28/08/2010 18:09 GMT+7

Nhớ tầm bỏi quê nhà...

HƯƠNG VŨ
HƯƠNG VŨ

TTO - Quê nội tôi nhà ai cũng trồng tầm bỏi, vừa làm hàng rào giữ đất và để giữ bọn trẻ con khỏi vào vườn quậy phá, vừa để ăn. Những món ăn quê tôi hầu như món nào cũng có sự hiện diện của tầm bỏi: “đánh giấm” nước rau, nấu riêu, kho cá...

vqctwA7v.jpgPhóng to
Rặng tầm bỏi sau nhà - Ảnh: Hương Vũ

Thời thơ ấu, mùa hè nào chị em tôi cũng được bố mẹ gửi về quê nhờ ông bà nội trông giúp vì bố mẹ bận đi làm, để con trẻ ở nhà không có người trông nên không yên tâm. Quê nội tôi ở An Lão -một vùng quê yên ả thuộc ngoại thành Hải Phòng. Nhà quê rộng rãi, có gà có chó cho chúng tôi chơi, nhất là những bữa cơm thơm nồng mùi lúa mới khác gạo sổ hôi nồng nên được về quê trong ba tháng hè với những đứa trẻ thành phố chúng tôi khi đó không gì thích bằng.

Quê nội nhà nào cũng có tầm bỏi. Nhà nội tôi cũng trồng một rặng tầm bỏi dài quanh vườn như vậy.

Cây tầm bỏi dễ trồng, chỉ cần chặt một cành hơi già cắm xuống đất là mấy tuần sau đã có những chồi non mọc lên rồi phát triển rất nhanh thành những cành khẳng khiu đầy gai nhọn ra tứ phía. Những lá tầm bỏi hơi giống lá phượng non lòa xòa xanh tốt quanh năm, tới mùa rét mới lụi đi chút xíu. Trẻ con sơ ý chạy vào lùm cây là sẽ bị những gai nhọn chọc cho đau khóc ròng. Có lần ham chơi, tôi té vào một bụi cây tầm bỏi già, bị gai đâm chảy máu, mặt mũi xước như bị mèo cào, còn cái áo thì rách tươm.

Tôi lớn lên và lập nghiệp giữa Sài Gòn ồn ã, nhắc tới tầm bỏi mọi người không hiểu là cây gì. Đôi khi nhớ về gia đình cách xa hai ngàn cây số vẫn thấy ấm lòng với chút kỷ niệm thân thương gắn với rặng tầm bỏi quê người.

Khi đó áo quần hiếm và quý lắm, sợ bị bà nội la tôi trốn trong bụi chuối tới chiều tối, nội gọi khắp nơi rồi hốt hoảng huy động cả xóm đi tìm cho tới khi thấy tôi đang ngủ gục trong vườn. Đương nhiên sau đó là một trận đòn nên thân, không phải vì tội làm rách áo mà là tội để người lớn lo sợ… Tới giờ hình ảnh nội vừa giơ cây roi mắng mỏ vừa khóc như một kỷ niệm tuổi thơ trong trẻo cứ theo tôi mãi.

Bọn trẻ chúng tôi sáng chế ra một món ăn hơi lạ, đó là lấy những quả hồng xiêm xanh đập giập ra, ngâm với chút nước lạnh cho ra hết nhựa chát rồi chấm muối ớt ăn cùng lá tầm bỏi chua. Ngưòi lớn nhăn mặt chê bọn tôi ăn “mọi” quá, nhưng với chúng tôi, thưởng thức chút vị chua chát cay mặn đan xen ấy ngon tuyệt vời. Cũng có thể vì khi đó thiếu thốn quá, đâu có bánh trái ăn vặt như trẻ con thời nay nên chúng tôi thấy nó ngon? Chỉ có điều bây giờ ngồi hồi tưởng lại, vẫn thấy nước miếng tứa đầy qua các kẽ răng…

Tôi nhớ mãi những bữa cơm quê dân dã, bác Cả mang biếu nội mớ cá vụn mới đi đơm về. Nội xếp vào nồi cá kho thật nhiều những lá tầm bỏi già, bỏ thêm tí gia vị, kẹo đắng… vừa để đỡ cháy nồi, vừa để tầm bỏi tiết chất chua cho nồi cá. Nồi cá đước bỏ lên bếp rơm đun tới gần cạn, rồi vùi nồi vào giữa lớp tro ấm đốt thêm mớ rơm phía trên, để khoảng 20 phút nhấc ra nồi cá đã cạn hết, những con cá mềm rục ăn được cả xương thấm gia vị, và nhất là nhờ vị chua thanh của tầm bỏi mà rất bắt cơm.

Lớp tầm bỏi dưới đáy nồi ngon nhất vì thấm gia vị nhất được bọn trẻ tranh nhau nhiệt tình. Bữa cơm có thêm món rau muống đầm toàn ngọn đua luộc chấm mắm cáy với nước rau được “đánh giấm” vài cọng tầm bỏi chua chua khiến những đứa trẻ đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” chúng tôi ăn như muốn “thủng nồi, trôi rế”.

Lần nào về quê thăm con, mẹ tôi cũng tranh thủ hái ít lá tầm bỏi đem lên thành phố phơi khô dùng dần. Nhiều món ăn mẹ nấu cũng không thiếu đước vị tầm bỏi như món riêu cua đồng, riêu cá dù trên thành phố người ta thích dùng chay hay quả tai chua hơn. Mẹ nói những trái đó vị chua không thanh như tầm bỏi nên mẹ không thích. Mẹ là người gốc thành phố, lấy bố rồi cả nếp ăn cũng chiều theo bố từ lúc nào.

Cho tới giờ cũng vậy, mỗi lần về quê thăm nội mẹ vẫn hì hục ra vườn hái một mớ tầm bỏi to về phơi khô dùng dần...

HƯƠNG VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên