xuyên thế kỷ đã đọng lại trong tôi rất nhiều, bởi tôi là người luôn nhắc thầy buông bàn phím máy tính sau 11h đêm với lời: "Thầy ơi nghỉ ngơi, mai làm tiếp"!
Thầy thật sự là một trí thức dấn thân, học nghề ở Nông trại IRRI, đỗ kỹ sư mía đường và trở thành thầy viết handbook cho lớp học viên kế tiếp.
Thầy dấn thân vì biết ngồi nóc xe đò để đi đến chỗ nông dân cần mình. Nếu không dấn thân thầy cũng không viết được luận văn tiến sĩ cực ngắn mà được các giáo sư Nhật Bản khen vì lý giải vấn đề hợp logic, hợp quy luật…
Trăn trở mô hình lúa - tôm
Những năm đầu thập niên 1980, kinh tế Việt Nam sa sút, đi với thầy về vùng nước lợ miền Tây, thầy vẫn không quá ưu ái cho cây lúa. Thầy vẫn phát triển tư duy hệ thống, đó là hệ thống lúa - tôm mà tới nay tôi vẫn theo đuổi.
Thầy nói (lúc đó là năm 1983) thiếu đô la quan trọng hơn thiếu lúa. Mà ráp lúa - tôm thì vừa có đô la vừa có lúa. Mô hình lúa - tôm thầy nói được các nhà khoa học quốc tế cho rằng có một không hai.
Đóng cửa trường học để sinh viên các ngành đi cấy lúa, đi diệt trừ rầy là một ý tưởng mang tính biểu tượng. Bởi sinh viên không thể thay công việc của nhà nông nhưng cuộc vận động đó đã "kích hoạt" tư duy sáng tạo giúp Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua dịch rầy nâu.
Tư duy "Hệ thống canh tác" của thầy Xuân được hiện thực hóa bởi những thành tựu lai lúa cải tiến trong mùa cho vùng bán đảo Cà Mau.
Trong đó là giống MTL124, MTL126, MTL136 trong thập niên 1990. Trong lúc đó thì Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực rút ngắn chu kỳ sinh trưởng cây lúa để chín sớm né lũ.
Tư duy phản biện thời trẻ của thầy Xuân thật bản sắc. Ở tuổi dưới 50, thầy đã đặt vấn đề lúa và hợp tác hóa, cái nào ưu tiên và kết quả là đã có đợt đổi mới đầu tiên vào năm 1986. Tư duy phải tập trung hóa đầu mối gạo của thầy thật mạnh mẽ.
Các "cai đầu dài" (từ của thầy Xuân) không còn khống chế lượng gạo xuất khẩu nhiều năm qua. Viết vội những dòng này là để thay mặt nông dân, thay mặt học trò tri ân thầy và làm sáng tỏ thêm công đức của thầy. Đây chỉ là phần nhỏ, rất nhỏ trong ký ức hơn 50 năm với thầy của mình.
Dẫu biết rằng thầy còn nhiều khát vọng nhưng tôi - một học trò cũ - vẫn cho rằng sống và đóng góp cho đời 85 năm qua, thầy đã viên mãn.
* Từ năm 1982 - 1997: Giáo sư Võ Tòng Xuân giữ chức phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ.
* Tháng 12-1999 đến tháng 11-2007: Hiệu trưởng Trường đại học An Giang.
* Từ năm 1996 - 2006: Ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam.
* Từ năm 2010 đến tháng 10-2013: Hiệu trưởng Trường đại học Tân Tạo.
* Từ tháng 10-2013: Ông là thành viên hội đồng sáng lập và sau đó là quyền hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ.
Hiện nay giáo sư Võ Tòng Xuân là hiệu trưởng danh dự của Trường đại học Nam Cần Thơ.
Lễ viếng tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ
Theo ban tổ chức lễ tang, GS.TS Võ Tòng Xuân mất lúc 7h27 ngày 19-8 tại TPHCM. Lễ viếng bắt đầu từ 19h cùng ngày tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ, số 30A đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều. Lễ truy điệu vào lúc 7h30 ngày 22-8, linh cữu sau đó được đưa an táng tại quê nhà thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận