Sắc xuân Hà Lan. Ảnh chụp trong vườn Keukenholf ở Lisse - Ảnh: P.X.L.
Lần đầu tôi nhận ra điều đó đã lâu lắm rồi, khi sau sáu năm xa nước trở về, đập vào mắt tôi là gương mặt những đồng bào lam lũ mà trước đó tôi chưa từng nhận ra. Để rồi những gương mặt đó không bao giờ rời đi.
Những gương mặt ẩn đâu đó, sâu trong những ngóc ngách tưởng đã lãng quên của ký ức. Và trở lại mỗi khi tôi có dịp đi xa, nhìn ngắm. Những gương mặt xứ người nhắc tôi về những gương mặt hằn đọng trong ký ức.
Những gương mặt không rõ nét, chỉ vạch lại những đường kẻ mơ hồ, vừa đủ để hình dung về những con người đang sống: họ vui hay buồn, họ hài lòng hay bi quan, họ còn mơ ước hay đã thờ ơ...
***
Những gương mặt Hà Lan tươi tắn. Như sắc hoa mùa xuân đua tranh trong muôn kiểu vườn độc đáo trước những căn nhà của thị trấn Nootdorp (đông nam The Hague). Những trạm dừng dọc đường cao tốc ở Hà Lan luôn có hoa tươi và WiFi miễn phí, để lại ấn tượng rằng người Hà Lan bay bướm hơn người Đức. Và phóng khoáng hơn.
Những trạm dừng của người Đức tiện nghi đầy đủ nhưng chẳng có gì cho không, nói chi hoa, càng không! Dẫu vậy, thiên nhiên Đức rất tươi đẹp. Mùa xuân, thiên nhiên Đức đãi mắt bạn bằng những cánh đồng hoa cải vàng rực bất ngờ xuất hiện giữa muôn trùng xanh tươi.
Từ Hà Lan sang Đức, bạn cảm nhận được sự khác biệt: từ đất nước toàn bình nguyên vì thấp hơn mực nước biển sang một chốn đồi núi nhấp nhô, chập chùng. Những gương mặt Đức cũng nghiêm nghị hơn người Hà Lan.
Từ Hà Lan, Đức, sang Tiệp - bây giờ được gọi là Cộng hòa Czech - thấy rõ mình đang đi "từ Tây sang Đông". Không hẳn là khái niệm địa lý, mà còn là khung cảnh, tâm thế. Sự tươi trẻ, năng động, duy lý chuyển sang đăm chiêu, trầm tư.
Tại Praha, ấn tượng để lại có lẽ là những mặt người trong quán cà phê Tramway. Nằm giữa quảng trường Wencelas, những toa xe giữ nguyên nội thất của những cỗ xe tramway từ thời Tiệp còn là một thành viên của khối xã hội chủ nghĩa. Đầu toa xe còn có hình ảnh đôi thợ công nông.
Ngày cuối tháng 5 trời lạnh, gió nhiều, khách túm tụm trên các toa xe, các bàn đều đặt sẵn chăn, khách có thể choàng cho bớt lạnh. Người Tiệp trầm tư. Có thể ấn tượng đó được tạo bởi quán cà phê nhắc về quá khứ, bởi những khối nhà vuông vức nặng nề, kiểu nhà thời Liên Xô cũ có thể thấy không chỉ ở Nga, mà còn ở những nước cựu xã hội chủ nghĩa, như ở Đông Đức của CHLB Đức.
Mà cũng có thể, bởi bức tượng đặc sắc mô tả Franz Kafka, tác giả Hóa thân nổi tiếng. Khối kiến trúc cũng "hóa diện", với những nét mặt Kafka được tạo ra bởi những chuyển động của các khối xoay, từng tầng, biến đổi diện mạo của ông từng phút.
Nếu còn sống, biết đâu Kafka sẽ viết về một Hóa thân khác, khi số phận con người không chỉ bị ảnh hưởng bởi hình hài của họ, năng lực kiếm tiền của họ...
Từ Tiệp sang Hungary, thay đổi xuất hiện từ tấm biển nhỏ báo biên giới: những cột điện gió bề thế, lớp lang của Hà Lan, Đức... ngớt dần ở Tiệp, được thay bằng những trụ điện kềnh càng. Còn dọc những ngôi làng nhỏ là những cột điện nhỏ, dây nhợ chằng chịt.
Nhớ lại trong cuốn Người Hungary, họ là ai, tác giả Lackfi Janos kể một người bạn Pháp của anh từng kinh ngạc hỏi tác giả, sao ở Hungary lắm dây cáp vậy, chúng chạy ngang dọc trên trời cao, "như thể người ta phơi vỏ chăn của cả bầu trời".
Không chỉ dây cáp, dây điện sinh hoạt, mà treo trên đầu ngay ở thủ đô còn là chằng chịt dây điện của đủ loại hình giao thông công cộng, từ tramway tới xe buýt điện.
Dẫu vậy, Budapest vẫn mỹ miều ở cả hai bờ con sông Danube chảy qua thành phố, từ cầu Karl cổ kính đến lâu đài Buda ngoạn mục uốn lượn trên cao. Nhưng điều tôi nhớ nhất lại là một bốt điện thoại công cộng lạc lõng sót lại, và hình ảnh những người già trên con phố gần "Quảng trường các anh hùng".
Những ông già túm tụm hút thuốc, bàn bạc gì đó. Một người ngồi trên xe lăn, gương mặt chằng chịt nếp nhăn và cặp mắt đã thôi không còn mơ ước. Lackfi Janos kể, vào buổi giao thời giữa thế kỷ 19 và 20, có một trào lưu đã trở thành mốt trong giới quý tộc Hungary: tự tử khi không thể đối phó nữa với việc che đậy sự túng bấn, làm liều.
Mặc dù ngày nay, con đường dẫn tới nấm mồ của những người Hung như thế được "lát bằng sự trầm cảm, cà phê, thuốc lá và cholesterol...".
Và thiên đường cũng có những trăn trở. Bạn cảm nhận rõ điều đó khi đến Liechtenstein, một công quốc nằm giáp Thụy Sĩ và Áo. Đất nước nhỏ xíu, chỉ 160km2 với hơn 30.000 dân, nhưng là một trong những xứ có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Một đất nước hầu như... vô diện, bởi đang là mùa xuân, khắp nơi chỉ gặp toàn du khách. Du khách nườm nượp ở trung tâm Valduz, chen chân chụp ảnh trước tòa thị chính, rầm rập tham quan các tòa lâu đài, rôm rả từng đoàn trên những đường phố nhỏ lên đồi xuống dốc...
Ngay cả những nhân viên phục vụ trong những cửa hàng lưu niệm lớn cũng là người... Trung Quốc. Hỏi ra thì được biết đang là mùa nghỉ. Xứ sở của dân trượt tuyết này đang tranh thủ hai tháng 6, 7 trong năm để xả hơi trước khi vào phục vụ những lượt khách mới, bắt đầu đổ đến từ tháng 8.
Cuộc sống trông nhàn nhã, hạnh phúc? Ấy vậy mà trong năm 2018, tại xứ này đã có tám vụ tự tử. Trong số đó có một nữ bác sĩ. Một thống kê năm 2016 nói tỉ lệ tự tử ở Liechtenstein là 7,93 trên 100.000 dân, mặc dù vẫn thấp hơn bình quân của thế giới (9,42 trên 100.000 dân), nhưng báo cáo này cho biết tự tử là nguyên nhân hàng đầu của những cái chết phi tự nhiên ở xứ này (so với chết vì tội ác = 0, của năm 2016)!
Hỏi một cư dân Việt ở đây, chị đáp: "Có lẽ vì quá buồn, quá cô đơn, kể cả khi cuộc sống vật chất sung túc, bảo đảm, đủ đầy". Chẳng có công trình nghiên cứu nào để giúp tìm chính xác câu trả lời, nhưng ở xứ sở mà khi không đủ tiền xài, ra riêng không nhà ở có thể nộp đơn xin chính phủ cho tiền, cấp nhà - như chị kể - mà vẫn có người tự tử, rõ ràng những người này cần gì đó hơn thế...
Mà đó là gì? Bạn nhớ lại bộ phim Euphoria (2017) của đạo diễn trẻ Thụy Điển Lisa Langseth, kể về những con người trong một bệnh viện trợ tử, nằm ở một chốn hoang liêu, đẹp như thiên đường (quay ở vùng núi Alpes của Đức). Bệnh viện dành cho những người giàu có, muốn an tử vì những lý do khác nhau.
Một quý ông giàu sụ (do Charles Dance thủ diễn), chơi ngông đến tận cuối đời khi mời hẳn một ban nhạc đi trực thăng đến bệnh viện biểu diễn cho buổi tiệc từ giã cõi đời của mình. Ấy vậy mà trước khi nhận liều thuốc cuối cùng, quý ông này vẫn nhờ dịch vụ của bệnh viện "tút" lại trang Facebook của mình, chèn thêm hình ông ôm một người tị nạn.
Để làm gì? Nhân vật đáp: "Lỡ mai này ai đó lên Google tìm hiểu về tôi thì đó sẽ là những thông tin tốt đẹp". Thì ra dẫu khi sống "đập phá" ra trò, nhân vật vẫn muốn mình trông hay ho trong mắt người đời. Vẫn tin rằng, một cuộc sống có ý nghĩa mới ở lại lâu hơn trong mắt hậu nhân.
Tượng đài gương mặt Franz Kafka, một cấu trúc 42 lớp liên tục xoay chuyển, đang “hóa diện” ở Praha - Ảnh: P.X.L.
***
Tác giả người Hungary Lackfi Janos viết về đồng bào mình với sự tự trào thoáng chút bùi ngùi. Ông kể vì mưu sinh, vì biến động chính trị, vì những hoàn cảnh lịch sử mà người Hungary tản mác khắp thế giới. Vô tình tôi lại cảm nhận được nỗi bùi ngùi đó trên con phố Cserhat ở quận 7 của Budapest.
Ở một hiệu tạp hóa dọc đường, chúng tôi nhận ra hai gương mặt quen thuộc. Người Việt. Đó là hai chị em họ, đang bán cho một cửa hàng gia đình, không đắt hàng lắm vì "các chị thấy đó, cửa hàng kiểu chúng em có ở khắp nơi quanh đây".
Trong thế giới của những siêu thị, những franchise nườm nượp mọc lên, cửa hàng của họ phục vụ những cô cậu sinh viên nghèo, vào tạp hóa chỉ để mua một cuốn sổ bằng lòng bàn tay, hay một cặp lỡ đường vào mua... hai gói cà phê hòa tan G7, một bà mẹ dẫn đứa con vào mua một túi kẹo nhỏ...
Đủ thấy lời than thở của họ không phải đãi bôi. "Trước, chúng em bán trong chợ châu Á, ế ẩm quá mới dọn ra đây".
Chúng tôi đã vào ngôi chợ đó. Một khu đất rộng, mênh mông những tiệm hàng, cửa hiệu mà chẳng thấy khách vãng lai. Rác rưởi bay theo gió, những chú chuột thong dong bò lên từ cống. Khó lòng tin mình đang ở một xứ sở Trung Âu...
Gương mặt cô chị trắng trẻo, xinh đẹp, đôi mắt nhẫn nhịn. Ngồi khuất sâu trong tiệm giờ vắng khách, cô nặn hoành thánh. "Em có con nhỏ. Tranh thủ làm để tối về nấu cho cháu".
Những đồng bào của Lackfi làm "nhân viên soát vé, người nướng bánh mì, tài xế taxi, những cô gái làm tiền ở các ốc đảo trên sa mạc các bình nguyên Mông Cổ" - gương mặt họ ra sao?
Trong tôi, từ một năm sắp qua, đọng lại đôi mắt của người đàn bà Việt mưu sinh trên một đường phố Budapest.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận